Tài liệu lưu trữ ở Đà Lạt qua ghi chép của Ralph Smith

09:01, 21/01/2016

Trong bài viết "Sino-Vietnamese Sources for the Nguyen Period", Tư liệu Hán - Nôm thời Nguyễn" của Ralph Smith, có nghiên cứu về tư liệu Hán Nôm của triều Nguyễn, trong đó có một phần nói về tài liệu ở Đà Lạt, nguyên nhân và số lượng các tài liệu được chuyển lên Đà Lạt.

Trong bài viết “Sino-Vietnamese Sources for the Nguyen Period”, Tư liệu Hán - Nôm thời Nguyễn” của Ralph Smith, có nghiên cứu về tư liệu Hán Nôm của triều Nguyễn, trong đó có một phần nói về tài liệu ở Đà Lạt, nguyên nhân và số lượng các tài liệu được chuyển lên Đà Lạt. Nhận thấy, đây là những thông tin bổ ích, nên chúng tôi xin được lược dịch những đoạn có ghi chép về tư liệu lưu trữ ở Đà Lạt, từ đó để thấy được tầm quan trọng của thành phố Đà Lạt đối với việc tiếp nhận và bảo quản thư tịch của triều Nguyễn. Tư liệu Hán Nôm được đưa lên Đà Lạt theo Ralph Smith gồm có mộc bản, địa bạ và châu bản.
 
Trước năm 1945, Huế chính là trung tâm của các nguồn tư liệu gốc về tất cả các giai đoạn của lịch sử Việt Nam và cũng được coi là cái nôi của các tài liệu chữ Hán. Vào năm 1942, một nhóm chuyên viên lưu trữ do P.Boudet và Ngô Đình Nhu dẫn đầu đã nỗ lực hoàn thành bản danh sách các cuốn sách và các tư liệu lịch sử ở Huế. Cũng trong thời gian này, ngoại trừ những tư liệu quý giá nhất thuộc về triều đình thì tất cả đều được chuyển tới Viện Văn hóa mới ngay bên ngoài cổng phía đông của nội đô. Nhưng tất cả những tư liệu này đã bị phá hủy bởi các sự kiện diễn ra vào tháng 7/1945. Trong khoảng thời gian đó, thư viện và các tài liệu lịch sử không được bảo vệ và đã phải chịu những tổn thất nặng nề, thậm chí một số tài liệu được sử dụng để bọc gói ở các chợ địa phương. Cuối cùng khi quân Pháp tiến vào thủ phủ thì cung điện nguy nga đã bị đốt cháy và các tài liệu quý giá ở đó dường như bị phá hủy hoàn toàn. Khi có đề nghị về việc khôi phục lại thì ước tính khoảng 3/4 các tư liệu có ở năm 1942 đã bị mất không gì có thể bù đắp nổi.
 
Chỉ đến năm 1955 những hành động cụ thể mới được tiến hành, khi mà ông Bùi Quang Tùng có đề cập với Viện Viễn Đông Bác Cổ về tình trạng các tài liệu lưu trữ ở Huế và nhận thấy rằng chúng cần được phục hồi. Cuối cùng vào năm 1959, dưới sự giúp đỡ của trường đại học Huế, hiệu trưởng lúc đó là Cao Văn Luận, Hội đồng dịch tư liệu lịch sử Việt Nam đã được thành lập. Vào tháng 7 năm đó, những cuốn sách và tài liệu lịch sử còn lại được chuyển từ Viện Văn hóa tới một tòa nhà gần thư viện trường Đại học và ngay sau đó Hội đồng bắt đầu công việc phân loại, rồi sắp xếp và ghi chúng vào mục lục dưới sự chỉ đạo của tổng thư ký- giáo sư Chen Ching-Ho (Trần Kinh Hòa). Công việc này vẫn tiếp tục cho tới năm 1963 và một phần thành quả được công bố dưới sự giúp đỡ của Quỹ châu Á (Asia Foundation).
 
Các nhà chức trách lo ngại sự ảnh hưởng của khí hậu ẩm ở Huế đối với các tài liệu nên phần lớn những tài liệu đó được chuyển tới vùng núi Đà Lạt vào năm 1961, chúng vẫn còn cho tới ngày nay. Chỉ những cuốn sách đang được dịch thì được lưu trữ ở Huế. Vì thế, Đà Lạt đã trở thành trung tâm quan trọng của các tư liệu gốc triều Nguyễn cũng như những tài liệu lịch sử quý giá nhất.
 
