Đi chợ mỗi năm chỉ họp 1 lần

03:02, 08/02/2019

(LĐ online) - Đó là Chợ Gò tại Bình Định, một phiên chợ vào hàng cực kỳ độc đáo tại Việt Nam vì mỗi năm chỉ có duy nhất 1 phiên chợ họp đúng vào ngày mồng một Tết Nguyên đán hằng năm.

(LĐ online) - Đó là Chợ Gò tại Bình Định, một phiên chợ vào hàng cực kỳ độc đáo tại Việt Nam vì mỗi năm chỉ có duy nhất 1 phiên chợ họp đúng vào ngày mồng một Tết Nguyên đán hằng năm.
 
Đông đảo người đến Chợ Gò
Đông đảo người đến Chợ Gò
Chợ Gò này tại thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Qui Nhơn không xa, chừng khoảng 10  km ven trục đường chính.
 
Sở dĩ có cái tên là Chợ Gò vì khu vực chợ nhóm họp nằm trên một gò đất tương đối bằng phẳng, sát chân một ngọn núi cao vừa phải là núi Trường Úc, bên cạnh một con sông tên là sông Hà Thanh. 
 
Chợ Gò đã hiện diện lâu đời trên vùng đất này, từ thời Tây Sơn, đến nay vẫn duy trì đều đặn hằng năm. 
 
Tương truyền, bãi đất bằng này là chỗ tập trận của quân Tây Sơn đóng đồn trên núi Trường Úc phía trên đó. Đây là đồn binh án ngữ thành Hoàng Đế sâu trong đất liền phía trong. Tiền đồn này đóng tại đây nhằm ngăn thủy quân và tài chiến từ cửa biển Qui Nhơn kéo vào đầm Thị Nại ngược lên sông Hà Thanh để tấn công thành Hoàng Đế ngang qua đây.   
  
Để giúp các chiến sỹ đồn trú vơi bớt nỗi nhớ nhà trong dịp tết, các tướng Tây Sơn ngày đó đã tổ chức các trò chơi dân gian trên bãi đất này trong ngày đầu năm. Tuy nhiên các trò chơi này phải kết thúc trong lúc quá trưa một chút vì chiều binh sỹ cần nghỉ ngơi để ban đêm canh phòng cẩn mật. 
 
Nông sản địa phương được bày bán tại chợ
Nông sản địa phương được bày bán tại chợ
Dịp đầu năm này các gia đình thân nhân của các binh sỹ đồn trú nơi đây cũng được phép đến thăm và cùng tham gia các trò chơi này, người địa phương  mang nước uống, thực phẩm hoa quả cây trái ra bán, lâu năm thành lệ. Khi quân Tây Sơn rút đi , nhà Tây Sơn không còn thì người dân nơi đây vẫn duy trì tục lệ này và trở thành Hội Tết Chợ Gò hằng năm, mỗi năm thường chỉ họp vào mồng 1 Tết tháng giêng và chợ cũng theo truyền thống tan phiên vào xế trưa.
 
Vì đây không phải là một phiên chợ bán buôn bình thường nên thực chất Chợ Gò chính là một hội vui xuân đúng nghĩa với người đi kẻ đến đều ăn mặc đẹp trong ngày đầu năm. Bên cạnh các trò chơi dân gian như đấu võ, đẩy gậy, cờ tướng, chèo thuyền …được tổ chức nơi đây, người dân còn đến bày bán các loại cây trái, nông sản địa phương nhất là cau trầu vì ngày xưa mua trầu cau và vôi ăn trầu (vôi có màu hồng vốn được làm tại xứ Trường Úc này) để về biếu cho ông bà, người thân, giờ thì ít người ăn cau trầu nhưng nét đẹp mua bán cau trầu này vẫn còn duy trì. 
 
Có nét hay trong ngày đầu năm này là người mua kẻ bán chẳng hề mặc cả, người bán cứ nói giá và người mua đưa tiền, vì thực ra cũng chẳng mua gì nhiều, mọi người hầu như đã sắm tết khá đầy đủ ở nhà. Họ đến để chơi, để ngắm mọi người là chính, mua bán cầu lộc chỉ để lấy hên đầu năm. 
 
 Cho đến nay sau hàng trăm năm, Hội Chợ Gò vẫn duy trì đều đặn hằng năm. Bãi đất trống này hiện nay quanh năm được coi như một sân vận động công cộng, bao quanh là các khu dân cư đông đúc của thị trấn Tuy Phước. Hằng ngày người dân địa phương vẫn chơi bóng sinh hoạt thể dục thể thao nơi đây. Bãi đất chỉ biến thành chợ đúng dịp Tết cổ truyền.  
 
Mua lấy lộc đầu năm
Mua lấy lộc đầu năm
Chính quyền địa phương nơi đây những năm gần đây vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao trong dịp đầu năm khi Hội Chợ Gò diễn ra, gần đây còn có cả trò chơi bài chòi dân gian và hát bộ truyền thống của đất võ Bình Định. 
 
Nếu có dịp đến Bình Định đúng ngày Tết đầu năm, cũng nên một lần đến đây cho biết ngôi chợ độc đáo mỗi năm chỉ nhóm họp một lần này. Doeèu lý thú là Chợ Gò đã từng được  Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp vào hạng “ 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam”.
 
Gia Khánh