Tết Nguyên đán năm Bính Thân trong thơ Minh Mệnh

09:02, 18/02/2016

Vua Minh Mệnh (1820 - 1840), đã để lại cho kho tàng thơ văn đồ sộ trong nền văn học Việt Nam. Về thơ Ngự chế có gần 4000 bài, về văn có hàng ngàn bài. Theo ý của vua Minh Mệnh, mặc dù làm thơ, văn nhiều, nhưng đa phần những thơ văn đó làm ra cốt để "ngâm ra để nói chí mình thôi". 

Vua Minh Mệnh (1820 - 1840), đã để lại cho kho tàng thơ văn đồ sộ trong nền văn học Việt Nam. Về thơ Ngự chế có gần 4000 bài, về văn có hàng ngàn bài. Theo ý của vua Minh Mệnh, mặc dù làm thơ, văn nhiều, nhưng đa phần những thơ văn đó làm ra cốt để “ngâm ra để nói chí mình thôi”. Vua đánh giá cao vai trò của thơ, cũng như thơ của đế vương làm ra chỉ cốt để: “Thơ là để rèn luyện linh tính còn hơn cái sở thích khác. Nhưng việc học của đế vương khác với thư sinh, dẫu trong khi ngâm vịnh, cũng có ngụ ý làm chủ nước, yêu nuôi dân. Nếu không thế, cũng là một văn sĩ thôi, thì có quý gì”(1). Trong năm Bính Thân theo sử sách ghi lại thì có nhiều việc liên quan đến những vấn đề trọng đại của đất nước, như vấn đề Hoàng Sa, vấn đề yên dân được vua đặt lên trên hết. Khi nghe tin bách tính được mùa, cuộc sống no đủ, trộm cướp giảm bớt, vua vui mừng đích thân làm thơ để ghi lại. Có những bài thơ khai bút đầu năm đã nói lên ước muốn của vua Minh Mệnh về một năm mới đất nước được yên ổn, bách tính được an cư lạc nghiệp, quan lại trong ngoài đều siêng năng chức nghiệp của mình. “Mùa xuân năm nay, phúc lành liên tiếp. Các tỉnh tâu báo tin mừng giá gạo bình thường, trộm cướp yên lặng, trẫm rất mừng! Nghĩ đến phúc trời chồng chất, thực là có cơ thịnh trị. Nhưng cốt ở người cầm quyền thống trị chứ không cốt ở pháp luật thống trị. Lòng trẫm còn lấy làm lo. Mong rằng tôi con trong ngoài đều siêng năng chức nghiệp, để đạo thịnh trị ngày một tiến lên thật tốt. Trẫm bèn đem ý chính ấy làm thành bài thơ, cho khắc in son, ban cấp cho các ấn quan các nha ở Kinh và các đốc phủ, bố, án ở ngoài để mọi người đều biết ý trẫm”(2).
 
Liên quan đến vấn đề biển đảo, năm Bính Thân có lẽ là năm cắm mốc chủ quyền ở ngoài đảo Hoàng Sa, khi mà vua Minh Mệnh sai người mang theo 10 bài gỗ có ghi năm Bính Thân, Minh Mệnh thứ 17. Trong năm Bính Thân (1836), vua Minh Mệnh cho người khảo sát đường đi biển để đến xứ Hoàng Sa. Bộ Công tâu nói: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được 1 nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái biền binh thủy quân và vệ Giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về, dâng trình”.
 
Vua y lời tâu. Sai Suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”(3).
 
Nhân dịp năm mới Bính Thân, chúng tôi xin giới thiệu vài bài thơ về năm Bính Thân và thơ viết trong tiết Nguyên đán của vua Minh Mệnh, qua những bài thơ này, người đọc có thể cảm nhận và đánh giá thêm nỗi lòng của vua đối với đất nước, với nhân dân. Bên cạnh đó, cũng là lời tâm sự của vua cần phải răn mình để làm tròn trọng trách của người đứng đầu đất nước.
 
Dưới đây là một số bài thơ do vua Minh Mệnh làm nhân dịp năm mới Bính Thân, những bài thơ này đa phần là ca ngợi cảnh xuân tươi đẹp, hồng đồ vững chắc, ca ngợi công đức của trời và từ đó để tự răn mình gắng sức trong công việc. Bên cạnh đó là sự quan tâm đến bách tính, thi ân huệ và ước mong năm mới sắc xuân sẽ tràn ngập đế đô. Từ đó, hướng tới một năm mới báo hiệu điềm lành, đất nước ổn định, nhân dân được mùa. Những bài thơ này chúng tôi dịch từ nguyên văn chữ Hán.
 
