Danh nhân tuổi Mão trong lịch sử Việt Nam

HỒNG PHÚC (tổng hợp) 02:55, 30/03/2023

Trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam, “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có” (Bình Ngô Đại cáo”. Nhân năm Quý Mão 2023 xin cùng tìm hiểu về các danh nhân tuổi Mão của lịch sử Việt Nam.

Tranh minh họa cảnh Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt thì bị lính dùng giáo đâm vào chân
Tranh minh họa cảnh Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt thì bị lính dùng giáo đâm vào chân

Trần Nhật Duật (1255-1330), sinh năm Ất Mão (1255), là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông. Trần Nhật Duật được phong tước Chiêu Văn Vương năm 12 tuổi, một trong những tước vương trẻ nhất của vương Triều Trần. Tên tuổi Trần Nhật Duật gắn với chiến thắng Hàm Tử Quan (tháng 5/1285). 

Phạm Ngũ Lão người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), sinh năm Ất Mão 1255, mất năm 1320. Ông là danh tướng nhà Trần và có công lao to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai và ba. 

Tên tuổi ông gắn chặt với những chiến công hiển hách của quân dân Triều Trần như các trận Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng... Không chỉ là nhà quân sự tài ba, Phạm Ngũ Lão còn là một nhà thơ với nhiều bài thơ về tinh thần yêu nước và ý chí của người trai trước vận mệnh của dân tộc.

Trần Quốc Toản (1267-1285), sinh năm Đinh Mão. Trần Quốc Toản là người anh hùng trẻ tuổi chống quân Nguyên - Mông, nổi tiếng với giai thoại bóp nát quả cam vì phẫn chí ở Hội nghị Bình Than. Sau đó, ông về lập đội quân gồm hơn 1.000 người đi đánh giặc Nguyên - Mông dưới lá cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân” (phá giặc mạnh, báo ơn vua). Sau khi hi sinh vì nước, ông được truy tặng tước Hoài Văn Hầu.

Mạc Đăng Dung sinh năm Quý Mão 1483, vua sáng lập Triều Mạc. Ông là cháu 7 đời của Trạng nguyên Triều Trần - Mạc Đĩnh Chi. Dưới triều vua Lê Dụ Tông, ông được phong là Phong Xuyên Bá. Sau đó, tình hình nội bộ triều đình nhà Lê rối ren, Mạc Đăng Dung đã dần thâu tóm quyền hành và rước vua Lê về kinh đô (1519). Lo ngại quyền hành quá lớn tập trung ở tay ông, vua Lê Chiêu Tông tìm cách giết ông nhưng bị phát hiện, nhà vua bỏ chạy lên Sơn Tây, Mạc Đăng Dung lập vua mới tức Lê Cung Hoàng. Năm 1527, ông được phong làm An Hưng Vương. Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất Cung Hoàng lên ngôi, lập ra nhà Mạc. Sau 2 năm làm vua, năm 1529, ông nhường ngôi cho con trai là Mạc Đăng Doanh để lên làm Thái Thượng hoàng. Trong giai đoạn nhà Mạc trị vì, mặc dù có chiến tranh giữa các phe phái Nam và Bắc Triều, song cơ bản đó là giai đoạn đất nước phát triển cường thịnh, Nhân dân ấm no.

Nguyễn Thiếp sinh năm Quý Mão 1723 và mất năm 1804, hiệu là La Sơn Phu Tử, quê làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, nay thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Thiếp sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc. Năm 20 tuổi (1743), ông đỗ giải Hương, đến năm 26 tuổi, ông đi thi Hội một khoa vào tam trường và từ đó không đi thi. Năm 1756, ông được cử làm Huấn đạo và năm 1762 thăng Tri phủ. 

Năm 1768 từ quan về ở ẩn trên núi Thiên Nhẫn, Hà Tĩnh. Chúa Trịnh Sâm nhiều lần cho mời ông ra làm quan nhưng ông từ chối. Ngay từ năm 1787, ông cũng đã từ chối lời mời làm quan của Nguyễn Huệ. Mãi đến năm 1788, trên đường kéo quân ra Bắc chống quân xâm lược Mãn Thanh, Quang Trung có ghé lại Nghệ An thăm La Sơn Phu Tử và hỏi ông về kế sách, Nguyễn Thiếp đã tâu: "Nay trong nước trống không, lòng người li tán. Quân Thanh ở xa đến, tình hình quân ta sức mạnh sức yếu không biết, thế công thế thủ không hay. Chúa công ra chuyến này chẳng quá 10 ngày giặc Thanh sẽ tan". Nhận định của Nguyễn Thiếp đã trở thành sự thật khi vào ngày mùng 5 tết năm Kỷ Dậu 1789, toàn bộ hơn 20 vạn quân Thanh đã bị quét sạch khỏi bờ cõi nước ta. Sau khi đất nước trở lại thanh bình, cảm mến ân đức của Quang Trung Nguyễn Huệ, năm 1790, Nguyễn Thiếp đã ra cộng tác với nhà Tây Sơn và được vua Quang Trung tin tưởng giao giữ nhiều trọng trách...

