Những con đèo vàng rực dã quỳ

08:11, 27/11/2014

Đường lên Đà Lạt vượt qua các đèo: B'Lao, Sông Pha, Hòn Giao và Prenn vào cuối thu, hoa dã quỳ vàng rực như rải thảm chào đón mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết có được những con đường thơ mộng và hùng vĩ này, người xưa và nay đã đóng góp tuổi xuân của mình vài năm giữa rừng già, nhất là Sông Pha và B'Lao đã không ít người nằm lại dưới đất lạnh.

Đường lên Đà Lạt vượt qua các đèo: B’Lao, Sông Pha, Hòn Giao và Prenn vào cuối thu, hoa dã quỳ vàng rực như rải thảm chào đón mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết có được những con đường thơ mộng và hùng vĩ này, người xưa và nay đã đóng góp tuổi xuân của mình vài năm giữa rừng già, nhất là Sông Pha và B’Lao đã không ít người nằm lại dưới đất lạnh.
 
Rực rỡ hoa dã quỳ. Ảnh: Thanh Toàn
Rực rỡ hoa dã quỳ. Ảnh: Thanh Toàn
 
Đèo nối Nam Bộ 
 
Quốc lộ 20 dài 233km, khởi đầu từ ngã ba Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai và kết thúc tại Đà Lạt. Để lên được thành phố bốn mùa hoa nở này người và xe phải vượt qua đèo B’Lao hay còn gọi đèo Bảo Lộc. Đèo dài 10km, gồm có 108 khúc cua tọa lạc ở cây số 97-107 với độ cao 932m, được thiết kế bám theo triền núi. Lịch sử đèo B’Lao gắn liền với con đường dẫn đến khu nghỉ dưỡng Đông Dương vào đầu thế kỷ trước, tiền thân của quốc lộ 20. Con đường nối liền giữa cao nguyên và đồng bằng này ban đầu rộng 4m trải đá được khởi công vào tháng 11 năm 1926 và hoàn thành ngày 31 tháng 5 năm 1927 dưới thời toàn quyền Varenne. Để bảo đảm thông đường trong vòng 8 tháng, công binh Pháp đã sử dụng 400 phu dịch làm việc ngày đêm, số lượng culi gồm những người K’Ho, Churu, Mạ, Stiêng và phu đồn điền người Kinh. Trong 200 ngày đêm làm đường giữa chốn rừng thiêng nước độc, nhiều người phu đã bỏ mạng vì bệnh tật, tai nạn hoặc bị thú dữ ăn thịt, xác của họ bị vùi lấp ở dọc đường. Một số những người phu ấy, sau này được Việt Minh giác ngộ đã trở thành những tay súng cừ khôi chống lại thực dân Pháp và phát xít Nhật ngay tại đường đèo Bảo Lộc mà thủ lĩnh K’Kíu (dân tộc K’Ho) là nhân vật điển hình. Ông là người có sáng kiến bố phòng trận địa bằng bẫy đá và cây rừng từ trên đồi cao dội xuống, ông đã đi vào sử sách Lâm Đồng như một huyền thoại.
 
Sử liệu của Bảo Lộc thời cận đại ghi rằng: Ngày 9 tháng 11 năm 1945, Ban Chỉ huy Quân sự Việt Minh ở Nam Trung Bộ nhận định quân Nhật sẽ chiếm Đồng Nai Thượng qua đường 20 nên đã điều trung đội Mười Mè và vận động ông K’Kíu trấn giữ đường đèo. Lúc bấy giờ, trung đội chỉ có vài khẩu súng còn chủ yếu là cung tên, giáo mác. Ông K’Kíu từng là culi làm đèo Bảo Lộc, biết rõ vị trí nguy hiểm ở các tuyến đường cua tay áo. Vì vậy, ông đã vận động bà con dân tộc của mình cùng với bộ đội Mười Mè chất đá và cây rừng buộc trên địa hình cao, nơi có thể trực tiếp đổ xuống đường đèo và dùng hệ thống báo động bằng cách buộc các lon sữa bò (cách nhau 100m) kéo dài từ chân đến đầu đèo.
 
Đúng như nhận định, vào lúc 15 giờ ngày 11/11/1945, người Nhật đưa quân chiếm tỉnh Đồng Nai Thượng. Dẫn đầu là xe bọc thép cùng với 40 xe quân sự chở 300 lính. Đợi quân Nhật vào ổ phục kích, ông Mười Mè ra hiệu lệnh giật lon báo động. Từ trên cao, trận mưa gỗ, đá, lửa và cung tên lao thẳng xuống đường đèo cùng với tiếng reo hò, tạo thành một thế trận hỗn loạn. Trận ấy, nhiều lính Nhật bị tiêu diệt. Tuy nhiên, là một quân đội viễn chinh nhà nghề, quân Nhật đã đánh bọc hậu, trung đội trưởng Mười Mè hy sinh cùng với 20 đồng đội Kinh, Thượng. Ông K’Kíu sau này bị Pháp bắt. Họ đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, hăm dọa, nhưng vẫn không mua chuộc được người thủ lĩnh K’Ho tài trí này. Cuối cùng vào năm 1947, người Pháp đã xử bắn công khai tại Di Linh. Trước pháp trường, ông dõng dạc tuyên bố: “Tao không sợ chết! Tao chết nhưng đồng bào của tao còn sống tiếp tục đánh mày! Tao chết trước, mày sẽ chết sau!”…
 