Những tác phẩm quan trọng thực tế đều được biên soạn ở Huế. Bản gốc của những cuốn sách này được in bằng giấy chất lượng tốt. Việc lưu hành chỉ giới hạn với những thành viên của gia đình quý tộc và những quan lại có địa vị. Dĩ nhiên những bản sao này rất hiếm. Mộc bản hầu hết được lưu trữ trong cung và trong thời kỳ Pháp bảo hộ thì có nhiều bản sao khác nữa nhưng chỉ sử dụng giấy thường. Những bản sao này được lưu hành rộng rãi với thực dân Pháp và người Việt Nam, trong đó, một số cuốn được giữ ở nhiều thư viện trên khắp cả nước. Ngoài ra, ở Đà Lạt vẫn còn một số lượng lớn mộc bản mà một ngày nào đó chúng sẽ được sử dụng để tái bản những tác phẩm quan trọng, ở đây cũng có hàng trăm bản in gốc do các bậc đế vương thu thập. Ngoài tất cả những cuốn sách của triều đình như thế này thì cũng vẫn có những cuốn được viết và in một cách bí mật.
 
Châu bản triều Nguyễn là một phần những văn kiện điều hành đất nước, là những bản tấu sớ được Nội Các dâng lên vua, sau đó vua sẽ châu điểm hoặc châu phê, châu khuyên hay châu mạt.
 
Các thủ tục mà Nội Các phải tuân thủ trong quá trình gửi những bản tấu lên vua vô cùng phức tạp, song những thủ tục này đã được giáo sư Chen viết rất chi tiết dưới thể loại Hội Điển. Đáng chú ý là châu bản có hai loại bản ghi khác nhau, một là tấu từ các địa phương hoặc là từ quan lại, bộ ban của thủ phủ; hai là dụ, chỉ, chiếu mà Nội Các phác thảo cho vua và chỉ có hiệu lực sau khi được chính vua ban.
 
Theo quy định mỗi văn bản này đều phải có ba bản. Trong đó, bản gốc sẽ được lưu trữ cùng với những tài liệu lịch sử ở Nội Các, một bản được gửi tới bộ hoặc cơ quan liên quan ở địa phương, bản còn lại được gửi tới Quốc Sử Quán để sử dụng như tài liệu tham khảo. Có khi các tài liệu đang được sử dụng không rõ là bản nào trong ba bản đó nhưng có lẽ phần nhiều đều là bản được giữ ở Quốc Sử Quán, song cũng có khi đó là những bản gốc. Số châu bản hiện có được xếp thứ tự theo năm. Đối với mỗi năm, việc sắp xếp sẽ theo bộ hoặc ban liên quan. Trong tổng số 611 tập được sắp xếp thì 139 tập đầu là của giai đoạn 1802-1847 (hầu hết là ở thời vua Minh Mạng). Có 352 tập dưới thời vua Tự Đức, 120 tập còn lại chủ yếu là giai đoạn 1884-1918 nhưng có 2 tập ở thời vua Bảo Đại (đều liên quan đến giai đoạn 1932-1933). Những tập đầu được nhóm của giáo sư Chen Ching-Ho (Trần Kinh Hòa) bắt đầu ghi vào danh mục, sau đó một phần được dịch vào năm 1959. 
 
Có một số phần của những bản ghi chép này được dịch sang tiếng Pháp. Ví dụ như Hội trường lịch sử đã trưng bày một loạt 25 văn bản của Quốc Sử Quán ở Huế vào cuộc triển lãm năm 1942 tại Sài Gòn. Các văn bản này có đề cập tới các địa phương của Nam Kỳ trong những năm 1833-1852 và bản tóm tắt ngắn gọn bằng tiếng Pháp đã xuất hiện trong danh mục của Liên đoàn nghiên cứu Đông Dương về những vật mang giá trị lịch sử được triển lãm. Ngay trước đó trong quá trình nghiên cứu về Phan Thanh Giản, P.Daudin và Lê Văn Phúc đã cho xuất bản được khá nhiều tư liệu của Quốc Sử Quán dưới các bản dịch bằng tiếng Pháp. Và có lẽ như vậy thì một số châu bản bị mất thực tế cũng từng được dịch.
 
Vào năm 1942, một bộ sưu tập lớn địa bạ được phát hiện ra đang được lưu trữ ở Tàng Thơ Lầu, ở bên ngoài nội đô nhưng vẫn thuộc kinh thành Huế. Đây là tư liệu lịch sử về 6 bộ của chính quyền trung ương. Tòa nhà này giờ vẫn còn nhưng được sử dụng cho mục đích quân sự. Địa bạ đã được di chuyển vào sau năm 1945 cho dù rất nhiều tập bị phá hủy bởi những sự kiện tháng 7/1945, các tập địa bạ giờ vẫn còn thì được lưu trữ cùng với châu bản ở Đà Lạt.
 
