Mùa xuân trẩy hội Pongour

04:03, 05/03/2014

Trên con đường trải nhựa dài 6km từ xóm Trung (Tân Hội, Đức Trọng) chúng tôi hòa vào dòng người về với Pongour vào một ngày hội lớn.

Con sông Đại Ninh chảy từ đông sang tây đến vùng đất sét trắng bỗng đứt gãy, cả một dòng sông đổ sụp xuống rớt tung tóe, nước tràn như thảm lụa trải trên những bậc đá. Thác đổ xuống hệ thống đá bậc thang bảy tầng từ độ cao gần 40 mét, rộng hơn 100 mét. Từng làn nước đứt quãng theo từng bậc, giăng mắc như phím đàn trời. Một thung lũng đá hứng lấy dòng nước. Nước len lỏi qua những khe đá, tạo thành suối, thành vũng, thành hồ, thành bãi tắm, lổn ngổn đá và nước giữa một không gian rộng lớn mà background là bức tường thành bằng nước hùng vĩ trắng xóa. 
 
Đắm mình dưới thác nước
Đắm mình dưới thác nước
 
Trên con đường trải nhựa dài 6km từ xóm Trung (Tân Hội, Đức Trọng) chúng tôi hòa vào dòng người về với Pongour vào một ngày hội lớn. Vùng đất sét trắng được phủ lên nó là màu xanh trùng điệp của cà phê đang vào mùa hoa trắng (Pongour là do người Pháp phiên âm từ tiếng K’Ho bản địa: Pon - gou có nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng). Ven đường, thi thoảng một nếp nhà của đồng bào Tày, Thái - những cư dân đã đổ mồ hôi khai khẩn vùng đất hoang hóa có nhiều cao lanh này. Giữa điệp trùng cà phê, bên tay trái bỗng hiện ra một dòng nước xanh mát, con sông Đại Ninh chảy đến đâu màu xanh của nhựa sống như dâng tràn đến đó.
 
Già làng thôn R’Chai (xã Phú Hội, Đức Trọng) kể rằng: Ngày xưa, vùng đất Phú Hội, Tân Hội, Tân Thành bây giờ do một nữ tù trưởng K’Ho xinh đẹp tên là Ka Nai cai quản. Nàng có tài chinh phục thú dữ phục vụ lợi ích con người, trong đó có bốn con tê giác to lớn khác thường, luôn tuân lệnh Ka Nai dời non ngăn suối, khai phá nương rẫy trồng bắp, gieo lúa và sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ buôn làng. Nhờ đó, cuộc sống cộng đồng ngày càng sung túc, thanh bình. Mùa xuân năm ấy, đúng ngày rằm tháng giêng, nàng nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Bốn con tê giác quanh quẩn đêm ngày không rời thân chủ nửa bước, chẳng buồn ăn uống cho đến chết... Bỗng một sáng bình minh vừa hé, mọi người hết sức ngạc nhiên khi thấy nơi nàng yên nghỉ sừng sững ngọn thác đẹp tuyệt trần. Thì ra, suối tóc Ka Nai đã hóa thành làn nước trong xanh, mát rượi, tung bọt trắng xóa; còn những phiến đá bàn xanh rêu xếp từ cao xuống thấp, làm nền cho thác đổ, chính là các cặp sừng của đàn tê giác hóa thạch - biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, gắn bó vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên. Từ đó cứ vào dịp trăng tròn đầu tiên của mùa xuân, núi rừng như bừng sắc, cũng là lúc bộ tộc người K’Ho tưởng nhớ đến nàng. 
 
Thiếu nữ dân tộc Thái tại hội thác Pongour - Đức Trọng
Thiếu nữ dân tộc Thái tại hội thác Pongour - Đức Trọng
Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, trong những năm 60 của thế kỷ này, nhiều người Hoa ở Tùng Nghĩa (Đức Trọng) nhân Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) thường tổ chức các cuộc thăm viếng thắng cảnh, di tích lịch sử, họ tìm đến Pongour để thưởng lãm một thác nước hùng vĩ vào bậc nhất Nam Tây Nguyên; thêm nữa, từ những năm 1954, các dân tộc Thái, H’Mông, Tày, Nùng di cư đến vùng đất này cũng mang theo lễ hội “lồng tồng”, Mường Xên vào đầu xuân được tổ chức bên dòng thác. Thác Pongour có lịch sử từ nhiều tộc người, trải qua nhiều giai đoạn, và có ngày kỷ niệm cụ thể, nên Pongour trở thành thác nước duy nhất có lễ hội. Tục truyền rằng, những ai có lòng phản trắc, bất tín, bội nghĩa đã đến thác Pongour, thì ít khi được trở về; nàng Ka Nai nổi giận sai Yàng Pongour giữ lại tại dòng thác để nàng dạy cho họ những bài học về con người. Như đã đi vào tiềm thức của nhân dân các dân tộc Lâm Đồng, hằng năm vào rằm tháng giêng âm lịch, từng đoàn người nườm nượp trẩy hội thác Pongour như muốn chứng minh lòng trung tín, son sắt, thủy chung.
 
