Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng

08:01, 08/01/2015

Phật giáo cả nước vừa tổ chức kỷ niệm 706 năm ngày nhập Niết bàn của Phật hoàng Trần NhânTông vào ngày 1/11 âm lịch. Từ năm 2013, đây là ngày Đại lễ giỗ chung của Phật giáo Việt Nam. Thành phố du lịch Đà Lạt thật tự hào có Thiền viện Trúc Lâm, một trong ba thiền viện phái Trúc Lâm lớn nhất ở Việt Nam, là địa chỉ du lịch tâm linh đứng đầu của thành phố du lịch. 

Phật giáo cả nước vừa tổ chức kỷ niệm 706 năm ngày nhập Niết bàn của Phật hoàng Trần NhânTông vào ngày 1/11 âm lịch. Từ năm 2013, đây là ngày Đại lễ giỗ chung của Phật giáo Việt Nam. Thành phố du lịch Đà Lạt thật tự hào có Thiền viện Trúc Lâm, một trong ba thiền viện phái Trúc Lâm lớn nhất ở Việt Nam, là địa chỉ du lịch tâm linh đứng đầu của thành phố du lịch. 
 
Trúc Lâm: Dòng thiền của Việt Nam  
 
Phương pháp hành trì của Trúc Lâm Việt Nam nghiêng nhiều về tín ngưỡng tôn giáo, mang một sắc thái chủ nghĩa quốc gia khá rõ. Càng tự hào khi tất cả những vị khai sáng ra Thiền tông này đều là những người có trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vong của quốc gia dân tộc Việt. Thiền tông Việt Nam dung hòa giữa lý tưởng quốc gia và lý tưởng tôn giáo, giữa đời và đạo, giữa cá nhân và tập thể; giữa khát vọng của tâm linh cá nhân với khát vọng chung của tập thể. Thành tựu về tư tưởng triết lý và tín ngưỡng tôn giáo của Thiền Trúc Lâm Yên Tử là sáng tạo một lối học và hành đặc sắc.
 
Ngoài các tiền bối mở đường như Thông Thiền, Tức Lự, Ứng Thuận, Trần Nhân Tông là người giữ vai trò lịch sử và tư tưởng quan trọng. Ngài ở ngôi vua 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 60 tuổi (băng hà ở am Ngọa Vân núi Yên Tử vào năm 1308). Ngài là vị vua đầu tiên có công khai phá, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển phồn thịnh, rực rỡ của triều Trần trong suốt 175 năm tồn tại. Sử gia Ngô Thời Sĩ từng viết về Ngài: “Vua là người khoan, nhân, có độ lượng đế vương; lập ra chế độ điển chương đã văn minh đáng khen”… Khai mạc tại Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Hà Nội, vào ngày 14/5/2008, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lúc đó đã khẳng định: “Đặc biệt lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi từ bỏ giàu sang, quyền quý, tìm đến nơi non cao Yên Tử để học Phật tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm, một dòng Thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay.”
 
Trần Nhân Tông luôn luôn chủ trương vận dụng sự học thực tiễn vào việc quốc gia để xã hội phát triển trong tinh thần tự chủ tự cường của dân tộc. Cùng đó, Ngài không bao giờ sao lãng sự tu luyện về yếu chỉ Thiền tông của đạo Phật. Do đó, Ngài đã xuất gia đầu Phật năm 14 tuổi, buông bỏ những nhỏ hẹp cá nhân để hướng tới cái đại thể của vũ trụ, mở đường cho Thiền Trúc lâm mà gốc tích khởi phát là núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. 
 
 Các Tăng, Ni và Phật tử đón Hòa thượng, Viện trưởng Thích Thanh Từ trở về Thiền viện
Các Tăng, Ni và Phật tử đón Hòa thượng, Viện trưởng Thích Thanh Từ trở về Thiền viện
 
