Viết lại trang mới cho cuộc đời

08:11, 12/11/2018

Từng vì mưu sinh cuộc sống mà bị phạt tù vì tội hủy hoại tài nguyên rừng, song ông Nguyễn Ðức Công (thị trấn Dran, huyện Ðơn Dương) đã vượt qua quá khứ lầm lỗi, vươn lên trở thành một trong những điển hình trong công tác giữ gìn an ninh tại địa phương, cũng như phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc.

Từng vì mưu sinh cuộc sống mà bị phạt tù vì tội hủy hoại tài nguyên rừng, song ông Nguyễn Ðức Công (thị trấn Dran, huyện Ðơn Dương) đã vượt qua quá khứ lầm lỗi, vươn lên trở thành một trong những điển hình trong công tác giữ gìn an ninh tại địa phương, cũng như phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc.
 
Ông Nguyễn Đức Công (giữa) thường xuyên trò chuyện, lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho bà con hàng xóm. Ảnh: V.Quỳnh
Ông Nguyễn Đức Công (giữa) thường xuyên trò chuyện, lồng ghép tuyên truyền pháp luật
cho bà con hàng xóm. Ảnh: V.Quỳnh

Hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng
 
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tương đối khang trang, ông Nguyễn Đức Công bắt đầu kể về câu chuyện của cuộc đời. Ông sinh năm 1963, tại Tổ dân phố Lâm Tuyền 1. Cách đây 18 năm, trong những ngày cái tết đang cận kề, ông cùng một vài người khác nhận lời lên rừng khai thác gỗ thuê, với mong muốn kiếm thêm vài đồng cho ba đứa con thơ thêm manh áo mới. Ngày 26 tết, ông bị bắt và tuyên phạt 36 tháng tù giam với tội danh hủy hoại tài nguyên rừng.
 
Vào tù - đó là một cú sốc lớn, không chỉ với riêng ông Công, mà còn đối với vợ con, gia đình, bà con hàng xóm của người đàn ông vốn hiền lành này. Nhờ chấp hành án và cải tạo tốt mà án 36 tháng của ông được giảm xuống còn 24 tháng. Sau khi mãn hạn tù, ông trở về địa phương và quyết tâm làm lại cuộc đời.
 
Với suy nghĩ “Mình vô tình phạm pháp chỉ vì mưu sinh và thiếu hiểu biết về pháp luật” - ông Công xây dựng cho mình tâm lý vững vàng, không mặc cảm, tự ti trước mọi người xung quanh. Được gia đình quan tâm, chính quyền và MTTQ, các đoàn thể tiếp nhận, giúp đỡ, ông tích cực lao động sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập với cộng đồng.
 
Vừa mãn hạn tù trở về địa phương, ông Công được giao làm chức xóm trưởng, rồi làm tổ an ninh, rồi dần dần được bầu làm công an thôn Lâm Tuyền. Bây giờ, ông đã có hơn 10 năm là tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố. Bên cạnh đó, ông nhận khoán, tham gia đội quản lý, bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ D’ran. Ông tâm sự rằng: “Tôi nghĩ thế này, mình đã từng là người đi phá rừng, vi phạm các quy định khai thác, bảo vệ rừng, thế nên những cách làm của lâm tặc mình có thể biết đường đi nước bước. Mình đã từng trải qua nên mình biết được kẽ hở của họ. Vậy có ai có thể làm tốt hơn mình trong việc này. Nghĩ vậy nên khi được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng, tôi nhận lời ngay. Đây cũng là cách mà tôi bù đắp lại cho rừng những ngày tháng khốn khó ấy”.
 
Hiểu rằng ngày đó mình phạm tội vì không am hiểu pháp luật, ông tích cực tuyên truyền, phổ biến cho bà con nhân dân về kiến thức pháp luật, vận động người dân bảo vệ rừng, bảo vệ đất, tuân thủ Luật ATGT.
 