Địa bạ là sổ ghi chép ruộng đất của một đơn vị hành chính, mỗi địa bạ là một mô tả về một làng hoặc xã được ban hành bởi bộ Hộ theo từng thời kỳ. Với việc một bản sao luôn được gửi tới bộ thì chắc chắn sẽ có bản ghi đầy đủ về tất cả các làng xã của Việt Nam được lưu trữ ở Huế. Tuy nhiên, bây giờ chỉ còn rất ít, song như vậy vẫn đủ cho công việc nghiên cứu. Ở Đà Lạt có 191 tập địa bạ được phân loại theo tỉnh như sau:
 
Bắc Kỳ: 10 tỉnh: 62 tập
 
Trung Kỳ: 12 tỉnh: 120 tập
 
Nam Kỳ: 6 tỉnh: 9 tập
 
Các tỉnh được đề cập tới nhiều là Bình Định (40 tập), Quảng Nam (36 tập) và Thanh Hóa (16 tập). Tuy nhiên, những con số này chỉ ra được số lượng tập địa bạ, không cho biết được số lượng các làng được nhắc tới, bởi vì dù có thể so sánh được kích thước các tập địa bạ với nhau nhưng trong mỗi tập lại có số lượng về việc đo đạc ruộng đất khác nhau, tùy thuộc vào quy mô mỗi làng. 
 
Trên cơ sở điều tra kê cứu địa bạ thì mỗi làng xã có một bản gốc chính (có thể là hai), trên đó có ít nhất một phê chuẩn về thời gian. Khoảng thời gian đó trên các tập gốc được sắp xếp từ tháng 6/1805 tới 1840. Tập đầu tiên dưới thời vua Gia Long vào tháng 6/1805 viết về các làng 9 tỉnh của Bắc Kỳ và được người kế vị (vua Minh Mạng) phê chuẩn vào năm 1830. Trong đó có 4 tỉnh có thêm các tập địa bạ khác được biên soạn trong những năm 1837-40 được tìm thấy. Tám tỉnh Trung Kỳ trải dài từ Quảng Bình tới Phú Yên cũng được vua Gia Long cho lập bản đồ năm 1810-18, những tập địa bạ này được vua Minh Mạng phê chuẩn vào khoảng năm 1830. Các tỉnh còn lại của Bắc Kỳ thì dường như không có tập địa bạ nào ở thời vua Gia Long. Tập địa bạ được lập từ năm 1831- 1833 đề cập tới 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Ninh Bình). Đối với Bình Thuận và 6 tỉnh của Nam Kỳ (lúc này dân cư ở đây vẫn rất thưa thớt) thì bộ địa bạ đầu tiên và duy nhất được lập vào năm 1836 sau khi đánh bại cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi. Trong thời vua Thiệu Trị và Tự Đức dù nhiều tập địa bạ có bản ghi phê chuẩn năm 1873 nhưng hầu như không có bộ địa bạ mới nào và ở tỉnh Thừa Thiên tất cả địa bộ đều được phê chuẩn bởi vua Thành Thái vào năm 1903.
 
Giống như châu bản mỗi tập địa bạ đều có ít nhất ba bản, nhiều bản sao được lưu trữ ở các xã, tỉnh. Tuy nhiên, ngày nay rất khó để các sử gia có thể tìm thấy những bản sao địa bạ ở địa phương, song cũng đã có những tập được tìm thấy trong các bộ tư liệu lịch sử ở bên ngoài Đà Lạt. Một số lượng lớn được thu thập bởi Viện Bác cổ, trong đó có một số được để dưới dạng microfilm và một số lượng nhỏ liên quan tới tỉnh Quảng Trị được phát hiện ra ở trong công trình nghiên cứu của Cadiere ở tu viện Thiên An. Nhưng những tập tư liệu này vẫn chưa đáng kể gì so với toàn bộ tư liệu có ở Đà Lạt.
 
Như vậy, qua nghiên cứu ghi chép của Ralph Smith, thì tài liệu Hán Nôm được bảo quản ở Đà Lạt đều là những tài liệu quan trọng của triều Nguyễn. Thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Lạt khí hậu mát mẻ quanh năm, lại không bị lụt lội, thiên nhiên khắc nghiệt để ảnh hưởng đến tài liệu, vì vậy, nơi đây đã được chọn để bảo quản tài liệu này. Ngày nay, những tài liệu châu bản và địa bạ đã được chuyển đi lưu trữ ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đà Lạt chỉ còn bảo quản mộc bản. 
 
Tài liệu tham khảo:
 
Ralph Smith, “Sino-Vietnamese Sources for the Nguyen Period: An Introduction”, Bulletin of the School for Oriental and African Studies, 1967, pp. 600-621.
 
HUY KHUYẾN