Trúc Lâm Phụng Hoàng: Sức hút linh diệu    
 
Nằm cạnh hồ Tuyền Lâm, trên đồi Phụng Hoàng, Thiền viện Trúc Lâm có tổng diện tích 24 ha. Thiền viện do Hòa thượng (HT) Thích Thanh Từ khai sơn và Phật tử gần xa phát tâm cúng dường, khởi công 4/1993, khánh thành 2/1994. HT Thích Thanh Từ làm Viện trưởng, chủ trì Tăng và Ni là HT Thích Thông Phương và sư cô Như Tâm. Thiền viện chia làm 4 khu: ngoại viện, tịnh thất của Viện trưởng, nội viện Tăng và khu nội viện Ni. Ở mỗi khu có những công trình đặc biệt như chánh điện, nhà Tổ, thư viện, lầu trống, lầu chuông, thiền đường… Sau 20 năm thành lập, ngày 6/12 vừa qua, cạnh tịnh thất của HT Thích Thanh Từ khánh thành 2 công trình đặc biệt là Bảo Tháp Xá Lợi và Tôn Sư Tháp. Bảo Tháp Xá Lợi cao 19 mét, có hình chiếc bát úp, kiến trúc đồng tâm, vừa mô phỏng công trình ở Ấn Độ và Nhật Bản vừa tạo tác theo thẩm mĩ riêng của Trúc Lâm Phụng Hoàng. 4 mặt của Bảo Tháp Xá Lợi đặt 4 bức tượng theo cuộc đời của Phật: Đản sinh, Tạo Pháp, Thuyết Pháp, Nhập Niết. Tôn Sư Tháp là công trình nhằm tri ân công đức HT Thích Thanh Từ, trên đó đúc 7 chữ “Ma ha Bát Nhã Ba la mật” và những bài thơ của HT. Sư cô Như Nguyệt hoan hỉ: “Mỗi buổi chiều, khi mà tiếng trống Bát Nhã nổi lên từng hồi khoan nhặt hòa theo tiếng vọng chuông chiều, toàn thể đại chúng được cảm nhận ánh sáng rất sáng từ ngọn đèn trên Tôn Sư Tháp và ánh sáng nhẹ nhàng dịu dàng làm êm dịu lòng người từ và từ Bảo Tháp Xá Lợi, làm rạng rỡ lòng người trong những đêm trường tịch mịch…”.
 
Không gian Thiền viện luôn an lành. Trong rất nhiều loài cây quý có cả cây bồ đề thỉnh từ Ấn Độ do Công chúa Ấn Độ lấy từ cây mẹ ở chùa mang tặng; có cây me hàng trăm tuổi từ miền Tây Việt Nam do Phật tử cúng dường. Sơn thủy hữu tình, muôn hồng ngàn tía của các loài hoa, ríu ran của tiếng chim lẫn vào rừng thông… Yên bình, tĩnh lặng, chỉ có tiếng chuông ngân vào tâm người, tiếng chuông làm điểm tựa cho mỗi con người… 
 
Trúc Lâm Thiền viện không tổ chức du lịch, không đăng ký những kỷ lục, không viết sớ cũng chẳng có hòm công đức. Nhưng Thiền viện có sức cuốn hút mãnh liệt bậc nhất đối với du khách trong và ngoài nước. Bạch Thầy tri khách 1 Tĩnh Đàm, Thầy nói: “Đây là nơi tu tập của quý Thầy, ai đến cũng đón tiếp, ít nhiều vẫn cũng cái tâm đó thôi. Ai tu thì tu, ai lo Phật sự cho bá tánh thì lo. Thiền viện hài hòa 2 công việc…”.      
 
Cửa thiền: An trụ thức vô biên 
 
Điều mà HT Thích Thanh Từ trong bản thanh quy (nội quy) mong muốn là Tăng, Ni ở đây phải thực hiện cho được phép sống Lục hòa. Có vậy mới tu hành được thành đạt đạo quả, và là người hướng dẫn chỉ dạy cho Phật tử tu hành… HT, Viện trưởng đã gắng công tạo đủ duyên tốt cho Tăng, Ni tiến tu dễ dàng. Rất nhiều người thập phương ở Việt Nam phát nguyện đến Thiền viện nương Sư Ông để tu hành. Thiền viện còn có duyên lớn đối với nhiều người ngoại quốc hay Việt kiều từ Pháp, Mỹ, Anh, Úc, Đức, Israel…đến hành trì.  
 
Việt kiều Thật Pháp 72 tuổi vốn là Phật tử nhiều năm ở Úc, năm 2012, xuất gia xin vào Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng. Thầy Thật Pháp nói: Tôi là người Việt Nam, được trở về đất nước mình theo các Thầy thỉnh Pháp Thiền tông Việt Nam càng hoan hỉ mà giác ngộ. Một người Pháp - Thầy Thái Hội (tên khai sinh là Christophe Marion), sinh năm 1982. Ở Pháp, Marion học Yoga, Zen và các dòng đạo Phật nhưng lại rất mê Thiền tông Việt Nam. Vì vậy, Marion bỏ vị trí giám đốc trung tâm thể thao ở Pari để học 3 năm tiếng Việt. Năm 2010, đến Đà Lạt, Marion có duyên lớn với Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng. Năm 2012, Marion xuất gia và được ở lại Thiền viện tu tập. Thầy Thái Hội hoan hỉ: “Rất thích Thiền viện Trúc Lâm này vì Đà Lạt có khí hậu giống ở châu Âu. Thiền tông này lại không mê tín, rất hòa hợp. Giá trị nhất là có nhiều Thiền sư lớn chỉ bảo. Vì vậy rất muốn tu thiền lâu ở đây để nghe Pháp…”. 
 
Những ngày lễ trọng của Phật giáo có hàng ngàn Phật tử trong nước tựu về Thiền viện được thêm một lần tĩnh tâm buông xả. Hàng tháng, hàng trăm Phật tử được nghe Pháp của HT Thích Thông Phương và các Thầy, các Cô. Nương theo Phật là lành, ai cũng muốn quay lại tìm bờ an lạc…
 
MINH ÐẠO