Làm thơ Tết Nguyên đán
 
Nóng qua lạnh tới mùa xuân lại về
Trời chuyển mùa muôn vật hoa cỏ tươi mới
Mở rộng cơ đồ quốc gia thịnh trị
Ban ơn rộng khắp thấm nhuần muôn dân
Dạy dỗ quan lại thường mong trong nước được yên ổn
Quân luật sáng rõ biên thùy vô sự
Trời cao quan tâm giúp đỡ lòng càng thêm sợ
Tự mình hết lòng chăm chăm gắng sức từ những ngày đầu năm.
(Ngự chế thi lục tập, Q6)...
 
Bính Thân lập xuân thiếp tử (bài 1)
 
Mùa đông qua đi mùa xuân lại về,
Vận tốt mở ra muôn vật đổi mới.
Điềm lành đã ứng với năm sau, năm Bính Thân.
Phúc lành sẽ đến là do trời sắp đặt.
 
Bính Thân lập xuân thiếp tử (bài 2)
 
Hợp với mùa xuân lá cây xanh tốt, chữ viết trên giấy đỏ,
Vạn vật gặp mùa xuân hết sức tươi đẹp.
Huống gì gặp tiết trời tạnh ráo và tiết trời ấm áp,
Có thể dự đoán được điềm lành năm tới sẽ được mùa lớn.
(Ngự chế thi tứ tập, quyển 5)
 
Tết Nguyên đán năm Bính Thân 
 
Cảnh sắc mùa xuân mở ra một màu tươi mới,
Vận mệnh mở mang khí lành đều phủ khắp.
Lại chính là lúc gặp trời quang đãng muôn việc tốt đẹp,
Cầu mong trời ấm áp nuôi nấng vạn vật khắp nơi.
Việc nước tốt đẹp tập hợp được đầy đủ văn võ bá quan,
Dáng vẻ vạm vỡ oai hùng xếp thành hàng trước sau bệ rồng
Đầu năm tốt đẹp điềm lành ngưng tụ báo hiệu năm mới được mùa
Đầu mối của phúc lộc chính là do trời sắp đặt.
(Ngự chế thi tứ tập, quyển 6)
 
Mong ước đầu năm mới cho cả năm mọi điều đều tốt đẹp, đó là ước muốn của tất cả mọi người. Ngày đầu năm mới thật sự thiêng liêng lòng thành kính với tổ tiên. Phong tục đầu năm mới người xưa có lệ khai bút (viết chữ) đầu xuân. Phong tục ấy ngày nay vẫn còn nhiều gia đình còn gìn giữ được.
 
Khai bút tức là mở bút, lấy bút ra viết hay làm một việc già đó liên quan. Ngày xưa vì viết bằng bút lông nên việc khai bút là rất quan trọng, phải mài mực áo dài khăn xếp đốt hương trầm làm một bài thơ, một câu đối, một bài văn. Các vua chúa xưa kia cứ đến ngày đầu năm mới là sẽ tự mình khai bút, các vị vua thường làm những bài thơ bằng chữ Hán hay chữ Nôm với tiêu đề như Nguyên đán thí bút, Tân Sửu thí bút….
 
Mùa xuân vua làm thơ với mong muốn nói lên cái suy nghĩ của mình đối với bá quan bách tính, sau một năm làm việc, tổng kết lại những sự được và chưa được để cho lòng gắng sức lên. Hơn nữa, qua lời thơ ấy, nhà vua như muốn cầu mong trời cao ban phước lành cho nhân dân. Vua khẳng định, mọi điều phúc lộc là do trời sắp đặt, đầu năm có điềm lành ngưng tụ báo hiệu một năm được mùa bội thu. 
 
Bên cạnh đó, vua Minh Mệnh nhấn mạnh quy luật của thời gian, quy luật cuộc đời, đông qua xuân tới, cành lá muốn tươi tốt đến vạn năm sau thì phải dựa vào gốc cây vững chắc. Đất nước muốn vững bền thì phải biết dựa vào dân.
 
(1) Lời tựa Ngự chế thi sơ tập
(2) Đại Nam thực lục, tập 4, trang 865
(3) Đại Nam thực lục, tập 4, trang 867.
 
NGUYỄN HUY KHUYẾN