Ðịnh hướng phát triển bền vững nguồn nhân lực và sản phẩm du lịch

06:09, 05/09/2019

Ðến năm 2030, Việt Nam sẽ là điểm đến nổi bật của du lịch toàn cầu, đón khoảng 47 triệu lượt khách quốc tế và trên 100 triệu lượt khách nội địa...

Ðến năm 2030, Việt Nam sẽ là điểm đến nổi bật của du lịch toàn cầu, đón khoảng 47 triệu lượt khách quốc tế và trên 100 triệu lượt khách nội địa. Vì vậy, cần có những mô hình, sáng kiến để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới trên nền tảng phát huy một cách sáng tạo các giá trị văn hóa, giá trị thiên nhiên và đời sống cộng đồng; đồng thời, phải phát triển và chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập; xây dựng thương hiệu du lịch từ các địa phương, các điểm đến để tạo nên thương hiệu du lịch Việt Nam. 
 
Du lịch thể thao mạo hiểm rất hấp dẫn, nhưng là hoạt động kinh doanh du lịch có điều kiện, luôn được các ngành quan tâm, kiểm tra điều kiện hoạt động. Trong ảnh: Kiểm tra trang thiết bị bảo hộ người chơi ở Công ty Phat Tire - Chi nhánh Đà Lạt. Ảnh: L.H
Du lịch thể thao mạo hiểm rất hấp dẫn, nhưng là hoạt động kinh doanh du lịch có điều kiện, luôn được các ngành quan tâm, kiểm tra điều kiện hoạt động. Trong ảnh: Kiểm tra trang thiết bị bảo hộ người chơi ở Công ty Phat Tire - Chi nhánh Đà Lạt. Ảnh: L.H
 
Xác định các loại hình sản phẩm du lịch cho giai đoạn mới
 
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững nguồn nhân lực và sản phẩm du lịch” do Viện Khoa học Giáo dục Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức trong tháng 8 tại Đà Lạt, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, cho biết: Phát triển du lịch bền vững là mục tiêu toàn cầu, mục tiêu của mọi quốc gia, mọi điểm đến và cũng là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam mọi thời kỳ. Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế trong vòng 3 năm (2015-2018) gần gấp đôi từ 7,9 triệu lên 15,5 triệu khách. 
 
Những năm gần đây, cả nước, các bộ ngành và địa phương rất nỗ lực trong phát triển du lịch. Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 08-NQ/TW về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, tạo động lực lan tỏa sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của đất nước theo hướng hiện đại, bền vững và bảo vệ môi trường. Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính sáng tạo đã góp phần thu hút khách du lịch. Năm 2018 là năm ghi nhận nhiều giá trị về du lịch: Ngoài việc tăng trưởng nhanh, mạnh về lượng khách quốc tế, 80 triệu khách du lịch nội địa, đóng góp 8,39% vào GDP...; Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước phát triển du lịch nhanh nhất thế giới, lần đầu tiên nhận giải thưởng điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, điểm đến Golf hàng đầu thế giới, được độc giả của nhiều tạp chí uy tín hàng đầu thế giới bình chọn là 1 trong 10 quốc gia có điểm đến hàng đầu thế giới... là cơ hội để phát triển du lịch trong thời gian tới...
 
Nhưng, trong những năm qua, quá trình phát triển bền vững của du lịch Việt Nam có sự phát triển ngược dòng với sự phát triển bền vững, sự phối hợp trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch giữa các địa phương còn lỏng lẻo, đơn điệu, thiếu hấp dẫn, không đặc thù. Đầu tư cho du lịch không đồng đều, còn những nơi có tiềm năng tốt, nhưng chưa có cơ hội phát triển sản phẩm hay tiếp cận thị trường du lịch thì chưa được quan tâm. 
 
Nhiều thuật ngữ và loại hình du lịch mới xuất hiện, như: Du lịch bảo vệ môi trường, du lịch bảo vệ các loài động vật hoang dã rất được du khách quan tâm. Du lịch xanh với nhiều hình thức khác nhau không còn xa lạ và rất phát triển. Du lịch sáng tạo - để tạo ra nhiều trải nghiệm hơn cho du khách, dựa trên việc khai thác các giá trị gia tăng từ giá trị văn hóa, giá trị thiên nhiên và du khách không phải là đến để tham quan, nghỉ dưỡng đơn thuần, tìm hiểu để có thêm kiến thức cho bản thân mình, mà họ được tương tác, là chủ thể của cuộc chơi...
 
Xu hướng mới trong phát triển du lịch đang hướng đến “SAVE tourism” không phải là du lịch tiết kiệm, mà là loại hình du lịch (SAVE - Scientific, Academic, Volunteer & Education) gắn với khoa học, học thuật, tình nguyện và giáo dục đang được nhiều quốc gia khuyến khích phát triển. Loại hình du lịch này dù chưa rõ nét, nhưng đang bắt đầu phát triển ở Việt Nam. Ví dụ, như Scientific tourism thu hút các chuyên gia đến tìm hiểu về khoa học, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Việt Nam; dòng khách du lịch Academic tourism (du lịch học thuật) đã phát triển ở nhiều nơi trên thế giới là các mô hình du lịch thu hút sinh viên đi thực tế, nâng cao kiến thức; Volunteer tourism là du lịch tình nguyện gắn với việc hỗ trợ cộng đồng, như bảo vệ, khắc phục sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu, xây dựng công trình công cộng, mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng địa phương...
 
