Không chỉ là mục tiêu 5 triệu lượt du khách

05:12, 16/12/2014

Trong 4,8 triệu lượng du khách đến với Lâm Đồng năm 2014, khách du lịch quốc tế chiếm 249.700 lượt, tăng 9,3% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa chiếm trên 4,55 triệu lượt - tăng 14,7% so với năm 2013. 

Mặc dầu năm 2014 chưa kết thúc nhưng cơ quan chức năng đã đưa ra một số liệu khả quan của ngành du lịch Lâm Đồng là cả năm, tỉnh đón tiếp khoảng 4,8 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. So với năm 2013, con số này tăng 14,4% và đạt 100% kế hoạch năm 2014. Trong 4,8 triệu lượng du khách đến với Lâm Đồng năm 2014, khách du lịch quốc tế chiếm 249.700 lượt, tăng 9,3% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa chiếm trên 4,55 triệu lượt - tăng 14,7% so với năm 2013. 
 
Các hoạt động văn hóa của Lâm Đồng cũng là một trong những mối quan tâm của du khách
Các hoạt động văn hóa của Lâm Đồng cũng là một trong những mối quan tâm của du khách
 
Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng năm sau so với năm trước luôn đạt con số tăng trên dưới 10%. Song, khá bất ngờ là vào năm 2015 tới, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đưa ra kế hoạch lượng du khách tăng so với năm 2014 chỉ ở mức 4,2% - tương đương 5 triệu lượt người. Theo “Kế hoạch triển khai chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đã được UBND tỉnh phê duyệt thì đến năm 2015, Lâm Đồng đón 4,5 - 5 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế chiếm 10%. Năm 2020, con số này là 6,5 triệu lượt, khách quốc tế chiếm 15%. Năm 2030: 15 triệu lượt, 20% khách quốc tế. Như vậy, tính bình quân, theo kế hoạch thì mỗi năm Lâm Đồng thu hút thêm khoảng 10% lượng du khách.
 
Hai con số về tỷ lệ du khách tăng của năm sau so với năm trước rất đáng quan tâm là 14,4% của năm 2014 so với 2013 và 4,2% của năm 2015 so với 2014; song, bình quân từ năm 2014 đến 2030, con số 4,8 triệu lượt so với 15 triệu lượt du khách vào năm 2030 lại là một con số cực kỳ... ấn tượng. Có lẽ không cần quá bận tâm hai con số của năm 2014 và 2015 mà điều đáng nói là làm thế nào để Lâm Đồng thu hút lượt du khách từ 4,8 triệu lượt trong năm 2014 lên 15 triệu lượt vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Lâm Đồng đưa ra giải pháp: Đa dạng hóa các loại hình du lịch, tổ chức liên kết hợp tác giữa các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, hình thành các tour, tuyến du lịch nội bộ để phát huy tối đa cơ sở vật chất của các khu du lịch và tránh trùng lắp các sản phẩm dịch vụ; sắp xếp tổ chức, hình thành doanh nghiệp du lịch mạnh để chi phối hoạt động du lịch gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt. Cùng đó là việc định hướng đầu tư và nâng cấp các khu, điểm du lịch hiện có theo chuyên đề, mở rộng dịch vụ để thu hút khách du lịch; tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc việc giữ gìn, tôn tạo và nâng cấp các danh lam thắng cảnh, khắc phục tình trạng xuống cấp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đang triển khai để tạo ra sản phẩm du lịch mới, đặc trưng phục vụ khách du lịch, ưu tiên đầu tư các dự án khu vui chơi giải trí tổng hợp, tập trung ở thành phố Đà Lạt. Và, cùng đó là nội dung gắn việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển văn hóa và các làng nghề truyền thống; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thu hút du khách; đa dạng hóa sản phẩm dựa trên xây dựng các tour, tuyến du lịch và sản phẩm du lịch.
 
Để đạt được mục tiêu như trên vừa nêu, Lâm Đồng cũng đã xác định chiến lược đầu tư và thu hút đầu tư là tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo hướng đồng bộ và có trọng tâm, có trọng điểm; ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các trọng điểm phát triển du lịch, các khu du lịch tổng hợp, khu du lịch chuyên đề, các điểm du lịch tiềm năng ở các vùng sâu, vùng xa. Cũng trong chiến lược đầu tư, tỉnh còn xác định: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án thuộc chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm về du lịch để đưa vào khai thác kinh doanh; thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch dưới nhiều hình thức; tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế quản lý đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư. Thêm vào đó là tỉnh cần ban hành thêm những chính sách và giải pháp về tạo vốn và sử dụng vốn trong phát triển du lịch; huy động các nguồn vốn để giải quyết được nhu cầu đầu tư và đảm bảo tốc độ tăng trưởng trung bình GDP du lịch của ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng.
 
Xin được nhắc lại: Theo UBND tỉnh, mục tiêu cụ thể cho du lịch Lâm Đồng năm 2015 là đón từ 4,5 triệu đến 5 triệu lượt du khách; con số này của năm 2020 là hơn 6,5 triệu lượt và năm 2030 là 15 triệu lượt. Cùng đó, một số chỉ tiêu khác cũng tăng dần lên như mức thu nhập xã hội từ du lịch năm 2015 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng; con số này vào năm 2020 là 13.000 tỷ đồng và năm 2030 là 20.000 tỷ đồng. Những cái mốc về phát triển du lịch Lâm Đồng được các nhà hoạch định chiến lược đặt ra là hoàn toàn có cơ sở; và dĩ nhiên, một trong những nền tảng căn bản mang tính quyết định cho sự thành bại đó là thương hiệu du lịch Đà Lạt. Như vậy, vấn đề vô cùng quan trọng đó là Đà Lạt làm thế nào để tiếp tục phát huy thương hiệu du lịch của chính mình - một thương hiệu mà không phải bất kỳ thành phố du lịch nào trong cả nước cũng có được.
 
KHẮC DŨNG