Yếu tố sống còn với ngành du lịch

09:07, 23/07/2015

Yếu tố được đánh giá có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe du khách cũng như danh tiếng của ngành du lịch chính là an toàn vệ sinh thực phẩm. Nói không quá lời, đây chính là yếu tố sống còn với ngành du lịch, bên cạnh nhiều yếu tố khác...

Yếu tố được đánh giá có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe du khách cũng như danh tiếng của ngành du lịch chính là an toàn vệ sinh thực phẩm. Nói không quá lời, đây chính là yếu tố sống còn với ngành du lịch, bên cạnh nhiều yếu tố khác. Làm thế nào để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ du khách những thực phẩm an toàn cho sức khỏe là nhiệm vụ của toàn cộng đồng để bảo vệ thương hiệu thành phố du lịch.

Những món ăn được chế biến từ rau, củ, quả và hợp vệ sinh góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt. Ảnh: HẢI YẾN
Những món ăn được chế biến từ rau, củ, quả và hợp vệ sinh góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Đà Lạt. Ảnh: HẢI YẾN


An toàn vệ sinh thực phẩm: Không chỉ là chuyện trên bàn ăn

Nhắc tới an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phục vụ du lịch, chủ yếu là nhắc tới các nhà hàng, quán ăn đường phố, nơi hầu hết du khách sử dụng ẩm thực. Theo thống kê của ngành y tế, toàn tỉnh có 4.255 cơ sở phục vụ ăn uống đang được quản lý, trong đó trọng điểm là thành phố Đà Lạt có 1.223 cơ sở. Theo quy định của ngành y tế, các cơ sở phục vụ ăn uống được phân cấp quản lý, một số cơ sở lớn do ngành y tế cấp tỉnh, huyện thành quản lý; những cơ sở ăn uống nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, hàng rong do chính quyền phường, xã quản lý.
 

° Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng:

Chúng tôi hết sức chú ý phối hợp với các ngành chức năng để đảm bảo VSATTP trong các nhà hàng, cơ sở ăn uống. Đảm bảo được những bữa ăn ngon, sạch, du lịch Lâm Đồng mới giữ gìn được thương hiệu và thu hút du khách một cách bền vững. Có thể nói, nếu không đảm bảo được yếu tố này, ngành du lịch sẽ không thể tồn tại và phát triển.

° Bác sỹ Bùi Văn Độ, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế Lâm Đồng:

Trong hoạt động bảo đảm VSATTP, nếu cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, ngộ độc tập thể sẽ xảy ra ngay. Chúng tôi đã phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ. Việc tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho các nhà hàng, cơ sở ăn uống là việc làm cần thiết bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát họ tuân thủ theo đúng quy định. Trong một thời gian dài, Lâm Đồng không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể với khách du lịch là điều rất đáng mừng và chúng tôi khẳng định, đây sẽ là hoạt động thường xuyên, liên tục để đảm bảo an toàn cho bữa ăn của du khách. Chúng tôi cũng kêu gọi sự tham gia của toàn cộng đồng và nhất là sự phản hồi thông tin từ du khách để hoạt động đảm bảo ATVSTP ngày càng có hiệu quả cao, góp phần giúp môi trường du lịch thêm tốt đẹp.

° Bà Lê Thị Thùy Vân - Giám đốc nhân sự KS Sammy Đà Lạt:

Yếu tố quan trọng nhất trong phục vụ thực phẩm cho du khách là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với các nhà hàng, việc đảm bảo đầu vào, nguồn cung cấp hàng an toàn, tươi, ngon luôn là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên món ăn ngon. Chúng tôi có nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, đã qua kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Khi phục vụ khách, nhà hàng luôn lưu mẫu thực phẩm trong vòng 24h theo quy định để đảm bảo an toàn cho khách; đồng thời nếu xảy ra rủi ro có thể truy xuất nguyên nhân nhanh chóng và hiệu quả. Đây cũng là điều mà các gánh hàng rong, quán ăn vỉa hè chưa đảm bảo. Do đó, muốn có ẩm thực thực sự an toàn, cần lưu ý cải thiện vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

° Bà Lê Thị Thi, bán thức ăn đường phố tại khu vực hồ Xuân Hương:

Là người bán hàng nhỏ nhưng tôi luôn chú ý tới thực phẩm và đảm bảo an toàn. Mua thực phẩm tôi cũng cố gắng mua tại những nơi có uy tín, không bị hư hỏng. Lúc chế biến cũng phải rất chú ý tới vệ sinh, đồ chứa đồ đựng. Mình buôn bán lâu dài, không chỉ cần thu nhập mà còn là giữ cái tâm của con người. Nếu bán hàng bẩn, khách ăn đau bụng thì mình mang tội. Không chỉ riêng tôi, những người bán sữa, hàng ăn xung quanh cũng rất chú ý, không để khách ngộ độc.

