Những phát hiện kỳ thú từ các di chỉ khảo cổ học trên đất Lâm Đồng (kỳ 2)

10:10, 14/10/2020

Tục mai táng phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh, tôn giáo của mỗi cá nhân, gia đình, dòng tộc. Mỗi vùng, miền, mỗi tộc người đều có những lễ thức mai táng khác nhau. Điều đó cũng đã được minh chứng khá kỳ thú qua các di chỉ mộ táng đã được phát hiện và khai quật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

[links()]

Một số vật tùy táng xuất lộ trong di chỉ mộ táng Đại Làng. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
Một số vật tùy táng xuất lộ trong di chỉ mộ táng Đại Làng. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng
 
Tục mai táng phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh, tôn giáo của mỗi cá nhân, gia đình, dòng tộc. Mỗi vùng, miền, mỗi tộc người đều có những lễ thức mai táng khác nhau. Điều đó cũng đã được minh chứng khá kỳ thú qua các di chỉ mộ táng đã được phát hiện và khai quật trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
 
Di chỉ mộ táng Đại Làng 
 
Di chỉ Đại Làng nằm trên vùng đất thuộc xã Đại Làng, huyện Bảo Lâm, là khu di chỉ mộ táng được phát hiện lớn nhất Lâm Đồng, khảo sát và khai quật vào năm 1983.
 
Di chỉ phân bố trên vùng đồi thấp rộng khoảng 2.000 m2 với những gò đất có kích thước không đều nhau. Qua khai quật đã thu được một lượng lớn các di vật phong phú về chất liệu, lại rất đa dạng về loại hình. Nhiều nhất là gốm sứ, ở đây người ta thấy có mặt của nhiều dòng gốm sứ, từ các loại gốm thô của cư dân bản địa; gốm sứ của Trung tâm gốm sứ Gò sành Bình Định; gốm Chu Đậu - Hải Dương; gốm sứ Hizen của Nhật Bản; gốm sứ Nam Trung Hoa; gốm Savalkhakoc - Thái Lan; gốm Khơmer, chủ yếu là các loại chóe, lọ, bình, tô, bát, đĩa, âu, nồi đất,... Tiếp đến là các loại đồ đồng, đồ sắt như: tiền đồng, âu đồng, đồ trang sức (vòng, ốp tay, khuyên tai, nhẫn…); lục lạc, chiêng, lọ vôi; các công cụ lao động của cư dân bản địa như xà bách, xà gạt, rìu, dao; vũ khí như lao, kiếm…
 
Cùng với đồ trang sức là các chuỗi hạt thủy tinh có kích cỡ và nhiều màu sắc khác nhau.
 
Dựa trên cách phân bố của hiện vật có thể xác định loại hình di chỉ là di chỉ mộ táng của cư dân bản địa Lâm Đồng. Khung niên đại của di chỉ khoảng thế kỷ XIII - XVIII.
 
Di chỉ mộ táng Đạ Đờn
 
Di chỉ nằm trên đỉnh gò cao khoảng 0,5 - 1 m so với mặt đất canh tác thuộc Thôn 5, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà. Cuộc khai quật năm 1995 với diện tích 224 m2 và 5 hố thám sát 28 m2 đã làm xuất lộ một khối lượng lớn hiện vật, khá đa dạng về loại hình và phong phú về chất liệu. 
 
Đồ gốm sứ có các loại gốm thô của cư dân bản địa như tô, nồi, cốc; gốm sứ đến từ những trung tâm gốm sứ khác nhau như: gốm Gò sành - Bình Định; gốm Chu Đậu - Hải Dương; gốm sứ Hizen - Nhật Bản; gốm sứ Nam Trung Hoa; gốm savalkhakoc - Thái Lan; gốm Khơmer (chóe, lọ, bình, tô, bát, đĩa, âu…).
 