Trong tổ dân phố Lâm Tuyền 1 cũng có các đối tượng từng đi tù, có quá khứ lầm lỗi. Ông Công cùng tham gia với chính quyền tới thăm hỏi, động viên họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, tái hòa nhập cộng đồng. Bởi hơn ai hết, ông hiểu rõ nỗi lòng của những người này, và lấy chính bản thân mình ra để khuyên nhủ, để làm gương cho họ có niềm tin làm lại cuộc đời.
 
Từ sự cố gắng, phấn đấu của bản thân, ông Công đã nhận được nhiều giấy khen của các cấp trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Tái hòa nhập cộng đồng”. Gia đình ông hàng năm đều được công nhận Gia đình văn hóa.
 
Ông Nguyễn Đức Công tâm sự: “Cuộc đời ai chẳng một lần vấp ngã, chủ yếu là sau khi vấp ngã mình đứng lên như thế nào thôi. Hiện, các con tôi rất tự hào về ba mình. Đó là điều mà tôi trân trọng nhất”.
 
Xây dựng gia đình hạnh phúc
 
Ra tù, lại hơn 10 năm tham gia vào tổ bảo vệ dân phố trong khi công việc nhà lại nhiều. Vậy mà bao năm ông Nguyễn Đức Công vẫn yên tâm làm nhiệm vụ xã hội của mình, bởi bên cạnh ông vẫn luôn có hậu phương vững chắc là người vợ và 3 đứa con. “Nếu vợ và các con không ủng hộ thì tôi đã nghỉ làm việc xã hội từ lâu. Công việc nhà rất nhiều, nhưng vợ tôi thì vẫn luôn luôn ủng hộ. Bao nhiêu năm nay, chưa bao giờ tôi nhận một lời phàn nàn từ vợ và con” - đó là niềm hạnh phúc mà ông Công nói đến. 
 
Bây giờ, anh con trai cả đang ở nhà phụ làm kinh tế, cô con gái đã lập gia đình và làm việc ở TP Hồ Chí Minh, và cậu con trai út vừa tốt nghiệp đang làm việc cho một công ty nước ngoài - tất cả đều được ông nhắc đến bằng niềm tự hào và hạnh phúc không giấu được. Còn vợ ông lại được ông nhắc đến bằng niềm xúc động và yêu thương. Bởi trong 2 năm ông vắng nhà vì tù tội, một mình bà gồng gánh nuôi 3 đứa con, hàng tháng lại đều đặn bắt xe đi thăm chồng. 
 
Lấy nhau từ thuở đôi mươi, đã từng cùng nhau vượt qua những ngày gian khó, thiếu ăn thiếu mặc, từng phải kinh qua đủ nghề: Bứt đót, lấy măng, đi rừng, chặt tre, làm giàn,... rồi dần có cuộc sống ổn định như bây giờ, ông Công kể rằng: 32 năm sống với nhau, ông bà chưa hề có một tiếng lớn, chưa hề có 1 bạt tai, chưa bao giờ xưng “bà - tui”. Dù có tức giận gì vẫn gọi nhau “anh - em” và nhường nhịn. Bởi ông hiểu rằng: “Mình là tấm gương cho con cái. Các con thấy cách mình sống để học theo cách ứng xử của mình”.
Bà Trần Thọ Cúc - vợ của ông Công nói rằng: “Mặc dù công việc của chú nhiều khi bận rộn, vất vả và nhiều khi nửa đêm vẫn có điện thoại gọi đến, ngày lễ, tết vẫn phải đi tuần tra để cản trở bớt các đối tượng manh động, nhưng cô vẫn ủng hộ hết mình, chỉ khuyên chú cẩn thận. Bởi không làm thì thôi, đã làm thì phải có trách nhiệm với người dân”. 
 
Kết thúc buổi trò chuyện, ông Công lại tất bật cho chuyến đi rừng để kiểm tra vì có tin báo. Giờ cơm trưa đã đến lại bị bỏ giữa chừng...
 
VIỆT QUỲNH