Nguyễn Văn Siêu sinh năm Kỷ Mão 1795 và mất năm 1872. Tự là Tốn Ban, hiệu là Phương Đình. Ông quê ở làng Kim Lũ (Đại Kim), huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai, Hà Nội). Nguyễn Văn Siêu là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, đồng thời là kiến trúc sư của quần thể đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên - Tháp Bút, cầu Thê Húc ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội đã trở thành biểu tượng của nét đẹp cổ kính Thăng Long ngàn năm văn vật. Nổi tiếng về tài văn thơ và đã từng được đương thời ca ngợi: “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”. Nghĩa là: Về văn chương thì Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát hơn cả những nhà văn Trung Quốc thời nhà Hán. Về thơ phú thì Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương (2 hoàng tử con vua Minh Mạng - NV) hơn các thi nhân Trung Quốc thời nhà Đường. 

Bùi Hữu Nghĩa sinh năm Đinh Mão 1807 và mất năm 1872; ông tên hiệu là Nghị Chi; sinh trưởng trong một gia đình ngư dân nghèo ở thôn Long Tuyền, phủ Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh nay thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Nhờ người quen giúp đỡ, ông lên Biên Hòa học cụ Đồ Hoành. Năm 1835, Bùi Hữu Nghĩa đậu giải nguyên trong kỳ thi Hương ở trường thi Gia Định nên được gọi là thủ khoa Nghĩa.

Lúc đầu ông được bổ nhiệm tri phủ Phúc Long, sau đó bị giáng làm tri huyện Trà Vinh tỉnh Vĩnh Long. Bùi Hữu Nghĩa là người cương trực và hay bênh vực dân nghèo nên không được quan trên ưa. Ông bị vu xúi dân nổi loạn nên bị bắt giam và bị kết án tử hình. 

Người vợ hiền của ông là bà Nguyễn Thị Tồn đã không quản ngại đường sá xa xôi lặn lội ra Huế kêu oan cho chồng và ông được tha tội chết...

Sau này, chán cảnh quan trường, ông lui về dạy học và tham gia Phong trào Cần Vương chống Pháp. Bùi Hữu Nghĩa để lại nhiều bài thơ nổi tiếng chứa chan nỗi lòng yêu nước, thương dân.

Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1819-1870), sinh năm Kỷ Mão: Ông là con thứ 10 của vua Minh Mạng nên tục gọi là ông Hoàng Mười. Ông nổi tiếng văn chương, được phong tước Tùng Thiện Công. Ông cùng với em là Tuy Lý Vương Miên Trinh lập nên “Tùng Vân thi xã” quy tụ các văn sỹ nổi tiếng. Các tác phẩm nổi tiếng là "Thương Sơn thi tập," "Nam cầm phổ"...

Huỳnh Mẫn Đạt sinh năm Đinh Mão, quê Tân Hội, Tân Long, Gia Định nay là TP Hồ Chí Minh. Năm 1831, Huỳnh Mẫn Đạt đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1831) Minh Mạng thứ 31. Sau khi đỗ cử nhân, ông ra làm quan dưới triều Tự Đức. Năm 1861, thực dân Pháp hạ đồn Chí Hòa và đánh Định Tường. Lúc ấy, ông đang làm Án sát Định Tường, đã cùng tuần phủ và tổng đốc Định Tường chặn đánh quân Pháp song bị thua nên bị triều đình Huế cách chức và bắt về kinh trị tội nhưng sau đó được tha và theo Nguyễn Tri Phương vào Biên Hòa đánh giặc lập công để chuộc tội. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ, ông từ quan về sống ở Rạch Giá, Kiên Giang và kết bạn cùng với Bùi Hữu Nghĩa. Ông là người nổi tiếng giỏi thơ Nôm. Khi Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử tử hình, ông đã làm bài thơ Điếu Nguyễn Trung Trực với những lời ca ngợi được xem là “tuyệt bút” với những câu thơ đã trở thành quen thuộc với nhiều thế hệ: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”. Huỳnh Mẫn Đạt mất năm 1882, hưởng thọ 75 tuổi.

Phan Bội Châu sinh năm Đinh Mão 1867 và mất năm 1940; quê ở làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 

Năm 19 tuổi (1885), ông cùng các bạn của mình lập đội “Sĩ tử Cần Vương” (hơn 60 người) chống Pháp, nhưng bị khủng bố nên phải giải tán.

Năm 1904, ông cùng các đồng chí của mình thành lập Duy Tân hội tôn Kỳ ngoại hầu Cường để làm hội chủ. Năm 1905, Phan Bội Châu sang Nhật cầu viện và tìm cách đưa thanh niên Việt Nam sang học. Dưới sự phát động của Duy Tân hội, cả nước đã hưởng ứng Phong trào Đông Du. Phan Bội Châu đã viết nhiều tác phẩm kêu gọi lòng ái quốc như: Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư, Tân Việt Nam gửi về nước. 

Ngày 30/6/1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải và giải về nước. Ông bị tòa án thực dân xử án tù chung thân nhưng trước phong trào đấu tranh của Nhân dân cả nước, ông được đưa đi an trí tại Bến Ngự (Huế) cho đến khi qua đời năm 1940 trong niềm tiếc thương vô hạn của Nhân dân cả nước.

Hoàng Văn Thái (1915-1986), sinh năm Ất Mão: ông là Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, quê ở xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. 

Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội như Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu V, Bí thư Khu ủy Khu V, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa III, IV, V và là đại biểu Quốc hội khóa VII. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Tên ông được đặt cho nhiều đường phố, trường học.