Đồ đồng, đồ sắt ở đây chủ yếu là đồ trang sức như: vòng, ốp tay, khuyên tai, nhẫn, lục lạc… và các công cụ lao động của cư dân bản địa như xà bách, xà gạt, rìu, dao; vũ khí như lao, kiếm…, cùng các hạt chuỗi thủy tinh, trong đó có chuỗi hạt màu trắng có kích thước lớn (không phát hiện thấy ở các di chỉ mộ táng khác). 
 
Dựa trên cơ sở phân bố của khu mộ và hiện vật có thể xác định loại hình di chỉ là di chỉ mộ táng của cư dân bản địa Lâm Đồng. Khung niên đại của di chỉ khoảng thế kỷ XVII - XVIII.
 
Di chỉ mộ táng Đại Lào
 
Được phân bố trên ngọn đồi thấp thuộc xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và được khai quật năm 1994. Qua khai quật ba hố làm xuất lộ 6 mộ với nhiều di vật gốm sứ, bao gồm các loại gốm thô của cư dân bản địa như tô, nồi, cốc, nỏ điếu, dọi xe chỉ; gốm sứ đến từ trung tâm gốm sứ Gò sành - Bình Định; gốm Chu Đậu - Hải Dương; gốm sứ Hizen của Nhật Bản; gốm sứ Nam Trung Hoa; gốm savalkhakoc của Thái Lan; gốm Khơmer, với các loại chóe, lọ, bình, tô, bát, đĩa, âu,... cùng các đồ trang sức, vật dụng công cụ lao động bằng đồng, sắt như: vòng, ốp tay, khuyên tai, nhẫn, lục lạc, chuông, xà bách, xà gạt, rìu, dao; vũ khí như lao, kiếm…; các chuỗi hạt trang sức bằng thủy tinh: kích cỡ khác nhau với nhiều màu sắc.
 
Dựa trên cách phân bố của di chỉ và hiện vật thu được, có thể xác định loại hình di chỉ là di chỉ mộ táng của cư dân bản địa Lâm Đồng. Khung niên đại của di chỉ được đoán định khoảng thế kỷ XVII - XVIII 
 
Như vậy, với một số lượng lớn hiện vật, vừa đa dạng về loại hình, phong phú về chất liệu, có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều vùng khác nhau, thu được trong các di chỉ mộ táng phát hiện ở Lâm Đồng, đã cho thấy từ xưa các cư dân bản địa nơi đây đã có sự trao đổi, giao thương với nhiều cư dân ở miền xuôi, vùng duyên hải và có thể là với cả các nước lân cận.
 
Qua cách mai táng và các đồ tùy táng của các chủ nhân khu mộ ở đây còn phản ánh tục chia của cho người chết và truyền thống chung sống trong ngôi nhà dài là một trong những nét độc đáo của các cư dân bản địa vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng riêng. Bởi họ vẫn thường quan niệm rằng thế giới bên kia không phải là một thế giới siêu phàm của thần tiên mà là một bản sao của thế giới thực như khi họ còn sống. Người chết cũng cần phải có đầy đủ các vật dụng trong sinh hoạt và sản xuất. Chính vì vậy mà khi có người trong gia đình, dòng tộc mất, họ đều tiến hành phân chia của cải mang ra mồ cho người chết. Những tài sản được chia cho người chết bao gồm cả những đồ vật quý như chiêng, chóe, vòng cườm, lục lạc đến các vũ khí, công cụ sản xuất như: lao, kiếm, xà gạt, xà bách. Số của cải này không quy định về số lượng mà tùy thuộc vào sự giàu nghèo của mỗi gia đình mà người chết cũng được chia khác nhau. 
 
Phong tục độc đáo này được phản ánh khá rõ nét qua các di chỉ mộ táng cổ ở Lâm Đồng có niên đại cách ngày nay từ 400 đến 700 năm của cư dân bản địa, có thể là người Mạ, K’Ho - chủ nhân của khu mộ. 
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