Tuy nhiên, ATVSTP không phải là chuyện riêng của các nhà hàng, quán ăn. Thực phẩm sử dụng cho các bữa ăn còn là chuyện của ngành nông nghiệp cũng như ngành công thương. Từ trang trại, nhà máy tới bàn ăn là một quá trình liên tục, chỉ cần lơi lỏng một khâu, nguy cơ mất an toàn thực phẩm ngay lập tức xảy ra. Nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể do các yếu tố nhiễm khuẩn vi sinh, các hóa chất cấm trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm; hoặc sử dụng các chất được cho phép nhưng vượt quá lượng quy định; chất độc tự nhiên trong một số thực phẩm hay do bảo quản không tốt… Có hàng trăm nguy cơ gây mất ATVSTP mà nếu chỉ riêng ngành y tế thì không thể quản lý hết.

Bác sỹ Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng Y tế thành phố Đà Lạt, cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý ATVSTP chia sẻ, việc bảo đảm an toàn cho bữa ăn của du khách thật sự là việc rất khó khăn. Sáu tháng đầu năm 2015, đơn vị kiểm tra 2.727 cơ sở ăn uống với 4.920 lượt thì đã có 727 cơ sở vi phạm các quy định về VSATTP. Phòng đã nhắc nhở 2.711 cơ sở, xử phạt 12 cơ sở với số tiền trên 12 triệu đồng. Bác sỹ Thành cho biết, các quán ăn, nhà hàng lớn còn dễ quản lý; khó khăn nhất là các hàng rong, quán ăn hè phố tự phát theo quy định do UBND phường, xã quản lý. Ông cho biết: “Với Đà Lạt, nói thật là việc quản lý ATVSTP khá khó khăn do có nhiều quán ăn nhỏ, hàng rong do phường - xã quản lý nên rất khó để sát sao. Đây cũng là những người buôn bán nhỏ, còn thiếu kiến thức về vệ sinh thực phẩm nên rất dễ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức, thường xuyên kiểm tra các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn để tránh ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng xấu tới du lịch”.

Cộng đồng nhập cuộc bảo vệ ATVSTP

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng chia sẻ: “Với ngành du lịch, an toàn cho mỗi bữa ăn của du khách là chuyện sống còn. Trước khi ăn ngon, điều du khách cần là chuyện ăn sạch, an toàn cho sức khỏe. Chỉ cần một vụ ngộ độc tập thể xảy ra cho du khách, ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”. Bởi vậy, dù khó tới đâu, việc quản lý để có những bữa ăn an toàn cho du khách cũng là việc buộc phải làm.

Bác sỹ Bùi Văn Độ, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế Lâm Đồng, đơn vị chịu trách nhiệm chính về công tác ATVSTP khẳng định vai trò của ngành y tế: “Dù nguy cơ xảy ra mất an toàn thực phẩm xảy ra từ khâu nào thì chúng tôi vẫn khẳng định, ngành y tế sẽ chịu trách nhiệm then chốt. Bởi vậy, chúng tôi luôn siết chặt quản lý, theo đúng quy định của luật để đảm bảo tới mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc”. Bác sỹ Độ cung cấp, theo quy định, các nhà hàng, quán ăn phải có hợp đồng mua bán chặt chẽ với các cơ sở cung cấp thực phẩm. Đây chính là căn cứ để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tìm ra người chịu trách nhiệm khi xảy ra ngộ độc. Đó là căn cứ để các nhà sản xuất, phân phối, nuôi trồng thực phẩm đảm bảo chất lượng hàng hóa, hình thành “chuỗi thực phẩm an toàn”. Ngành y tế có trách nhiệm giám sát các mối nguy, cung cấp kiến thức về VSATTP cho các nhà hàng, quán ăn; tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên để nhắc nhở, chỉnh đốn các sai sót nảy sinh. Ông Độ khẳng định: “Chúng tôi áp dụng sân chơi công bằng, cơ sở ăn uống nào đáp ứng đúng, đủ yêu cầu thì được phép kinh doanh, cơ sở nào không đáp ứng thì buộc ngừng kinh doanh”.

Các quán ăn cần chú ý đảm bảo VSATTP
Các quán ăn cần chú ý đảm bảo VSATTP


Với các cửa hàng ăn uống nhỏ, thức ăn đường phố không do Chi cục quản lý, ông Độ nhấn mạnh, Chi cục luôn nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị y tế huyện, thành siết chặt quản lý. Tuy nhiên, ông Độ cũng khẳng định, việc bảo đảm ATVSTP là chuyện không dễ làm. Đây phải là hoạt động thường xuyên, liên tục và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, ông Độ đề nghị, du khách cũng hãy là người tiêu dùng thông thái, nếu cảm thấy nhà hàng nào có vấn đề về an toàn thực phẩm, hãy liên lạc với cơ sở y tế gần nhất để thông báo.

Xung quanh vấn đề về bữa ăn, một trong những nhu cầu tối thiểu của con người, Lâm Đồng đang thực hiện ráo riết các biện pháp để tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn cho du khách và giữ uy tín cho du lịch phố núi.

DIỆP QUỲNH