Cần khung pháp lý cho hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm

09:09, 29/09/2016

Sau vụ tai nạn khiến 3 du khách nước ngoài tử vong khi nghịch thác trong điều kiện không có thiết bị bảo hộ an toàn vào đầu năm nay, báo động sự cần thiết phải có cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động kinh doanh loại hình du lịch thể thao mạo hiểm.

Sau vụ tai nạn khiến 3 du khách nước ngoài tử vong khi nghịch thác trong điều kiện không có thiết bị bảo hộ an toàn vào đầu năm nay, báo động sự cần thiết phải có cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động kinh doanh loại hình du lịch thể thao mạo hiểm (DLTTMH). Từ đó đến nay, ngành du lịch Lâm Đồng đã nỗ lực rất nhiều trong việc tham mưu cho tỉnh Lâm Đồng và Tổng cục Du lịch ban hành các văn bản tạm thời để tiến tới hình thành văn bản pháp lý có hiệu lực…
 
Du khách phải được trang bị thiết bị bảo hộ an toàn đúng tiêu chuẩn kỹ thuật khi tham gia hoạt động thể thao mạo hiểm.
Du khách phải được trang bị thiết bị bảo hộ an toàn đúng tiêu chuẩn kỹ thuật
khi tham gia hoạt động thể thao mạo hiểm

Tiềm năng phong phú
 
Hoạt động DLTTMH là loại hình du lịch mới du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây và Đà Lạt nhanh chóng thu hút rất đông du khách tham gia DLTTMH vì có lợi thế về địa hình và khí hậu, tạo nên nhiều loại hình DLTTMH phong phú, được du khách ưa chuộng. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát và xây dựng các chương trình DLTTMH phù hợp; nhập khẩu trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng của nước ngoài; gởi hướng dẫn viên tham dự các khóa huấn luyện kỹ thuật về tổ chức và vận hành hoạt động DLTTMH; phối hợp với các khu, điểm du lịch tổ chức các chương trình DLTTMH phục vụ du khách…
 
Ở Việt Nam hiện tại, hoạt động DLTTMH bắt đầu phát triển mạnh ở nhiều địa phương như Lào Cai, Quảng Bình, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lâm Đồng,… với các hoạt động mạo hiểm gắn với địa hình đồi núi, sông suối, thác rừng hoặc biển… như leo núi, khám phá hang động, dù lượn, vượt thác... Riêng tỉnh Lâm Đồng, hiện có 8 công ty có hoạt động tổ chức và kinh doanh loại hình DLTTMH, với nhiều hoạt động cụ thể, như đu dây vượt thác, leo vách đá, chèo xuồng, đi bộ băng rừng, đi xe đạp địa hình, dạo bộ leo núi trong rừng… 
 
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại Lâm Đồng xác định, sẽ siết chặt các quy định, kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động và kiên quyết thu hồi giấy phép đối với những đơn vị không đáp ứng yêu cầu tổ chức và khai thác - kinh doanh hoạt động DLTTMH trên địa bàn, để hoạt động DLTTMH đi vào chuyên nghiệp và trở thành loại hình du lịch độc đáo và đặc trưng của Đà Lạt, tránh những sự cố đáng tiếc như đã xảy ra. Các ngành chức năng đã phối hợp thẩm định và chấp thuận cho 2 đơn vị là Công ty Mạo hiểm Việt Đà Lạt (Phat Tire) và Công ty CP Du lịch Lâm Đồng (Dalattourist) được tổ chức và vận hành hoạt động DLTTMH. 
 
Ông Đặng Quốc Chính Thẳng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động DLTTMH thực sự có yếu tố nguy hiểm và nguy hại đến tính mạng. Đây chính là mặt trái của DLTTMH. Nhưng, Lâm Đồng và Tây Nguyên đang rất thu hút du khách tham gia hoạt động DLTTMH vì đặc điểm địa hình và khí hậu mang lại cho người chơi những cảm xúc tuyệt vời khi họ vượt lên chính mình, trải qua những thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua, để rồi vỡ òa trong niềm vui chiến thắng... 
 
