Nhân sự quản lý doanh nghiệp du lịch đã làm gì trong đại dịch

06:10, 28/10/2021

Từ tháng 5 đến hết tháng 10, hoạt động kinh doanh du lịch đóng băng hoàn toàn vì dịch bệnh COVID-19. Các khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành vận chuyển và dịch vụ gần như dừng hoạt động; hàng vạn lao động phục vụ trong ngành du lịch thất nghiệp...

Từ tháng 5 đến hết tháng 10, hoạt động kinh doanh du lịch đóng băng hoàn toàn vì dịch bệnh COVID-19. Các khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành vận chuyển và dịch vụ gần như dừng hoạt động; hàng vạn lao động phục vụ trong ngành du lịch thất nghiệp. Vậy, nhân sự quản lý của các đơn vị hoạt động du lịch dịch vụ đã và đang làm gì suốt nửa năm qua để duy trì nhiệt huyết và tình yêu với du lịch?
 
Ông Tưởng Hữu Lộc - Giám đốc Công ty Tam Anh Đà Lạt từ khi ngưng nghỉ hoạt động nhà hàng, dịch vụ lưu trú và lữ hành, tập trung về xã Xuân Thọ chăm lo, phát triển cơ sở mới là Đồi Mây Đà Lạt
Ông Tưởng Hữu Lộc - Giám đốc Công ty Tam Anh Đà Lạt từ khi ngưng nghỉ hoạt động nhà hàng, dịch vụ lưu trú và lữ hành, tập trung về xã Xuân Thọ chăm lo, phát triển cơ sở mới là Đồi Mây Đà Lạt
 
Vietravel (Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông  vận tải Việt Nam) là đơn vị lớn nhất trong ngành du lịch với mạng lưới chi nhánh và văn phòng khắp các vùng miền trong và ngoài nước. Dịch bệnh khiến người đứng đầu - ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel rất tâm tư: Doanh nghiệp tôi có 1.700 lao động, họ nuôi gia đình, con cái, bố mẹ, vợ con, ảnh hưởng như thế tôi rất đau lòng. Một tháng không có tiền trả cho họ cảm giác... rất có lỗi. 
 
Có thời điểm đếm cơ quan chỉ còn 15-20 người để duy trì hoạt động hành chính thông thường... Nhưng trong số 1.700 người lao động, chỉ có 141 người được nhận hỗ trợ theo tiêu chí... Vietravel chưa từng nghĩ bị COVID-19 đánh vật về trạng thái của 15-16 năm trước (quãng 2006-2007)... COVID  vượt qua tất cả những khó khăn trong lịch sử như khủng hoảng kinh tế thế giới (năm 2008), dịch bệnh Sars và đẩy lùi du lịch về con số 0. 
 
Dalattourist là doanh nghiệp quản lý nhiều khu điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh Lâm Đồng. Theo ông Nguyễn Nhật Vũ - Phó Tổng Giám đốc Dalattourist (Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng): Suốt đợt dịch, Công ty chủ yếu duy trì bộ khung. Nhân viên làm việc trong các khu điểm thì tùy từng vị trí mới được giữ lại, như nhân viên bảo trì, bảo vệ...; còn lại tạm hoãn hợp đồng theo quy định của Chính phủ. Dù vậy, mỗi tháng, Dalattourist đều thực hiện chính sách hỗ trợ đối với nhân viên tạm ngưng việc làm của Công ty một khoản chi phí sinh hoạt và gạo, rau, nhu yếu phẩm để giữ chân người lao động. Trung bình mỗi tháng, Dalattourist phải bỏ ra khoảng 500 triệu đồng cho riêng chi phí tiền lương và hỗ trợ người lao động tạm ngưng việc làm. Do đó, nếu tính các khoản phải chi khi doanh thu không có hoặc rất thấp từ đầu năm đến nay vì dịch bệnh COVID-19 thì chi phí của công ty đã âm đến con số hàng chục tỷ đồng.
 
Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Lạt, hằng ngày vẫn đến văn phòng để trực và học online. Không chấp nhận sự buồn tẻ, ông Nghĩa đã nghiên cứu nhiều kỹ năng trên mạng, như tự quay và dựng được clip chính mình mời mình uống cà phê
Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Lạt, hằng ngày vẫn đến văn phòng để trực và học online. Không chấp nhận sự buồn tẻ, ông Nghĩa đã nghiên cứu nhiều kỹ năng trên mạng, như tự quay và dựng được clip chính mình mời mình uống cà phê
 
Suốt trong thời gian ngưng hoạt động để phòng, chống dịch COVID -19, Dalattourist cũng lên kế hoạch đào tạo - bồi dưỡng nhân viên, cố gắng chuẩn bị mọi điều kiện để khi được phép đón khách thì sẵn sàng hoạt động. Theo tình hình hiện nay, Dalattourist mong tỉnh có các giải pháp mở cửa thống nhất và ổn định để Công ty tổ chức các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch một cách thuận lợi; mặc dù xét về mặt tâm lý, khách du lịch sẽ cảnh giác hơn trong việc di chuyển, hoặc đặt tour theo nhóm nhỏ, gia đình... nên lượng khách cũng chưa thể đạt được con số như kỳ vọng.
 
Ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Công ty TNHH Hải Phúc Hân - Nhà hàng Cơm niêu Như Ngọc, cho biết: Trong đợt dịch này, tranh thủ nhà hàng ngưng hoạt động theo chỉ đạo của các cấp, chúng tôi tổ chức sửa sang lại cơ sở vật chất, cố gắng hỗ trợ cho người lao động một khoản phí sinh hoạt khi không có việc làm; duy trì một số vị trí như bảo vệ, nhân viên sân vườn... Ngoài ra, mỗi tuần, Nhà hàng Như Ngọc cùng bạn bè tổ chức hỗ trợ từ thiện từ 15-20 tấn rau, củ đến vùng dịch, ủng hộ quỹ vacxin... với tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng.
 
Nhiều đơn vị hoạt động du lịch dịch vụ khác lựa chọn cách tạm đóng cửa để hạn chế thấp nhất các khoản chi phí phát sinh. Theo ông Nguyễn Văn Ty - Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú tại Đà Lạt: Văn phòng Công ty tại Đà Lạt đã đóng cửa vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nhân viên cũng tạm nghỉ việc theo quy định chung. Anh em trở về quê phụ giúp gia đình và thỉnh thoảng tham gia một số hoạt động online của Công ty.
 
Ông Đinh Văn Dôn - Giám đốc và là người sáng lập Công ty TNHH Du lịch Happy Day Đà Lạt lại có cơ hội cùng nhân viên phát triển mảng dịch vụ mới trong đại dịch
Ông Đinh Văn Dôn - Giám đốc và là người sáng lập Công ty TNHH Du lịch Happy Day Đà Lạt lại có cơ hội cùng nhân viên phát triển mảng dịch vụ mới trong đại dịch
 
Tuy vậy, có nhiều doanh nghiệp lại nắm bắt được các cơ hội ngay trong đại dịch, tìm kiếm việc làm để duy trì hoạt động và có nguồn thu để trang trải các chi phí. Ông Đinh Văn Dôn - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Happy Day Đà Lạt, chia sẻ: Công ty có lợi thế là đội ngũ nhân sự trẻ, khi xảy ra dịch cũng phải ngưng hoạt động như các đơn vị khác. Tuy nhiên, dù nửa năm qua không có hoạt động nào phục vụ du khách, nhưng Công ty vẫn duy trì mảng truyền thông và phát triển dịch vụ online, khai thác các sản phẩm nông sản của địa phương đưa về các tỉnh, thành để tạo ra nguồn thu, dù không bằng thời gian trước đợt dịch lần thứ tư này, nhưng cũng có thể hỗ trợ phần nào cho các nhân viên của Công ty để trang trải cuộc sống.
 
Công việc tạo ra từ đợt dịch có cái hay là giúp định hướng và phát triển một mảng kinh doanh mới của Công ty trong tương lai, giúp các bạn trẻ năng động, gắn kết hơn và nhất là hoàn thiện kỹ năng làm việc online trên nền tảng công nghệ số chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, dịch bệnh cũng là cơ hội để Công ty thanh lọc, lựa chọn nhân sự có tâm huyết, yêu nghề, chuẩn bị cho bước phát triển sau này vững vàng hơn.
 
NHẬT QUÂN