OIJ chấm dứt hoạt động, sự nghiệp OIJ trường tồn (tiếp theo)

09:06, 15/06/2017

Tại chiến khu Việt Bắc, Léo Figuères được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn. Ông tiếp xúc với một số nhà lãnh đạo Việt Nam, thăm và làm việc với một số tổ chức, cơ quan, bao gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Việt Minh, gặp một số đơn vị quân đội và dân quân Việt Nam, thăm nhiều vùng tự do tại miền Bắc, nhờ vậy có điều kiện trò chuyện với nhiều người dân và hiểu được thực tế Việt Nam.

[links()] Tại chiến khu Việt Bắc, Léo Figuères được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn. Ông tiếp xúc với một số nhà lãnh đạo Việt Nam, thăm và làm việc với một số tổ chức, cơ quan, bao gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Việt Minh, gặp một số đơn vị quân đội và dân quân Việt Nam, thăm nhiều vùng tự do tại miền Bắc, nhờ vậy có điều kiện trò chuyện với nhiều người dân và hiểu được thực tế Việt Nam.

 

Hội nghị Ban chấp hành OIJ tại Hà Nội tháng 7/1996. Tổng Thư ký OIJ A. Nieva đọc báo cáo. Hàng ghế đầu: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (áo trắng, giữa), cạnh ông là Thủ tướng Phan Văn Khải. Hai người mặc áo đen: Ô. Bandhit Rajavatanadhanin (CAJ) và ô. Suleiman Al-Qudah (OIJ)
Hội nghị Ban chấp hành OIJ tại Hà Nội tháng 7/1996. Tổng Thư ký OIJ A. Nieva
đọc báo cáo. Hàng ghế đầu: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (áo trắng, giữa), cạnh ông là
Thủ tướng Phan Văn Khải. Hai người mặc áo đen: Ô. Bandhit Rajavatanadhanin (CAJ)
và ô. Suleiman Al-Qudah (OIJ)
Trở về Pháp, ngày 13/7/1950, Léo Figuères diễn thuyết tại một cuộc hội nghị báo chí, kêu gọi các đồng nghiệp ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Ông đi nói chuyện nhiều nơi về những điều mắt thấy tai nghe tại đất nước ấy. Hãng thông tấn AFP ngày 27/8/1950 đưa tin: “Chính phủ Pháp vừa ra lệnh bắt giam Léo Figuères, cựu nghị sĩ vùng Đông Pyrénées trở về từ “khu vực Việt Minh tại Đông Dương”. Ông bị khởi tố về việc đăng lên báo chí Pháp bài phỏng vấn ông Hồ Chí Minh. Bài phỏng vấn đã gây tranh luận nảy lửa tại Quốc hội Pháp”.
 
Tiếp theo báo L’Avant Garde, báo L’Humanité, nhiều cơ quan báo chí khác đã cố gắng chân thật, đúng với thực tế ở Việt Nam, đặc biệt về những tội ác đạo quân viễn chinh Pháp gây nên và cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Báo chí tiến bộ Pháp dần dà tạo nên bước ngoặt trong cách nhìn của người dân Pháp, làm chuyển hướng dư luận Pháp và một phần các nước Tây Âu. Qua báo chí, người ta “ngộ” ra, cuộc xâm lăng của quân đội họ tại Việt Nam là một cuộc chiến tranh phi nghĩa và nhất định sẽ thất bại. Dấy lên phong trào nhân dân Pháp phản đối cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” do nhà cầm quyền nước họ gây nên, đòi chấm dứt ngay cuộc chiến. Nhiều người Pháp không ngại hiểm nguy tính mạng đã đấu tranh hết mình, tiêu biểu là Raymonde Dien, Henri Martin…, những người dám nằm vắt ngang trên đường sắt, chặn các đoàn tàu chở vũ khí về cảng biển, đưa xuống tàu sang Viễn Đông tiếp tế cho đạo quân xâm lược.
 
