Lạc Dương - "Ðiểm đến" du lịch văn hóa

05:08, 15/08/2019

Những năm gần đây, nhiều đoàn khách du lịch đến Ðà Lạt dường như không bỏ qua các điểm tham quan nổi tiếng trên địa bàn huyện Lạc Dương (cách TP Ðà Lạt 12 km). Bởi vùng đất này, mỗi địa danh đều gắn với những truyền thuyết khá thi vị...

Những năm gần đây, nhiều đoàn khách du lịch đến Ðà Lạt dường như không bỏ qua các điểm tham quan nổi tiếng trên địa bàn huyện Lạc Dương (cách TP Ðà Lạt 12 km). Bởi vùng đất này, mỗi địa danh đều gắn với những truyền thuyết khá thi vị...
 
Khách quốc tế rất ưa thích mô hình homestay ở Đạ Blah, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương. Ảnh: T.D.H
Khách quốc tế rất ưa thích mô hình homestay ở Đạ Blah, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương. Ảnh: T.D.H
 
Tiềm năng, lợi thế địa phương
 
Lạc Dương là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi khá đặc biệt: địa hình có độ cao 1.500 m so với mực nước biển; khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ (nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 18 - 22 độ C); đất đai màu mỡ, thích hợp phát triển các loại rau, hoa, cây công nghiệp, nhất là cà phê Arabica...
 
Đặc biệt, Lạc Dương có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ gắn với nhiều địa danh nổi tiếng: núi LangBian huyền thoại, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, nơi có đỉnh Bidoup được mệnh danh “Nóc nhà Tây Nguyên” (có độ cao 2.287 m); Khu Dự trữ sinh quyển LangBian (là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam được công nhận năm 2015); Khu Du lịch (KDL) Quốc gia Đan Kia - Suối Vàng được Chính phủ phê duyệt đang đầu tư, khai thác... Trên địa bàn huyện có hàng chục khu, điểm du lịch hấp dẫn, khi nhắc đến đã làm mê hoặc du khách xa gần: KDL LangBian; Thung lũng Vàng; KDL Làng Cù Lần, Ma Rừng Lữ Quán, Vườn thú ZooDoo...
 
Từ khi hoàn thành và đưa vào hoạt động tuyến Quốc lộ 27C (từ nâng cấp Tỉnh lộ 723 - thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng và tỉnh lộ 652 - thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa) đã nối thành phố hoa Đà Lạt với thành phố biển Nha Trang. Tuyến quốc lộ này đi qua địa bàn các xã Đạ Chais, Đạ Nhim và Đạ Sar của huyện Lạc Dương. Và, việc triển khai tuyến đường Đông Trường Sơn (cũng chủ yếu xuyên qua các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khó khăn, vùng sâu của huyện Lạc Dương) đã làm phá vỡ thế cô lập trước nay của huyện Lạc Dương, mở ra nhiều điều kiện hết sức thuận lợi không những về giao thông đi lại mà quan trọng là kết nối giao thương, kích thích đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thu hút khách du lịch đến với huyện Lạc Dương...
 
Lạc Dương còn là vùng đất đa văn hóa, giàu bản sắc với nhiều sản vật, sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS bản địa khá phong phú được lưu giữ và tiếp biến qua bao nhiêu thế hệ trong cộng đồng người Kơ Ho - Cil, Lạch thông qua hệ thống các lễ hội dân gian, các ngành nghề thủ công truyền thống đặc trưng như văn hóa cồng chiêng, làm rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm; gần đây là sản phẩm cà phê Arabica LangBian nổi tiếng (một trong 4 thương hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận năm 2017)...
 
Các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” đều hiện hữu trên vùng đất này đã và đang được “đánh thức”. Và, tiềm năng, lợi thế vượt trội của Lạc Dương bước đầu đã được khai thác có hiệu quả trong những năm qua, sẽ là nền tảng, tạo đà để Lạc Dương phát triển mạnh du lịch trong tương lai gần. Có thể thấy, những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Lạc Dương tham quan, trải nghiệm liên tục gia tăng, năm sau cao hơn năm trước từ 10 - 15%. Cụ thể, giai đoạn 2012 - 2016, tổng lượng khách du lịch đến Lạc Dương đạt trên 6,3 triệu lượt; doanh thu từ du lịch đạt 370,7 tỷ đồng; năm 2017, tổng lượng khách đạt 1,4 triệu lượt, doanh thu đạt 103,500 tỷ đồng và năm 2018 vừa qua tiếp tục có 1,6 triệu lượt khách du lịch đã đến Lạc Dương...
 