Định rõ trách nhiệm
 
Trên cơ sở các chuyến thẩm định thực tế các hoạt động DLTTMH tại KDL Thung lũng Vàng, KDL Lang Biang, KDL Datanla, Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an Lâm Đồng và các ban, ngành liên quan thống nhất xây dựng quy chế hoạt động DLTTMH trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, quy định các công ty được kinh doanh hoạt động DLTTMH phải được các cơ quan liên ngành thẩm định thực tế điều kiện hoạt động, trang thiết bị bảo hộ, lộ trình, y tế, môi trường, hướng dẫn viên…
 
Ngày 15/8/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1804/QĐ-UBND Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tổ chức và kinh doanh du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó quy định rõ trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị quản lý địa điểm tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm, quy định một số loại hình DLTTMH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
 
Vượt qua nỗi lo sợ, bối rối, ngại ngần… khi bắt đầu hành trình của tour thể thao mạo hiểm, người chơi vỡ òa trong cảm xúc thú vị không tả xiết…
Vượt qua nỗi lo sợ, bối rối, ngại ngần… khi bắt đầu hành trình
của tour thể thao mạo hiểm, người chơi vỡ òa trong cảm xúc
thú vị không tả xiết…

Xây dựng khung pháp lý cho hoạt động DLTTMH để hoạt động này thực sự trở thành loại hình du lịch thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, để tạo môi trường cho doanh nghiệp được kinh doanh thuận lợi, nhưng bảo đảm an toàn cho sức khỏe và tính mạng của du khách. DLTTMH có nhiều loại hình khác nhau gắn với đặc trưng về vùng miền. Hiện nay, khách du lịch quốc tế là đối tượng tiềm năng vì họ đã từng tham gia hoạt động DLTTMH ở nước họ và muốn thử cảm xúc ở những nơi khác; sau đó hướng tới “dân phượt“ là đối tượng ưa khám phá, thích trải nghiệm… 
 
Hai chủ thể chính trong hoạt động DLTTMH là đơn vị vận hành hoạt động DLTTMH và doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến. Do đó, hướng dẫn viên có vai trò rất quan trọng. So với thế giới thì DLTTMH ở Việt Nam chỉ mới ở ngưỡng bắt đầu. Chính vì vậy, chủ trương của địa phương là không cấm mà khuyến khích, với yêu cầu đầu tiên là thực hiện các quy định bảo đảm an ninh, an toàn du khách; cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm, chế tài của các đối tượng tham gia hoạt động DLMH; các vấn đề về truyền thông, kỹ năng xử lý tình huống và ngoại ngữ cũng là yêu cầu đặt ra...
 
* Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: DLMH là hoạt động du lịch mới du nhập vào nước ta, mới phát triển tại một số địa phương và có sự khác biệt về loại hình du lịch này. Vì vậy, không tránh khỏi những bỡ ngỡ, lúng túng ban đầu đối với cách thức quản lý, vận hành và quản trị… Việc các tỉnh, thành có hoạt động DLMH cùng ngồi lại để lắng nghe, thảo luận, đóng góp ý kiến… để cơ quan chức năng có đủ thông tin và tư liệu ra văn bản thống nhất quản lý hoạt động kinh doanh DLMH, cũng như có cơ sở kiểm định, đánh giá, hay quy định điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh hoạt động DLMH… 
 
* Bà Trương Hương Mai - Trưởng phòng Pháp chế (Tổng cục TDTT): Quản lý hoạt động DLMH liên quan nhiều đến quản lý hoạt động thể thao. Do đó, việc quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền hoạt động của DLMH phải được chi phối bởi các quy định của Luật Thể dục - thể thao năm 2006 và Nghị định 106/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
 
* Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng: Đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể đối với hoạt động quản lý, kinh doanh DLMH; chưa có quy định về kỹ thuật chuyên ngành để làm căn cứ thẩm định tiêu chuẩn kỹ thuật, độ an toàn của các trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng cho hoạt động DLMH; chưa có cơ sở hay tổ chức nghề nghiệp đào tạo chuyên sâu đối với hoạt động DLMH gây khó khăn cho công tác huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đối với đội ngũ hướng dẫn viên DLMH…
 
* Ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa: Từ tháng 6/2015, Khánh Hòa đã ban hành quy chế hoạt động vui chơi trên biển sau hơn 1 năm nghiên cứu phát sinh từ hoạt động du lịch. Từ thực tế ở Khánh Hòa, DLMH được gọi là trò chơi thể thao mạo hiểm. Khánh Hòa còn loại hình nữa là hoạt động vui chơi mạo hiểm. DLMH có đặc thù, đặc trưng của loại hình và đặc thù, đặc tính của địa bàn hoạt động… Không nên ban hành thêm về các quy định về thủ tục hành chính. Cấp quản lý phải là UBND tỉnh để chỉ đạo, điều hành các cơ quan liên quan đến DLMH chứ cấp sở không thể quản lý được. Sở chỉ ban hành quy chế hoạt động DLMH…
TIỂU VÂN (ghi)

NHẬT QUÂN