Hình thành tour chuyên đề mua sắm ở Đà Lạt

10:10, 20/10/2010

Chỉ cần gõ trang thông tin tìm hiểu, hàng loạt sản phẩm trở thành những mặt hàng điển hình để mua sắm khi đến Đà Lạt. Nhưng điều này đã đủ để hình thành du lịch mua sắm ở Đà Lạt?

Chỉ cần gõ trang thông tin tìm hiểu, hàng loạt sản phẩm trở thành những mặt hàng điển hình để mua sắm khi đến Đà Lạt. Nhưng điều này đã đủ để hình thành du lịch mua sắm ở Đà Lạt?

Du khách chọn hàng len tại chợ Đêm Đà Lạt
Du khách chọn hàng len tại chợ Đêm Đà Lạt

Trung bình một năm, Quế Dung- nhân viên làm việc tại một công ty dược phẩm ở thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) lên Đà Lạt từ 3 đến 4 chuyến để nghỉ dưỡng. Cô lên Đà Lạt như một thói quen khi công việc có nhiều áp lực, khi thì Dung đi một mình, nếu tập hợp được bạn bè thì họ cùng kết hợp tổ chức chuyến đi. Đà Lạt đã trở nên quá thân quen với Dung, lần nào đến chị cũng sắp xếp đi chợ để mua những mặt hàng làm quà như rau củ, các mặt hàng len không quá dày, vài loại hoa.

Dung cho biết chị coi việc mua sắm  như một thú vui ở phố núi, mục đích chính của chuyến đi là nghỉ dưỡng, nạp lại năng lượng. Khác với Quế Dung, công việc của hướng dẫn viên du lịch  Trương Ngọc Liên thường tiếp xúc với du khách, chị cho biết để nâng mức chi tiêu của  du khách, dần hình thành du lịch mua sắm, địa điểm du lịch cần hình thành nhiều yếu tố thị trường thì mới thúc đẩy mua sắm là đích đến của du khách.
   
Đến Đà Lạt mua gì? Các sản phẩm tiêu dùng như hàng may mặc, mứt, trà, các loại trái cây đặc sản theo mùa; một số mặt hàng gần đây được du khách ưa chuộng như giỏ xách đan bằng mây, nước hoa, tranh hoa, các loại vòng làm bằng đá bán quý…cũng đang trở thành những mặt hàng gắn với địa danh Đà Lạt. Nếu chỉ đơn thuần tìm quà tặng trong chuyến du lịch thì  các loại sản phẩm và những mặt hàng nông sản ở Đà Lạt tương đối đa dạng để du khách lựa chọn nhưng lại chưa đủ hoàn thiện để kết nối thành những tour du lịch mua sắm như một dạng tour chuyên đề.

Theo ước tính của nhiều hướng dẫn viên du lịch, trung bình một khách khi đến Đà Lạt thường chi tiêu ở mức trên dưới 2 triệu đồng cho việc mua sắm quà tặng. Mức chi tiêu này được đánh giá là không cao bởi Đà Lạt ít các mặt hàng cao cấp và độc đáo để mời gọi khách hàng. Nhằm đạt mục tiêu nâng mức chi tiêu trong mua sắm của du khách bằng cách thiết kế những tour có nhiều điểm mua sắm thuyết phục, ngoài yếu tố sản phẩm, những vấn đề khác như giá cả, phong cách bán hàng, tiếp thị… đều quan trọng.

Kinh nghiệm từ những thị trường du lịch tại khu vực ASEAN như Malaysia, Singapore, khi đã hoàn thiện tour, các thị trường này vẫn thường tổ chức các lễ hội giảm giá, tháng khuyến mại và phối hợp thông tin với các công ty du lịch để chào đón du khách. Với thị trường trong nước, TPHCM gần đây đã tổ chức những tháng bán hàng giảm giá, riêng trong tháng 9 với nội dung “ thỏa sức mua, đua sức sắm”, đã có trên 350 điểm bán hàng ở TPHCM tham gia chương trình này. Nằm trong xu thế khuyến khích du khách đến với Đà Lạt và mua sắm, Chương trình khuyến mại “Ấn tượng Đà Lạt - Lâm Đồng” đã được tổ chức vào giữa năm 2009 và cuối năm 2009 - đầu năm 2010.  Chương trình này được áp dụng trên các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, hàng đặc sản, hàng lưu niệm, các hãng lữ hành, hàng tiêu dùng…

Các hình thức khuyến mại đưa ra là: Cung ứng dịch vụ mẫu để khách dùng thử không phải trả tiền, tặng hàng cho khách, cung ứng thêm dịch vụ, bán hàng với giá rẻ hơn… lần đầu tiên được khởi động. Tuy vậy, chương trình còn nhiều điểm chưa thu hút được các đơn vị lữ hành bởi các yếu tố như: chưa được tuyên truyền quảng bá rộng, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia tích cực để tạo thành một ấn tượng thật sự mạnh mẽ. Một đại diện từ Hãng lữ hành Viettravel cho biết việc tạo liên kết giảm giá trong chuồi khách sạn - nhà hàng - vận chuyển - mua sắm - lữ hành - hàng không là việc tốt nhất để thúc đẩy kích cầu du lịch.

Vị đại diện này cũng đồng thời cho biết  các hãng lữ hành luôn muốn đổi mới chương trình cho du khách, vấn đề chính là thương hiệu được xây dựng phải đủ mạnh và được giữ vững. Nhìn từ góc độ khuyến khích các đầu mối vận chuyển và hướng dẫn để tăng mức mua sắm của du khách, ông Trần Văn Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Việt Tín cho rằng “Để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bán hàng và đưa khách du lịch đến với các khu vực bán hàng, nên lập ra một quỹ khen thưởng giành cho  hướng dẫn viên du lịch và tài xế”. Tất nhiên, “ bản thân điểm bán hàng phải đáp ứng được những yếu tố chất lượng, phong cách phục vụ, giá cả”, ông Dũng cho biết thêm.

Hải Yến