Nhớ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3

08:04, 23/04/2015

Giỗ Tổ Hùng Vương từ rất lâu đã trở thành ngày lễ trọng đại của cả dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, người Việt Nam đều nhớ ngày Giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Tổ - Đền Hùng, xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ; điểm hội tụ văn hóa tâm linh của người Việt Nam

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”
 
Câu ca dao trên đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là thủy tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng và lễ hội Đền Hùng trở thành ngày Giỗ Tổ của người dân Việt Nam. Vậy nguồn gốc của ngày Giỗ tổ như thế nào là điều mọi người Việt Nam đều rất quan tâm. 
 
Rước kiệu về Đền Thượng trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu du lịch thác Prenn năm 2014 - Ảnh: VĂN BÁU
Rước kiệu về Đền Thượng trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu du lịch thác Prenn năm 2014
Ảnh: VĂN BÁU

Theo những tài liệu hiện còn lưu lại và những nghiên cứu cho thấy, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán - An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng bước xác lập “ngọc phả” về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với đất nước. Năm 986 dưới triều Lê Đại Hành, có bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền, lần đầu trong lịch sử xuất hiện tài liệu ghi chép một cách tường tận, chi tiết về 18 đời Vua Hùng, sau được sao lại vào năm Khải Định thứ 4 (1919). Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”. Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ và họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính. 
 
Vậy, việc mở hội đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mồng Mười tháng Ba có từ bao giờ? Hiện nay, chỉ có các bia kí, đặc biệt là hai tấm bia ở Đền Thượng trên núi Hùng, có nội dung đề cập về lịch sử ngày Giỗ Tổ. Tấm Hùng miếu điển lệ bi do Hội đồng Kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập năm Khải Định thứ 8 (1923) có hai phần: Phần thứ nhất, chép lại công văn của Bộ Lễ triều Nguyễn, ngày 25 tháng bảy năm Khải Định thứ nhất (1917) gửi các vị ở phủ viện đường đại nhân tỉnh Phú Thọ: “Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có miếu lăng phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm, cả nước đến tế, thường lấy kì mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày Mười Một tháng Ba, kết hợp với thờ thổ kỳ, làm lễ riêng… (Sự thể này dẫn tới chỗ) thường hứng bất kì, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi… (Vì thế) cẩn thận định lại rằng, từ nay về sau, lấy ngày mồng Mười tháng Ba, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái…”.
 
Phần thứ hai của văn bia dành cho việc quy định Nghi lễ ngày hội kỷ niệm hằng năm (Đệ niên kỉ niệm hội nhật lễ nghi) với những câu như sau: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”.
 
Theo tấm bia Hùng Vương từ khảo (đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng) do tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) viết: “Trước đây, ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hàng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Qua đây cho thấy, từ xa xưa, lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được tiến hành vào mùa thu, được diễn ra hàng tuần và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương trên Đền Thượng. Đến năm 1917, triều đình nhà Nguyễn mới có quy định chính thức lấy ngày mồng Mười tháng Ba hàng năm làm ngày “quốc tế” (quốc lễ, quốc giỗ). Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp. Những năm hội chính phần lễ gồm: Tế lễ của triều đình sau đó là phần lễ của dân; còn phần hội gồm các trò chơi dân gian và đặc biệt là các đêm hát xoan, hát ghẹo là hai làn điệu dân ca độc đáo của vùng đất Châu Phong. 
 
Múa mừng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Thanh Toàn
Múa mừng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Thanh Toàn

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng - Giỗ Tổ. Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22 về những ngày nghỉ tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Lần đầu sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Người đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Những lần về thăm Đền Hùng Bác thường nhắc nhở: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”. Ban Bí thư Trung ương Đảng ra thông báo Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ lớn trong năm; Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch); Chính phủ ban hành Nghị định về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào các năm: Năm chẵn (có chữ số cuối cùng là “0”); Năm tròn (có chữ số cuối cùng là “5”); Năm lẻ (là năm có các chữ số cuối cùng còn lại). Theo các văn bản này, lễ Giỗ Tổ được tổ chức vào Ngày Quốc giỗ mồng 10 tháng 3 âm lịch tại nơi thờ tự chính thức của các Vua Hùng - Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ. Trong ngày lễ này, nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài có thể hành hương về miền Đất Tổ để cúng giỗ. Còn tại các đền thờ Vua Hùng và những nhân vật có công với đất nước dưới thời đại Hùng Vương, cộng đồng người Việt ở trong nước cũng như ở nước ngoài, tùy theo điều kiện, con cháu có thể tổ chức nghi thức giỗ vọng, cùng hướng về nơi đặt đền thờ các Vua Hùng để tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn chung của cả dân tộc. 
 
Giỗ Tổ Hùng Vương từ rất lâu đã trở thành ngày lễ trọng đại của cả dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, người Việt Nam đều nhớ ngày Giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Tổ - Đền Hùng, xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ; điểm hội tụ văn hóa tâm linh của người Việt Nam, nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.                        
 
Khánh Linh