Chiến công đường đèo năm 1945, ngoài quyết tâm giành độc lập dân tộc, còn thể hiện tinh thần đoàn kết chung lưng đấu cật giữa hai anh em Kinh - Thượng. Sự kiện ấy lại được tiếp nối trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1972, nữ anh hùng Lê thị Pha và hai đồng đội người K’Ho - Mạ khi chết cùng nằm chung một nấm mồ. Đường đèo còn lưu lại kỳ tích của các nhà tư sản dân tộc ở miền Nam đã tiếp tế lương thực, thuốc men cho quân giải phóng bằng những chuyến xe tải. Họ đã góp công, góp của vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 
 
Đèo Ngoạn Mục, đường về với biển
 
Đèo K’Rông K’Pa hay còn gọi Ngoạn Mục (tên tiếng Pháp là Belle Vue) cao 980m, dài 18km là ranh giới của Ninh Thuận và Lâm Đồng nằm trên quốc lộ 27 nối liền duyên hải với cao nguyên. Đây là một trong những con đèo thơ mộng và nguy hiểm. Thuật ngữ K’Rông theo tiếng Êđê là sông nước, K’Pa là tên riêng. Vậy K’Rông K’Pa có nghĩa là con sông Pa, nhưng người địa phương chuyển thành Sông Pha cho dễ phát âm. Còn người Pháp lúc khảo sát khai thông tuyến đường này, nhìn cảnh đèo nên thơ giữa biển và rừng nên đặt tên là Belle Vue mang nghĩa Việt là đèo Ngoạn Mục.
 
Theo tư liệu cũ: Sau khi bác sĩ Alexandre Yersin phát hiện ra Đà Lạt năm 1893, đến 1897, người Pháp quyết định biến cao nguyên này trở thành khu nghỉ dưỡng cho quân viễn chinh và viên chức Pháp tại Đông Dương. Theo kế hoạch ấy, Toàn quyền Doumer đã cử đại úy Thouars chỉ huy một nhóm khảo sát thực địa mở tuyến đường từ Phan Rang lên Đà Lạt dài 122km. Con đường được phác thảo theo hai lộ trình đường bộ và đường sắt răng cưa chạy gần nhau. Đến năm 1903, đường bộ được khai thông trước.
 
Hơn một thế kỷ trôi qua, đường đèo Sông Pha được nhiều lần nâng cấp qua các thời kỳ lịch sử. Hiện nay, quốc lộ 27, từ Ninh Sơn đến thị trấn Dran là con đường mới tu sửa khá đẹp, đoạn đường lãng mạn đầy chất thơ của dốc đèo, núi rừng hùng vĩ. 
 
Đèo sương giăng, đèo hoa
 
Đèo Hòn Giao còn có tên là Khánh Vĩnh 33km dài nhất Việt Nam (đèo Pha Đin 32km). Đây là con đèo nối liền 2 thành phố du lịch dài 140km vừa được đưa vào sử dụng cách đây vài năm.
 
Đường được khởi công ngày 20/4/2004 và chính thức hoàn thành giai đoạn 1 của tuyến đường vào ngày 24/7/2007. Đi trên tuyến đường này du khách sẽ có cảm giác lạ lẫm khi được tắm mình trong làn sương mờ ảo. Ở đây đến tám giờ sáng sương mù vẫn còn bao phủ và buổi chiều, khoảng ba, bốn giờ trở đi, sương mù sà xuống găng kín con đường.
 
Còn một con đèo vàng rực hoa dã quỳ nữa là đèo Prenn dài 11km thuộc thành phố Đà Lạt. Trong năm 2014, Hạt kiểm lâm vừa trồng thêm 200 cây mai anh đào, nâng số cây được trồng suốt chiều dài lên đến 7.000 cây. Rừng mai anh đào khổng lồ này kéo dài từ đầu đèo Prenn đến giáp ranh phường 3 (TP Đà Lạt). Mai đây ven con đèo sẽ phủ đầy hoa Anh Đào như tên gọi của thành phố năm xưa.
 
* * *
 
Tính từ năm 2004, cứ hai năm một lần, Lâm Đồng tổ chức Festival: Hoa Đà Lạt và Tuần Văn hóa Trà B’Lao. Năm nay, Tuần Văn hóa Trà tổ chức ngày 20/12 tại Tp.Bảo Lộc với chủ đề “Hương trà trên cao nguyên”. Tại vương quốc hoa này, hàng năm có 4 triệu người đến tham quan nghỉ mát… Không biết chủ và khách đi trên những con đèo thơ mộng vàng rực hoa dã quỳ kia, có ai biết được nỗi thống khổ của những người phu làm đường năm xưa cũng như những tiếng reo hò từ đỉnh núi cao thuở đánh Pháp, đuổi Nhật và chống Mỹ... nhưng chắc một điều là bạn và tôi, những người đang sống mỗi lần đến thành phố hoa Đà Lạt đều tự hào về những cung đường đèo được giữ gìn và tôn tạo đẹp hơn.
 
Ghi chép: Trần Đại