Du lịch sinh thái trải nghiệm bằng xe jeep ở Làng Cù Lần. Ảnh: T.D.H
Du lịch sinh thái trải nghiệm bằng xe jeep ở Làng Cù Lần. Ảnh: T.D.H
 
Du lịch phải trở thành ngành kinh tế động lực
 
Cùng với lợi thế và tiềm năng sẵn có, việc mở rộng kết nối, giao thương với nhiều địa phương khác, Lạc Dương đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực: phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản, phát triển thủy điện, đặc biệt là khai thác phát triển du lịch. Trong tổng số 72 dự án đăng ký đầu tư vào Lạc Dương (trong đó 38 dự án được cấp giấy phép), có trên 10 dự án phát triển du lịch, dịch vụ đang được triển khai, số vốn đăng ký 1.305,153 tỷ đồng; (riêng dự án KDL Quốc gia Đăng Kia - Suối Vàng có tổng số vốn lên tới 1,5 tỷ USD đang hoàn tất thủ tục để triển khai).
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương, nhiều khu, điểm du lịch chú trọng khai thác, phát triển các loại hình du lịch sinh thái dưới tán rừng, du lịch dã ngoại, nghỉ dưỡng, du lịch canh nông gắn với tham quan, trải nghiệm các làng nghề truyền thống, hướng khách du lịch đến với văn hóa của các tộc người DTTS bản địa; gần đây, xuất hiện thêm một số sản phẩm, “thương hiệu” mới như cà phê Arabica LangBian, Coffee K’Ho, Làng hoa hồng...thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, trải nghiệm...
 
 Một số hộ dân trên địa bàn huyện tỏ ra nhạy bén trong việc nắm bắt quy luật “cung - cầu” đã xây dựng và đưa vào kinh doanh 8 cơ sở lưu trú, các nhà nghỉ (với khoảng hơn 180 phòng); loại hình homestay cũng đã hình thành, “đón đầu” trong việc phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch, nhất là khách trẻ, khách quốc tế.
 
Lãnh đạo huyện bên cạnh quan tâm chỉ đạo bằng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cũng đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng liên quan địa phương tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh loại hình du lịch, dịch vụ trên địa bàn xây dựng tác phong, cung cách phục vụ du khách văn minh, lịch sự, nhằm tạo sự thiện cảm, sự hài lòng để thu hút, phát triển du lịch. Đồng thời, cử cán bộ, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo, giao lưu để nâng cao trình độ, kỹ năng trong công tác quản lý và hoạt động du lịch. Chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành Văn hóa tổ chức 3 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho hơn 100 thanh niên DTTS tại thị trấn Lạc Dương và xã Đạ Sar...
 
Từ những cố gắng, nỗ lực nêu trên nhìn chung vẫn chưa đủ để phát triển du lịch Lạc Dương trở thành ngành kinh tế động lực. Bởi như đã phân tích trên, tiềm năng, lợi thế, những điều kiện thuận lợi hết sức cơ bản của Lạc Dương sẵn có, song vấn đề đặt ra ở đây là nhận thức về vai trò, vị trí của du lịch đối với phát triển KT-XH chưa thật sự đầy đủ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu và yếu, mang tích chắp vá; sản phẩm du lịch chưa phong phú, đơn điệu; hoạt động của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, cán bộ quản lý du lịch thiếu và chưa mang tính chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở lưu trú còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu của du khách…
 
Hướng đến xây dựng môi trường du lịch bền vững 
 
Trong cuộc sống ngày nay không thể cứ “hữu xạ tự nhiên hương”; đặc biệt trong lĩnh vực du lịch điều kiện tiên quyết là phải đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng “khó tính” của du khách. Đồng thời, vừa đáp ứng yêu cầu thu hút khách du lịch, lấy phát triển du lịch làm mũi nhọn, động lực để phát triển KT-XH địa phương; song, phải hướng đến xây dựng môi trường du lịch bền vững; đây là sự đòi hỏi khắt khe đặt ra trong tình hình hiện nay. Vấn đề này không thể một sớm một chiều mà cần phải có thời gian, lộ trình và bước đi bài bản.
 
Đối với Lạc Dương, trước hết, muốn khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương để thúc đẩy phát triển du lịch làm “đòn bẩy” phát triển KT-XH một cách bền vững không gì khác là phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, trình độ, kỹ năng về hoạt động du lịch và quản lý du lịch, dịch vụ một cách chuyên nghiệp; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí của du lịch trong sự phát triển toàn diện địa phương; từ đó, thực hiện các chính sách đầu tư bài bản vào lĩnh vực du lịch. Bên cạnh tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của tự nhiên; phải phát huy các giá trị bản sắc văn hóa độc đáo của các DTTS một cách có chọn lọc, loại bỏ những yếu tố lỗi thời, đơn điệu; đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, đặc trưng riêng; chú trọng những sản phẩm mới lạ, độc đáo để hấp dẫn khách du lịch; quan tâm phát triển hệ thống nhà nghỉ, lưu trú đảm bảo an ninh và an toàn cho khách du lịch...
 
Một điều hết sức quan trọng cần đặc biệt chú trọng trong việc đầu tư phát triển môi trường du lịch bền vững, đó là tránh việc can thiệp thô bạo của con người vào hệ sinh thái tự nhiên vốn quý của rừng, lâm sản, các sản vật từ rừng tại các KDL sinh thái, những khu vực nhạy cảm; tăng cường ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường đối với khách du lịch và cộng đồng dân cư; phát triển du lịch phải hướng đến xây dựng thái độ ứng xử văn hóa, văn minh, thân thiện với môi trường...
 
THANH DƯƠNG HỒNG