ASEAN - một tổ chức vững mạnh, liên kết ngày càng sâu rộng

10:08, 03/08/2017

Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức được thành lập, khởi đầu cho một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết và năng động. Sau nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã khẳng định vị thế của một tổ chức vững mạnh, liên kết ngày càng sâu rộng và là đối tác không thể thiếu của các nước trên thế giới. 

Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức được thành lập, khởi đầu cho một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết và năng động. Sau nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã khẳng định vị thế của một tổ chức vững mạnh, liên kết ngày càng sâu rộng và là đối tác không thể thiếu của các nước trên thế giới. 
 
Trong 50 năm qua, ASEAN đã ghi dấu nhiều cột mốc quan trọng của sự hợp tác và cùng phát triển: Năm 1994, ASEAN bắt đầu mở rộng quan hệ đối ngoại, thúc đẩy đối thoại về an ninh thông qua việc lập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); năm 1995, đánh dấu dấu mốc quan trọng khi Việt Nam gia nhập ASEAN; năm 1999, ASEAN hoàn tất mục tiêu trở thành một tổ chức khu vực với đầy đủ 10 quốc gia Đông Nam Á; năm 2003, ASEAN xác định mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN gồm ba trụ cột; năm 2007, Hiến chương ASEAN ra đời, tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế hợp tác ASEAN; ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập, khởi đầu của một giai đoạn liên kết mới sâu rộng hơn của ASEAN.
 
Từ một khu vực bị chia rẽ bởi đối đầu và nghi kỵ, bởi: (1) Do khu vực ASEAN có hơn 600 triệu dân với nhiều ngôn ngữ, tín ngưỡng và truyền thống khác nhau; có khoảng 240 triệu người theo đạo Hồi, 130 triệu người theo đạo Thiên chúa, 140 triệu người theo đạo Phật, 7 triệu người theo đạo Hindu và 50 triệu tín đồ của các tôn giáo dân gian. (2) Hệ thống chính trị của ASEAN cũng đa dạng, từ các nền dân chủ đại diện, các quốc gia do một đảng lãnh đạo đến các chế độ quân chủ. (3) Các nền văn hóa của khu vực đa dạng, thậm chí còn nhiều khác biệt lớn. Theo giáo sư Kishore Mahbubani, trong quá khứ, nếu phải chọn nơi nào trên thế giới khó tổ chức hợp tác khu vực nhất thì ứng cử viên hàng đầu là Đông Nam Á. 
 
Tuy nhiên, qua nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được thành tựu ngoài sức tưởng tượng; trở thành khu vực phát triển năng động, đoàn kết và là đối tác không thể thiếu của các nước trên thế giới và là một thị trường chung của 630 triệu dân với nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. ASEAN đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt và là chất xúc tác mang lại hòa bình bền vững cho khu vực. Thành tựu kỳ diệu của ASEAN được đánh dấu bởi các mặt tiêu biểu như:
 
Về chính trị, các nước ASEAN đã không ngừng tăng cường hợp tác chính trị; hình thành và chia sẻ các chuẩn mực; hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, hiểu biết lẫn nhau; tích cực tăng cường vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực và xây dựng cộng đồng, mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài. ASEAN có 11 bên đối thoại: Úc, Canada, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, UNDP, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ. ASEAN cũng đối thoại theo từng lĩnh vực với Pakistan. Các nước đối tác của Asean không ngừng mở rộng, bao gồm các nước đối tác trong khuôn khổ của ASEAN và 3 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3), và khuôn khổ đối thoại Diễn đàn cấp cao Đông Á giữa các nước ASEAN với 8 nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ, và giữa ASEAN với 10 đối tác khác của ASEAN... 
 
Một dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình ở khu vực là ASEAN đã thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông vào năm 2002. Bên cạnh đó, trong khu vực tồn tại rất nhiều quan hệ liên minh chiến lược dựa trên hiệp ước và phi hiệp ước, cũng như các hình thức dàn xếp an ninh đa phương.
 
