Từ nội thành đến căn cứ thị ủy

08:01, 15/01/2015

Những ngày cuối năm 1970, trời Đà Lạt se lạnh, hoa dã quì nở rộ, vàng rực trong nắng mới trên những cánh rừng và dọc theo những con đường dẫn đến cổng Viện Đại học Đà Lạt. Những cây anh đào đã rụng hết lá bắt đầu bung những nụ hồng chuẩn bị đón xuân sang. Sinh viên đại học vừa thi xong những tín chỉ kết thúc môn học. Học sinh các trường trung học cũng vừa kết thúc học kỳ...

Những ngày cuối năm 1970, trời Đà Lạt se lạnh, hoa dã quì nở rộ, vàng rực trong nắng mới trên những cánh rừng và dọc theo những con đường dẫn đến cổng Viện Đại học Đà Lạt. Những cây anh đào đã rụng hết lá bắt đầu bung những nụ hồng chuẩn bị đón xuân sang. Sinh viên đại học vừa thi xong những tín chỉ kết thúc môn học. Học sinh các trường trung học cũng vừa kết thúc học kỳ. Lúc này thị xã Đà Lạt có 28.568 học sinh, trong đó có 10.700 học sinh trung học; riêng Trường Đại học Đà Lạt có 5.000 sinh viên từ khắp Miền Nam ghi danh theo học. Lực lượng sinh viên, học sinh chiếm trên 1/3 dân số Đà Lạt thời bấy giờ. Khí thế đấu tranh đốt đài phát thanh, làm chủ một nửa thành phố kéo dài 3 tháng liền của sinh viên, học sinh Đà Lạt từ năm 1966 vẫn còn nóng cho tới lúc này; khí thế cách mạng của cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968; chiến dịch TK đầu năm 1970 quân giải phóng đã lọt vào đến trung tâm thành phố Đà Lạt, cùng với phong trào phản đối chế độ quân sự học đường trên toàn miền Nam Việt nam, dẫn đến cuộc biểu tình đốt phòng quân sự tại trường đại học... Những sự kiện trên diễn ra liên tiếp chỉ trong vòng hơn 4 năm, từ năm 1966 đến 1970 đã hun nóng phong trào cách mạng của nhân dân và sinh viên, học sinh Đà Lạt. Nhưng cũng chính từ những sự kiện hào hùng đó đã làm cho chính quyền Sài Gòn phản ứng quyết liệt, chúng huy động cả lực lượng cảnh sát chìm, cảnh sát công khai, cảnh sát dã chiến, mật vụ, Phượng hoàng, Thiên nga... ra sức truy lùng bắt bớ, đàn áp, khủng bố ngày đêm. Nhiều tổ chức bí mật bị vỡ; nhiều đảng viên, đoàn viên bị bắt, bị tù; nhiều cơ sở bị lộ không bám phong trào được nữa  đã thoát ly ra rừng trực tiếp cầm súng chiến đấu; cơ sở cách mạng trong trường học hầu như bị xóa trắng! Thị ủy Đà Lạt chủ trương tái thâm nhập, phát hiện nhân tố mới, xây dựng lại cơ sở, lập lại thế cờ, tiếp tục nắm lấy phong trào chính trị trong sinh viên, học sinh, một phong trào bề nổi rất dễ nổ ra, mà một khi đã nổ ra thì nó có tác động lớn trong xã hội cũng như tạo dư luận rộng rãi cả trong nước và quốc tế. 
 