Trong dòng người trẩy hội hôm nay, các dân tộc anh em Tày, Thái, H’Mông, Hoa, Mường, K’Ho, Churu, Kinh tất cả đều có chung một tâm thức ngưỡng vọng nguyện cầu. Nam thanh nữ tú chưa có người yêu đến đây để cởi mở chân tình, tự do tìm hiểu, yêu mến nhau, cầu gặp duyên lành, tìm được nửa kia; những người yêu nhau đến đây để cầu cho nên đôi nên lứa, nên vợ nên chồng; người đã lấy nhau mong cho nghĩa tình thêm bền chặt; người già, con trẻ thể hiện tình yêu thiên nhiên, tình yêu với đất trời, với con người… Người người cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà yên ấm, quốc thái dân an. Tất cả những thứ tình cảm thiêng liêng, tình người, tình đồng bào đoàn kết yêu thương nhau đã thực sự có ý nghĩa trong ngày hội. Tháng giêng Pongour luôn vang vọng những lời nguyện cầu. 
 
Ngồi giữa thung lũng đá với những phản đá, chiếu đá, ngước nhìn thác dội, lại nhìn xuống chân, dòng nước mát rượi chảy tràn lan, len lỏi qua các khe đá tạo nên suối nên rãnh, róc rách. Hàng ngàn người đằm mình tắm tập thể dưới những bậc đá hứng lấy làn nước mát tầng tầng lớp lớp dội xuống; hoặc chơi trò té nước, lăn lê, bò toài, nằm sóng soài trên bãi nước, phản đá, chiếu đá dưới chân thác mặc cho nước tràn qua. Không muốn tắm nữa thì ngồi trên đá ngâm cả đôi chân xuống những khe nước, ngắm những dòng suối cuộn lên do đá lởm chởm cũng đủ thấy cảm giác mát rượi lan tỏa. Ngắm thiên nhiên, đùa nghịch cùng làn nước cho thỏa thuê; lại ùa ra bãi đá nguyên khối bằng phẳng giữa thung lũng nơi có những vòng tròn “mặt trời” tua rua được dựng sẵn, thoả chí chơi ném còn, những quả còn bay qua bay lại không dứt, tung hứng trên những đôi tay của các chàng trai cô gái. Thi thoảng lại một tiếng ồ lên, hò reo khi ai đó đã khéo léo, mạnh mẽ ném quả còn kia chui được qua vòng tròn cao tít trên ngọn tre. Một bãi đá ken kín người, đua nhau ném, đua nhau hò. Chỗ thì vòng trong vòng ngoài nhịp nhàng trong các vũ điệu xòe Thái, nhảy sạp trên nền nhạc “Inh lả ơi” rộn ràng mời gọi. Ném mệt, nhảy múa mệt, lại hòa mình vào “Phiên chợ vùng cao” thưởng thức thịt nướng, cá nướng tiếp sức và chiêm ngưỡng các cô gái Thái trổ tài nữ công gia chánh. Nắng lên, người người cùng chui vào nấp trong những phiến đá mấp mô, hay vách đá dựng đứng ven thung lũng, leo lên mỏm đá giữa rừng cây tránh nắng. Những thức ăn mang theo, mua được từ “chợ” ẩm thực được lấy ra quây quần cùng ăn. Những sắc tộc anh em hiện rõ trên từng màu áo, khiến thấy lòng mình rộng mở. 
 
Đêm tháng giêng, mặt trăng vành vạnh từ từ đội lên từ đỉnh thác phả ánh vàng sóng sánh vào làn nước. Vẻ đẹp chốn thiên thai khiến lòng người câm lặng. Trăng càng lên cao, ánh sáng huyền hoặc như bao trùm một vùng đất thiêng; con người, thiên nhiên hòa vào nhau. Đêm ở nơi thâm sơn, cùng cốc chẳng ai còn cảm giác sợ. Đốt lửa, nhảy sạp, múa xòe, tiếng đàn tiếng hát vọng cùng tiếng thác đổ. Ánh trăng vằng vặc trên cao, đèn hoa đăng thả xuống dòng suối trôi về phía hạ nguồn. Những lời nguyện cầu như mau chóng được hiển linh, chốn bồng lai khiến lòng ai cũng giũ khỏi bụi trần…
 
QUỲNH UYỂN