Ngày nay, du lịch sinh thái không còn xa lạ nữa, nhưng thuật ngữ “du lịch địa chất” bắt đầu xuất hiện là loại hình du lịch được nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư phát triển vì những lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường... lồng ghép với giáo dục (Education tourism) trong đó.
 
Địa hình nhiều sông suối và thác nước, giúp Lâm Đồng phát triển nhiều loại hình du lịch mới và hấp dẫn đòi hỏi nguồn nhân lực du lịch có những kỹ năng đặc biệt, bên cạnh những kiến thức chung về du lịch và hướng dẫn du lịch. Ảnh: L.H
Địa hình nhiều sông suối và thác nước, giúp Lâm Đồng phát triển nhiều loại hình du lịch mới và hấp dẫn đòi hỏi nguồn nhân lực du lịch có những kỹ năng đặc biệt, bên cạnh những kiến thức chung về du lịch và hướng dẫn du lịch. Ảnh: L.H
 
Lâm Ðồng và công tác chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch
 
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Việt Nam đang tham gia vào nhiều thỏa thuận chung về du lịch của khu vực và thế giới; đồng thời, sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngày càng cao, khách du lịch tự chọn cho mình lộ trình, sản phẩm và dịch vụ du lịch… thì chúng ta cũng phải tiêu chuẩn hóa nguồn lực du lịch, để đáp ứng được nhu cầu cũng như ứng dụng được sự hiện đại, sự tiến bộ trong du lịch.
 
Năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hình thành và thừa nhận lẫn nhau trong hệ thống tiêu chuẩn nghề của du lịch. Thỏa thuận này được các nước ASEAN rất quan tâm và nhiều nước đã đi tiên phong. Trong đó, nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển của mọi ngành nghề, đặc biệt là ngành du lịch. Các nước ASEAN nói chung hay Việt Nam, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo khung trình độ đã được thừa nhận là điều kiện tiên quyết để xây dựng ngành du lịch hội nhập quốc tế. Khi thỏa thuận về nghề du lịch ASEAN chính thức có hiệu lực thì sẽ có nhiều lao động trong khối ASEAN đến Việt Nam làm việc. Nếu lao động trong nước không nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành, họ sẽ thua ngay trên chính sân nhà và hậu quả là sẽ nhiều người mất việc. Song song đó, các doanh nghiệp du lịch ASEAN sẽ có nhiều cơ hội thu hút lao động có tay nghề của Việt Nam, có nghĩa là, nếu doanh nghiệp trong nước không đổi mới, không phát triển để giữ chân lao động có tay nghề, thì sẽ mất đi nguồn lao động có kỹ năng trong nước, chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng vì thế mà giảm đi.
 
Trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 của World Bank cảnh báo: “Nhiều điểm đến của Việt Nam đã chạm đến ngưỡng bùng phát, nếu không có mô hình quản lý tốt, mô hình kinh doanh du lịch phù hợp, sẽ dẫn đến tác động tiêu cực đến KT-XH và môi trường, giảm khả năng thu hút khách là tất yếu và sẽ dẫn đến nguy cơ phải đóng cửa du lịch”.

Theo ông Hoàng Ngọc Huy - Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Lâm Đồng): Phát triển nguồn nhân lực du lịch là một yêu cầu cấp thiết trong quá trình hội nhập của tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng đào tạo nhân lực cho ngành du lịch từ bậc công nhân lành nghề đến đại học; hằng năm, cung cấp hơn 600 cử nhân và khoảng 1.500 lao động trung cấp, sơ cấp; nhưng, so với nhu cầu thực tế, thì còn thiếu rất nhiều; bên cạnh đó, số lao động đã được đào tạo, tuy có kiến thức về lý thuyết, nhưng vẫn phải huấn luyện về khả năng thích ứng với môi trường làm việc, quản trị chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ.

Định hướng phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đề ra chỉ tiêu: Đến năm 2020, thu hút khoảng 13.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp du lịch dịch vụ, trong đó, 80% được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc; đến năm 2025, thu hút khoảng 15.000 lao động trực tiếp, trong đó, 85% được đào tạo nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc.
 
Như vậy, để phù hợp với yêu cầu về tiêu chuẩn nghề ASEAN và chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch cho quá trình hội nhập và phát triển, du lịch Lâm Đồng cần thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực ngành du lịch; ban hành các chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực du lịch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác phát triển nhân lực du lịch; xây dựng chiến lược để phát triển nhân lực ngành du lịch; thu hút lao động du lịch, nâng cao chế độ đãi ngộ và sử dụng nhân lực đã qua đào tạo; hợp tác và hội nhập quốc tế về đào tạo nghề du lịch; thiết lập và nâng cao mối quan hệ chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan đến đào tạo phát triển nhân lực du lịch. Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, không phải chỉ là công việc và trách nhiệm của nhà trường; mà phải là sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo, chính quyền, doanh nghiệp và hiệp hội trong quản lý và đào tạo nghề du lịch.
 
LÊ HOA