Về kinh tế, Chủ tịch Nhóm chiến lược khu vực ASEAN của Diễn đàn kinh tế thế giới (RSG), Chủ tịch CIMB Group, một trong những ngân hàng hàng đầu của ASEAN Nazir Razak cho rằng, trong 50 năm qua, ASEAN đã đạt được thành tựu ngoài sức tưởng tượng. Trong đó, tiến bộ nổi bật nhất là việc kết nối 10 quốc gia vốn rất đa dạng trong một cộng đồng được tích hợp đầy đủ hơn, với liên kết kinh tế sâu rộng hơn, góp phần củng cố vào sự thịnh vượng khu vực. Còn Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương Justin Wood nhận định, ASEAN ngày nay có sức mạnh kinh tế to lớn, với hơn 600 triệu dân, phần lớn vẫn rất trẻ. Các nước ASEAN là những đầu tàu mạnh mẽ của tăng trưởng, dưới các hình thức công nghiệp hóa, đô thị hóa, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ và cải tiến giáo dục… Với tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 5,3% trong khoảng 2007 - 2015, ASEAN là một trong những điểm sáng nhất của nền kinh tế toàn cầu. 
 
Đầu năm 2016, 10 nền kinh tế của ASEAN tập hợp thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Đến đầu năm 2017, vị trí này đã được cải thiện lên hàng thứ 6 và dự báo sẽ leo lên hàng thứ 5 vào năm 2020, thậm chí có thể lên hàng thứ 4 vào năm 2025. ASEAN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu. Năm 2015, tổng kim ngạch thương mại khu vực đạt 2.300 tỷ USD, đóng góp nhiều thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ và Đức. ASEAN đã nhanh chóng trở thành bên tham gia chính vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 
Những thành công của ASEAN chính là minh chứng đúng đắn về con đường mà ASEAN đã kiên trì theo đuổi suốt nửa thế kỷ qua. Đồng thời, nó còn tạo tiền đề vững vàng để ASEAN đạt tới những bước tiến xa hơn, vì lợi ích của người dân 10 quốc gia thành viên.
 
Hoạt động của Việt Nam trong ASEAN: Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 tại Bru-nây. Lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 28 và các Hội nghị liên quan (Bru-nây, 2-3/8/1995) với tư cách thành viên đầy đủ. Những đóng góp cụ thể của Việt Nam có thể kể đến là: tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN - 6 tại Hà Nội (12/1998), giúp ASEAN duy trì đoàn kết, hợp tác và củng cố vị thế quốc tế trong lúc Hiệp hội đang ở thời điểm khó khăn nhất do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997, nhất là việc hoàn tất ý tưởng một ASEAN - 10; thông qua Chương trình Hành động Hà nội (HPA) để thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020. Từ tháng 7/2000 - 7/2001, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN; tổ chức thành công Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 34 (AMM-34) và các Hội nghị liên quan. Các bộ, ngành của Việt Nam cũng đăng cai nhiều Hội nghị cấp Bộ trưởng và cấp Quan chức cao cấp (SOM) về kinh tế và hợp tác chuyên ngành. Việt Nam cũng đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPO) tháng 9/2002... 
 
Năm 2017 đánh dấu 22 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng hơn vào ASEAN và đã có những đóng góp tích cực vào công việc chung của ASEAN, tăng cường đoàn kết ASEAN, giúp ASEAN đạt được các mục tiêu chung; đồng thời tích cực đóng góp vào môi trường hòa bình, ổn định và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN khi ASEAN hợp tác sâu rộng hơn với các nước đối tác, cũng như xây dựng các chuẩn mực ứng xử khu vực và cấu trúc khu vực ổn định.
 
Những đóng góp quan trọng của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của Hiệp hội, góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước; củng cố xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực có lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. 
 
Cuối năm 2015 (31/12), Cộng đồng ASEAN được thành lập dựa trên ba trụ cột chính: chính trị - an ninh; kinh tế và văn hóa - xã hội, nhằm tiếp nối và thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực hội nhập khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước và mang lại lợi ích cho người dân trên khắp khu vực; từ đây các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ cùng gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới. 
 
(CÒN NỮA)
 
KHÁNH LINH