Dấu ấn OIJ tại Việt Nam
 
Dấu ấn Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ để lại cho giới báo chí và quốc gia Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua thể hiện rõt ở mấy mặt sau:
 
- OIJ kiên trì ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập, thống nhất đất nước và tự do, hạnh phúc của người dân.
 
- OIJ giúp Hội Nhà báo Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày cho các nhà báo tại nước ngoài hệ thống các Trường nghiệp vụ của OIJ như Viện báo chí Berlin, Trường Báo chí OIJ ở Budapest, Trường báo chí OIJ tại Prague…
 
Năm 1989, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam được mời làm thành viên Hội đồng đào tạo và nâng cao nghiệp vụ báo chí do Giáo sư người Đức Ernst Heinrich làm Chủ tịch. Hội Nhà báo Việt Nam được khuyến nghị thành lập Trường báo chí OIJ tại Hà Nội với sự giúp đỡ của OIJ về phương tiện và một phần tài trợ của UNESCO thông qua Chương trình quốc tế Phát triển Truyền thông (IPDC). Trường này triển khai hoạt động được mấy năm, thì OIJ gặp khó khăn do tác động của tình hình thế giới từ giữa thập niên 1990 trở đi. Dù vậy, những gì gọi là nền móng do OIJ giúp đỡ xây dựng Trường báo chí OIJ tại Hà Nội ngày ấy là cơ sở để chúng ta phát triển thành Trung tâm đào tạo báo chí (Vietnam Journalists Training Center - VJTC) ngày nay, trụ sở đặt tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội.
 
- Hội Nhà báo Việt Nam tham dự hầu như tất cả các đại hội của OIJ, từ Đại hội Helsinki năm 1950 cho đến Đại hội cuối cùng họp tại Amman năm 1995, đã nhiệt tình đóng góp vào các hoạt động của OIJ tại Việt Nam và giúp một số nước bạn. (…)
 
Chặng đường cuối: Từ Amman nhìn sang châu Đông Á
 
(…) Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam dự Đại hội Amman (Jordan) ngày 28-31/1/1995 gồm ba người do Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn cùng hai đại biểu, một từ Hà Nội một từ thành phố Hồ Chí Minh.
 
Ngay từ buổi sáng khai mạc, qua các cuộc tranh cãi về vấn đề tài chính của những người lãnh đạo tiền nhiệm, chúng tôi đã cảm thấy bất ổn. OIJ đang đứng trước khó khăn về tài chính. Các cơ sở kinh doanh của OIJ tại Praha bị phong tỏa bởi chính quyền mới tại nước này sau khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Nhiều tổ chức quốc gia ngừng đóng lệ phí cho OIJ. Nội bộ OIJ bị phân hóa do bất đồng về quan điểm chính trị của một số nước thành viên. Tại Đại hội, thủ tục bầu Ban lãnh đạo OIJ lại phức tạp, tốn nhiều thời gian. Nhà báo nước chủ nhà, Suleiman Al Qudah được làm Chủ tịch mới của OIJ tương đối nhanh do có sự đồng thuận từ trước. Nhà báo người Philippin Antonio N. Nieva được bầu làm Tổng Thư ký OIJ. Các Phó Chủ tịch OIJ phụ trách các khu vực được Đại hội toàn thể bỏ phiếu bầu riêng mỗi khu vực một lần. Đại biểu Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Ban lãnh đạo OIJ phụ trách Khu vực châu Á - Úc. Việc bầu Ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới kéo dài suốt cả buổi chiều và gần hết đêm 31 tháng 1 vẫn chưa xong. Trong khi đó, nước chủ nhà thông báo: Mọi công việc của Đại hội phải kết thúc trước khi trời sáng vì ngày hôm sau, nước này bắt đầu bước vào tháng Ramadan của người Hồi giáo.
 
Giã từ Amman, tôi cảm nhận đây có thể là Đại hội cuối cùng của OIJ!
 
(CÒN NỮA)
 
PHAN QUANG
(Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam,
nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN)