Có một phòng trưng bày dân tộc học như thế

09:02, 06/02/2013

Điều cuốn hút chúng tôi khi đến thăm phòng trưng bày không hẳn là những hiện vật vốn rất gần gũi và quen thuộc với đồng bào dân tộc thiểu số, được phục dựng cẩn thận; mà là nguồn tài liệu minh họa chi tiết nằm trong 4 chiếc máy vi tính được điều khiển đơn giản như sử dụng điện thoại thông minh bằng cách chạm, trượt.

Điều cuốn hút chúng tôi khi đến thăm phòng trưng bày không hẳn là những hiện vật vốn rất gần gũi và quen thuộc với đồng bào dân tộc thiểu số, được phục dựng cẩn thận; mà là nguồn tài liệu minh họa chi tiết nằm trong 4 chiếc máy vi tính được điều khiển đơn giản như sử dụng điện thoại thông minh bằng cách chạm, trượt.

Góc trưng bày các dụng cụ tìm kiếm thức ăn truyền thống
Góc trưng bày các dụng cụ tìm kiếm thức ăn truyền thống

 

Phòng Truyền thống được thiết lập tại Toà Giám mục Đà Lạt từ thập niên 1990, năm 2011 được chuyển về Trung tâm Mục Vụ Giáo phận Đà Lạt. Linh mục Nguyễn Văn Sinh – người đặc trách Phòng Truyền thống của Giáo phận Đà Lạt cho biết ý tưởng về phòng trưng bày: “Giúp người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng không quên nguồn gốc của mình; cho họ thấy những nét đẹp của phong tục, truyền thống để giữ gìn; cổ động, khuyến khích họ sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiểu số qua lời ca, tiếng hát, truyền thuyết, sử thi...”.

Phòng trưng bày nằm trong khuôn viên Trung tâm Mục Vụ Giáo phận Đà Lạt. Căn phòng rộng hơn 100m2, chia làm 3 góc với 3 chủ đề chính mô phỏng đời sống dân dã của 3 dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên ở Lâm Đồng là K’Ho, Chu Ru, Mạ. Đó là mô hình một làng dân tộc với những ngôi nhà sàn nằm rải rác trong rừng với suối nguồn, nương rẫy; góc khác là một ngôi nhà sàn cùng các vật dụng bài trí trong nhà, bếp lửa đang cháy nồng, dưới chân nhà sàn một người phụ nữ đang dệt vải, ở góc sân có bà mẹ trẻ địu con giã gạo; góc còn lại là những vật dụng cần thiết cho việc tìm kiếm thức ăn, như đồ săn bẫy thú rừng, bắt cá, trồng cây... Bên cạnh phần phục dựng, ở mỗi góc đều có một chiếc máy tính. Từ màn hình, chỉ cần chạm, trượt theo các từ khoá có sẵn sẽ như lật một quyển sách về cuộc sống, sinh hoạt, nghề nghiệp, tôn giáo, lễ nghi, phong tục, âm nhạc... của đồng bào. Cứ mỗi mục, lại có những liên kết bằng văn bản, hoặc hình ảnh... Đặc biệt là phần video minh hoạ được ghi lại từ nhiều chục năm trước một cách tự nhiên, sát thực, rất ấn tượng. Máy ở chính giữa cho những thông tin tổng quát, chung nhất về phòng trưng bày, về các dân tộc thiểu số K’Ho, Chu Ru, Mạ.

Đặc biệt, trong phòng trưng bày có một tủ tài liệu văn bản được sưu tầm gồm nhiều loại sách quý hiếm về các dân tộc bản địa Lâm Đồng, trong đó có rất nhiều tài liệu bằng tiếng Pháp, hoặc sách viết về truyền thuyết, sử thi. Ví dụ, cuốn sách “Dân làng Hồ” (tái bản năm 2008), tên cũ là “Mọi Bahnar” là tập hồi ký của cố linh mục P.Dourisboure (1825-1890) viết về con đường truyền giáo lên Tây Nguyên 160 năm trước (1848) làm rung động biết bao người và cũng là nguồn cảm hứng, là động lực thúc đẩy nhiều người dấn thân tiếp nối con đường khám phá ở vùng đất chứa nhiều gian nan, hiểm nguy, thử thách này. Hoặc những tài liệu chứng minh người Mạ xưa có địa bàn cư trú tới tận Biên Hoà, Bà Rịa sống độc lập với người Chàm, khác với người Mạ hôm nay.

Cha Sinh về nước dưỡng hưu sau 40 năm làm linh mục ở Thuỵ Sĩ (1969-2009), những ngày đầu tiếp quản Phòng Truyền thống vào mùa xuân năm 2010, cũng là lúc ông bắt đầu tìm hiểu và làm quen với các dân tộc Nam Tây Nguyên trên đất Lâm Đồng. Quá trình sắp xếp, phân loại, hệ thống, tìm tư liệu thuyết minh... khiến ông càng thêm thích thú với đời sống - xã hội truyền thống của người dân tộc thiểu số bản địa. Nhưng cũng từ đó, ông muốn phòng trưng bày dân tộc học này là nơi cho giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ người dân tộc thiểu số hiểu, trân trọng và giữ gìn truyền thống đặc sắc của dân tộc họ.

Cha Sinh đang hướng dẫn cách liên hệ thông tin với hiện vật trong Phòng Truyền thống
Cha Sinh đang hướng dẫn cách liên hệ thông tin với hiện vật trong Phòng Truyền thống

 

Phòng trưng bày được nhiều nhà dân tộc học đánh giá là độc đáo, mang tính lịch sử sâu sắc, hiện vật đa dạng từ đồ đá, đồ gốm, đồ đồng... đến đồ tranh tre nứa lá...

Dù vậy, “Những hiện vật trưng bày ở Phòng Truyền thống của Giáo phận thì Bảo tàng Lâm Đồng và nhiều nơi khác cũng có, thậm chí còn có nhiều thứ hay hơn. Đây chỉ là nỗ lực nhỏ của chúng tôi góp phần bảo tồn văn hoá dân tộc thiểu số, mà các Giáo phận khác như Kontum, Ban Ma Thuột... cũng đã làm. Còn về tư liệu như sử thi, truyền thuyết, truyện dân gian, luật tục... các học giả người Việt cũng bắt đầu nghiên cứu nhiều rồi. Điều có thể coi là khác biệt trong công việc trình bày của chúng tôi nằm ở khía cạnh liên hệ đến tôn giáo, chứ thực sự là còn nghèo và cần nhiều sự đóng góp trong tương lai chứ chưa dám coi là đầy đủ” - cha Sinh tâm sự. Dự định của cha Sinh là cùng với việc hoàn thiện phòng trưng bày, cứ vào mỗi dịp kỷ niệm, phòng truyền thống sẽ có một chủ đề trưng bày riêng, vừa để cho bà con giáo dân, cũng như đồng bào dân tộc thiểu số thích thú với phòng truyền thống, gắn bó với giáo phận, sống tốt đời đẹp đạo; vừa để mở rộng và phát triển phòng truyền thống như một bảo tàng nhỏ, một thư viện nhỏ, nhưng phong phú, đặc sắc về vùng đất và con người Nam Tây Nguyên. Hiện cha Sinh đang thu thập tài liệu để đến dịp kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển sẽ trưng bày về chủ đề A.Yersin – người được nghi nhận là có công đưa cuộc sống văn minh đến với các bộ tộc thổ dân Nam Tây Nguyên và đưa những con người của xã hội hiện đại khám phá sự huyền bí, kỳ vĩ của một vùng đất mới, để chúng ta có một Đà Lạt như hôm nay.

LÊ HOA