Ảnh: TL
Ảnh: TL
 
Trước tình hình đó, một sự kiện quan trọng có ý nghĩa tích cực hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của giới trẻ trường học trên thành phố cao nguyên! Đại hội sinh viên Phật tử toàn miền Nam Việt Nam diễn ra từ ngày 27 đến 29 tháng 12 năm 1970 tại giảng đường chùa Linh Sơn Đà Lạt với sự tham gia của tất cả các viện đại học miền Nam bấy giờ bao gồm: Đại học Sài Gòn, đại học Vạn Hạnh, Đại học Cần Thơ, Đại học Huế và Đại học Đà Lạt. Các hoạt động của đại hội diễn ra trên diện rộng, từ giảng đường Linh Sơn đến viện đại học, tỏa ra các đường phố, tác động đến các trường trung học, nơi đâu cũng vang lên những bài ca tranh đấu của hàng ngàn sinh viên, học sinh. Đêm đêm diễn ra các chương trình văn nghệ của lực lượng sinh viên ca ngợi truyền thống yêu nước, ca ngợi kháng chiến cứu nước, lên án văn hóa ngoại lai đồi trụy, lên án Mỹ và chính quyền Sài Gòn đem bom đạn gieo rắc đau thương, tang tóc trên khắp quê hương nước Việt. Nhà cầm quyền Đà Lạt theo dõi sát các hoạt động của đại hội, chúng yêu cầu thay đổi nội dung pandrol:  “ĐẠI HỘI SINH VIÊN PHẬT TỬ MIỀN NAM VIỆT NAM”  bằng câu: “ĐẠI HỘI SINH VIÊN PHẬT TỬ VIỆT NAM” với lý sự rằng “các bạn là những sinh viên sống và học tập dưới chính thể Việt Nam cộng hòa, là một quốc gia độc lập hẳn hoi”. Nhưng sinh viên thì cho là: “Bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng biết rằng đây chỉ là miền Nam Việt Nam - một nửa đất nước Việt Nam yêu quí của chúng ta mà thôi”. Ngầm ý muốn nói là chúng tôi không thừa nhận cái chính thể VNCH của các ông và ý cũng muốn gọi như thế cho nó gần gũi với tên gọi “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”, một tên gọi có tính hiệu triệu mạnh mẽ và đã ăn sâu vào ký ức của lớp trẻ miền Nam một thời. Đêm 28/12, đại tá tỉnh thị trưởng Tuyên Đức - Đà Lạt, Nguyễn Hợp Đoàn đã đến dự khán chương trình văn nghệ sinh viên liên viện cho đến vở diễn “Tiếng trống hào hùng” ca ngợi truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc và hoạt cảnh “Thảm sát Mỹ Lai” diễn lại cảnh quân đội Mỹ tàn sát trên 500 người dân vô tội phần lớn là phụ nữ và trẻ em ở một vùng quê thuộc tỉnh Quảng Ngãi; những bóng đen xuất hiện, những tiếng nổ man rợ, những con người gục ngã, những xác người chồng lên nhau, những tiếng thét trên sân khấu xuyên thấu vào tim đã kích động cả ngàn sinh viên, học sinh trong và ngoài giảng đường dậy lên những tiếng hô “đả đảo quân giết người!” vang động trong đêm lạnh. Nguyễn Hợp Đoàn không chịu nổi đã đứng dậy bỏ ra về mà không một cử chỉ chào hỏi!
 
Kết thúc đại hội, mà thực chất là một đợt biểu dương lực lượng, biểu thị ý thức chính trị của tuổi trẻ trường học toàn miền Nam trên thành phố cao nguyên, đại hội đã ra tuyên ngôn gồm 9 điểm khá mạnh mẽ, nâng khẩu hiệu đấu tranh lên một mức mới cao hơn, trong đó có mấy điểm đáng chú ý mà báo chí trong nước và nước ngoài lúc bấy giờ đã phân tích đậm nét khi đưa tin: “Sự hiện diện của Mỹ và đồng minh của họ tại miền Nam Việt Nam là sự nối tiếp con đường xâm lăng của Pháp tại bán đảo Đông Dương trước đây” (điểm 3 của tuyên ngôn); “Những nhà cầm quyền kế tiếp tại miền Nam Việt Nam không thực sự đại diện nhân dân miền Nam Việt Nam mà chỉ dựa vào thế lực ngoại bang để tồn tại” (điểm 4); “Toàn quân đội ngoại quốc phải rút tức khắc, vô điều kiện ra khỏi miền Nam Việt Nam... để nhân dân miền Nam Việt Nam giải quyết chiến cuộc  trên tinh thần dân tộc, tự quyết” (điểm 6); Phải có một chánh phủ đại diện đa số nhân dân miền Nam Việt Nam trước khi có tổng tuyển cử, để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định chế độ chánh trị của mình” (điểm 7); “Kêu gọi các đoàn thể chánh trị, đồng bào, sinh viên học sinh trong và ngoài nước hành động tích cực nhằm chấm dứt chiến tranh để đem lại hòa bình, thống nhất, độc lập cho Việt Nam” (điểm 9)...
 
