Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN lấy người dân làm trung tâm

08:08, 31/08/2017

Trong văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2020 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ hai vào tháng 12 năm 2007, đã có đề cập đến ý tưởng về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng trong tổng thể Cộng đồng ASEAN nói chung. 

Trong văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2020 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ hai vào tháng 12 năm 2007, đã có đề cập đến ý tưởng về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng trong tổng thể Cộng đồng ASEAN nói chung. 
 
Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 đã được xây dựng và hoàn thiện trình lên các nhà lãnh đạo Cấp cao ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Cuala Lămpơ - Malaysia vào ngày 22/11/2015. Kế hoạch này tiếp tục khẳng định “trọng tâm của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN là cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng vào người dân, thân thiện với môi trường và hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững”. Nội dung của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 cơ bản dựa trên Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2009 - 2015 với các đặc điểm, thành tố gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân, hòa nhập, bền vững, tự cường và năng động. 
 
Việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 đang được tích cực triển khai bởi các cơ quan chuyên ngành thuộc Cộng đồng, trong đó Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện, với sự hỗ trợ của Hội nghị các quan chức cấp cao và các cơ quan chuyên ngành.
 
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN “cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng tới con người, xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội nhằm đạt được tình đoàn kết và thống nhất lâu bền giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao”. Việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tập trung nhiều vào khía cạnh con người sẽ thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại. 
 
Với dân số hiện nay khoảng 650 triệu người, trong đó hơn 300 triệu người tham gia lực lượng lao động và tổng sản lượng hàng năm được ước tính khoảng 2.000 tỷ USD, Cộng đồng ASEAN không chỉ chú trọng vào yếu tố thị trường chung, mà còn đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ nhau để trở thành khu vực phát triển đồng đều, hướng đến một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm.
 
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, trong Tầm nhìn đến năm 2025, các nước ASEAN xác định cần triển khai theo 5 định hướng: (1) Tăng cường sự tham gia và trách nhiệm xã hội của các dân tộc trong ASEAN nhằm gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân. (2) Xây dựng một tập hợp các dân tộc hòa hợp, chất lượng cuộc sống được cải thiện, không còn các rào cản đối với việc hưởng các quyền tiếp cận với cơ hội bình đẳng cho tất cả người dân ASEAN. (3) Bảo đảm một môi trường tự nhiên bền vững trong bối cảnh có nhiều thay đổi xã hội và phát triển kinh tế, thúc đẩy cân bằng giữa phát triển xã hội và bảo vệ môi trường tự nhiên bền vững, đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của người dân. (4) Tăng cường năng lực ứng phó và thích ứng chung của các nước thành viên với những thách thức hiện tại và các xu hướng mới nổi. (5) Tăng cường khả năng liên tục đổi mới và trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng toàn cầu. 
 
Năm 2016 là năm Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN bắt đầu triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể đến năm 2025 và các Kế hoạch công tác chuyên ngành bao gồm phúc lợi xã hội và phát triển, lao động, môi trường, quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp, thanh niên, phát triển nông thôn và giảm nghèo, y tế, văn hóa, thông tin, giáo dục và thể thao. Đặc biệt, Cộng đồng tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực như: chuyển đổi từ việc làm không chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN; Tăng cường hợp tác Di sản văn hóa trong ASEAN; ASEAN cùng ứng phó trước thảm họa trong và ngoài khu vực; ASEAN và Đa dạng sinh học; tăng cường giáo dục cho trẻ em không đi học và tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch tổng thể Truyền thông ASEAN. Theo đó, các cơ quan chuyên ngành của Cộng đồng đang tích cực hoàn thiện các văn kiện, chương trình có liên quan để trình lên các Nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN xem xét, thông qua. Những ưu tiên của Cộng đồng được đánh giá là có ý nghĩa hết sức quan trọng hướng vào những đối tượng yếu thế trong xã hội, đúng theo tinh thần xây dựng một xã hội chăm sóc và chia sẻ của ASEAN.
 
Việt Nam hưởng ứng các sáng kiến và nỗ lực chung của ASEAN thông qua việc tích cực thực hiện những ưu tiên trong lĩnh vực lao động, việc làm, thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư; lồng ghép giới và bảo vệ các quyền của phụ nữ; thúc đẩy và bảo vệ quyền có quốc tịch của phụ nữ và trẻ em; thúc đẩy sự tham gia kinh tế của người cao tuổi; diễn đàn trẻ em ASEAN nhằm tăng cường sự tham gia của trẻ em và thúc đẩy thực hiện các quyền trẻ em... Với những nỗ lực của mình trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, lao động, y tế, thanh niên, môi trường, Việt Nam đã thực sự góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực, mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên.
 
Bên cạnh đó, Việt Nam đặc biệt chú trọng thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, trong đó việc triển khai thực hiện “Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1 năm 2016. Theo đó, để đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội, Đề án đã đặt ra các mục tiêu cụ thể bao gồm: (I) Đến cuối năm 2016, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch hành động triển khai nội dung của Đề án; (II) Nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người dân về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN; và (III) Huy động nguồn lực để đảm bảo thực hiện một cách hiệu quả các mục tiêu xây dựng Cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích, hòa nhập, bền vững, tự lực tự cường và năng động.
 
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là Cơ quan chủ trì Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành thuộc Cộng đồng triển khai thực hiện các giải pháp như rà soát, lồng ghép các nội dung của Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trong kế hoạch, chính sách, chương trình của bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN; tăng cường hệ thống thông tin, báo cáo, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu; thúc đẩy vận động, thu hút nguồn lực và hoàn thiện hệ thống tổ chức...
 
Các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch hành động triển khai nội dung của Đề án; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng và lợi ích Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN cho từng quốc gia, cũng như từng người dân, từ đó chung tay thực hiện thành công các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025.
 
LINH NHÂN