Buổi chia tay đầy lưu luyến và hứa hẹn thống nhất hành động giữa các trường đại học miền Nam. Họ trao nhau lưu bút phần lớn gửi cho nhau những câu tâm huyết: “American go hom!” (Mỹ cút về nước!), “Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập muôn năm!” hoặc “Mình tự hào về bạn, hẹn gặp nhau trên đường tranh đấu!” và có cả những lá thư tình gửi vào lưu bút của ai đó…
 
Tại căn cứ Thị ủy Đà Lạt đặt giữa khu rừng đại ngàn ở dốc Quế, trong một căn lều dã chiến, đồng chí Bí thư Thị ủy tóc trắng như cước tuy ông mới ở độ tuổi trung niên, và đồng chí Trưởng ban an ninh thị đang chăm chú đọc báo cáo và xem các văn bản, tài liệu của Đại hội sinh viên Phật tử miền Nam Việt Nam từ nội thành gửi ra. Ngừng tay, hai ông bưng ca nước trà bằng nhôm đã nguội ngắt tự bao giờ, hớp một ngụm trà nguội đồng chí bí thư mỉm cười ánh mắt thật vui: “Anh Tư thấy sao?”. “Tốt quá rồi anh Ba! Chúng ta sẽ cho người tiếp cận các nhân tố tích cực theo báo cáo của cơ sở nội thành, kéo ra rừng huấn luyện và lập lại tổ chức bí mật trong sinh viên học sinh, lần này lấy Trường Đại học Đà Lạt làm cơ sở chính, từ đó thâm nhập dần ra toàn thành phố”. Hai ông ngồi uống trà, đàm đạo khá lâu, khá hứng thú và thống nhất nhận định: “Một, Đại hội sinh viên Phật tử miền Nam Việt Nam đã thổi thêm một luồng sinh khí mới cho thành phố, nung nấu tinh thần tuổi trẻ sẵn sàng dấn thân.
 
Hai, sự kiện tháng 12/1970 được xem như một cuộc tập dượt tổ chức phong trào đấu tranh có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để đẩy lên thành cao trào cho những năm sau.   
 
Ba, qua đợt này đã xuất hiện những sinh viên tỏ rõ lòng yêu nước, dám hành động. Sau khi thẩm tra và thử thách tốt chúng ta sẽ xây dựng thành những đoàn viên, đảng viên bí mật, trực tiếp chỉ đạo phong trào nội thành”. 
 
Một chiều rừng cao nguyên mưa ướt át, gió vần vũ trên những ngọn thông già, con suối dưới chân đồi no nước réo ầm ĩ. Trong căn lều được lợp bằng tấm nilon đi mưa, năm anh chị em sinh viên Đại học Đà Lạt đang ngồi chuyện trò vui vẻ với các anh trong đội công tác. Họ, những người vừa tổ chức chỉ đạo thành công đợt đấu tranh chống trò hề bầu cử tổng thống độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu kéo dài gần nửa tháng, chủ trì gần chục cuộc hội thảo với chủ đề “Thanh niên với hiện tình đất nước”; “Nhận định về cuộc bầu cử tổng thống độc diễn”... Vận động hàng ngàn sinh viên, học sinh và đồng bào Đà Lạt xuống đường biểu tình suốt tuần liền với các bài ca tranh đấu và các khẩu hiệu “Đả đảo bầu cử bịp bợm!”; “Đả đảo xâm lược và tay sai!”... Rải hàng ngàn tờ truyền đơn khắp thị xã kêu gọi lãng khóa, đình công, bãi thị tẩy chay trò hề bầu cử độc diễn phi dân chủ! làm cho ngày bầu cử tổng thống của nền đệ nhị cộng hòa diễn ra tẻ nhạt, hài hước. Chỉ có lính, công chức và cảnh sát đi bỏ phiếu là chính, thị xã đầy dây kẽm gai, lính tráng, xe bọc thép và súng đạn. Họ, những người vừa thoát ra từ khói đạn cay, dùi cui, ma trắc, và cả nhà tù, vượt qua hàng chục trạm kiểm soát, vượt qua trùng vây của cảnh sát, mật vụ chìm nổi các loại, ra điểm hẹn (bàn đạp) gặp đội công tác đón về tới căn cứ thị ủy. Anh chị em vẫn còn mặc chiếc quần tây mà hàng ngày họ vẫn mặc trên ghế giảng đường đại học, áo blouson sẫm màu kéo kín cổ, đi giày bata, đội nón tai bèo của các anh trong đội công tác mới vừa cho mượn, và tấm khăn dù hoa che hầu hết khuôn mặt chỉ chừa lại 2 con mắt. Anh Dương đội trưởng đội công tác sinh viên, học sinh nói vui: “Mất 2 ngày lội suối băng rừng, mưa ướt rồi nắng khô về đến căn cứ thị ủy anh em vẫn sung sức! Vừa rời giảng đường đã vượt rừng như vậy là khỏe lắm! Hy vọng sẽ chịu đựng được hết mùa chinh chiến này đó nghe”. Mọi người cười vui vẻ chuyện trò thân thương trong không khí ấm tình kháng chiến giữa cơn mưa chiều mỗi lúc càng nặng hạt! A Dương dặn dò: “Các em chịu khó giữ khăn che mặt cho đến tối để đảm bảo bí mật nhé”. Trời chiều xuống nhanh giữa khu rừng già ven  thị xã, nơi đặt căn cứ thị ủy, nơi đưa ra những chỉ đạo xuyên thấu vào các tổ chức bên trong nội thành Đà Lạt. Trong bóng rừng chiều xuất hiện hai người choàng nilon đội mưa đi vào căn lều đón khách. Anh Dương đứng lên đón và giới thiệu: “Chú Ba và chú Tư đến thăm anh em mình đó”. Cởi tấm đi mưa, vuốt tóc và rũ mấy giọt nước trên áo, chú Tư cười rạng rỡ: “Bỏ khăn che mặt ra để mấy chú được chiêm ngưỡng các chiến sĩ nội thành coi nào”, mọi người đứng dậy cởi khăn và: “chào chú Ba, chào chú Tư”; Sau khi hỏi tên, hai ông ôm chầm từng người vỗ vỗ lưng nói trong xúc động: “Giỏi lắm! các cháu giỏi lắm!”. Tiếng cười nói rôm rả, trong khi chú Ba hỏi chuyện và nghe anh em kể về những ngày đấu tranh trong thành phố, thì chú Tư vừa mở xắc cốt lấy gói thuốc capstan và lon guigoz đựng sữa cô đặc lại với đậu phộng rang vừa nói: “Có quà để đón khách đây nhé”. Một không khí chan hòa ấm áp tình cha con trong căn lều nhỏ giữa cơn mưa rừng lạnh ngắt, mịt mù ở bên ngoài.
 
Sau hai tháng học tập về chính trị; về phương thức hoạt động trong thành phố; cách tiến hành năm bước công tác; được hướng dẫn cách tiếp cận, thu lượm và khai thác tin tức từ đối phương, cũng như cách phát hiện ra những kẻ hoạt động tình báo, mật vụ của địch để đề phòng... Năm anh em được kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam, hình thành chi đoàn và nhận lệnh tất cả quay trở lại thành phố!  Để đảm bảo an toàn, tránh con mắt nghiệp vụ tinh tường của mạng lưới tình báo, mật vụ, chú Tư dặn kỹ: “Các cháu không được về thẳng Đà Lạt mà khi ra đến đường Hai mươi thì đón xe đò về Sài Gòn, đi Cam Ranh, Nha Trang hoặc đi đâu đó về xứ nóng, tắm biển cho đen da trở lại sau thời gian ở rừng, xóa hết những dấu vết do vắt cắn, muỗi rừng, ruồi vàng đốt trên người, sau đó trở về Đà Lạt công khai trong tư thế là sinh viên đi du ngoạn ở xa về lại trường”. Sau khi thống nhất các hình thức thiết lập hộp thư, tổ chức đường dây giao liên, họ chia tay nhau, từng người một lần lượt rời căn cứ trong những đêm tối trời.   
 
Từ nội thành Đà Lạt đến căn cứ thị ủy, con đường lắm bom mìn, thường xuyên gieo rắc cái chết dưới những cánh rừng, trên những đám ruộng cày! Con đường xuyên qua bao nhiêu trạm kiểm soát, ổ phục kích, luôn có máu và gạo trộn lẫn vào nhau trong những đêm đột ấp! Nhưng vẫn giữ vững đường dây chuyển báo cáo ra căn cứ, đưa thư chỉ đạo vào thành phố và vẫn đưa đón khách đi lại hằng đêm. Con đường đó một thời đã tin rằng sẽ dẫn đến một thiên đường cho dân cho nước mai sau!...
 
Trọng Hoàng