Kỷ niệm 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/06/1911 - 05/06/2021)

10:06, 02/06/2021

Kỷ niệm 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/06/1911 - 05/06/2021)

I. NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA NGƯỜI THANH NIÊN YÊU NƯỚC NGUYỄN TẤT THÀNH
 
1. Phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra sôi nổi nhưng đều thất bại
 
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp bắt tay vào khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Xã hội Việt Nam bắt đầu có những chuyển biến và phân hóa. Sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản Pháp đã làm nảy sinh trong xã hội Việt Nam hai giai cấp mới: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Cuộc vận động cải cách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu ở Trung Quốc cũng có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Các phong trào yêu nước chống Pháp của Nhân dân ta diễn ra đa dạng, sôi nổi: phong trào có khuynh hướng dân chủ tư sản Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, Việt Nam Quang Phục Hội; phong trào chống sưu thuế của nông dân ở Trung kỳ; phong trào đánh Pháp, như: vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội, cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Yên Thế... Nhưng các phong trào yêu nước chống Pháp trên đều thất bại. Nguyên nhân sâu xa là do thiếu đường lối chính trị đúng đắn, khoa học, thiếu sự lãnh đạo của một giai cấp tiên tiến. Giai cấp phong kiến, có vai trò tiến bộ nhất định trong lịch sử đã trở thành giai cấp phản động, bán nước, tay sai cho đế quốc. Giai cấp tư sản mới ra đời, còn non yếu với lực lượng kinh tế phụ thuộc và khuynh hướng chính trị cải lương, không có khả năng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống đế quốc và phong kiến để giành độc lập tự do. Giai cấp nông dân và tiểu tư sản khao khát độc lập, tự do, hăng hái chống đế quốc và phong kiến, nhưng không thể vạch ra con đường giải phóng đúng đắn và không thể đóng vai trò lãnh đạo cách mạng. Cách mạng Việt Nam đứng trước cuộc khủng hoảng trầm trọng về đường lối cứu nước.
 
Nguyễn Tất Thành rất khâm phục tinh thần yêu nước của các sĩ phu, văn thân, chí sĩ xả thân vì nước, nhưng Người không tán thành đường lối cứu nước của các bậc tiền bối. Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành tuy lúc đó chưa gặp chủ nghĩa xã hội, nhưng đã thể hiện tầm vóc vượt trước quan điểm cứu nước đương thời.
 
Thất bại của các cụ Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cho thấy, không thể cứu nước trên lập trường phong kiến hay lập trường của giai cấp tư sản, tiểu tư sản. Các đường lối và phương pháp này đều không đáp ứng được yêu cầu giải phóng dân tộc trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc đã trở thành hệ thống trên thế giới. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đang đòi hỏi được đổi mới, đó là một nhu cầu cấp thiết của dân tộc lúc bấy giờ.
 
2. Những chuyển biến của tình hình chính trị thế giới
 
Vào nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã từ giai đoạn tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc và đã xác lập được sự thống trị trên phạm vi thế giới. Phần lớn các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ-La tinh đã trở thành thuộc địa và phụ thuộc của chúng. Chủ nghĩa đế quốc vừa tranh giành xâu xé, vừa câu kết với nhau để nô dịch các dân tộc nhỏ bé. Cùng với những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội tư bản - mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và tư sản, chủ nghĩa đế quốc làm phát sinh mâu thuẫn mới - mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc vô cùng cực khổ, trong đó có Nhân dân Việt Nam dưới xiềng xích của chế độ thực dân Pháp. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc bắt đầu phát triển và có xu hướng lan rộng.
 
3. Phẩm chất và trí tuệ của Nguyễn Tất Thành
 
Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, một địa phương có truyền thống yêu nước. Từ lúc tuổi còn nhỏ, Người sớm được tiếp cận với các tư tưởng lớn của phương Đông, hấp thụ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, Hán học và bước đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Chứng kiến cảnh khổ cực của người dân mất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của cha anh, Người càng yêu nước, thương dân sâu sắc và hun đúc những hoài bão lớn lao. Vốn có tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi, khả năng tư duy độc lập, tính ham hiểu biết và nhạy bén với cái mới, Người bị lôi cuốn bởi khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” và thôi thúc bởi ý định tìm hiểu “cái gì ẩn dấu sau” những từ đẹp đẽ đó ở chính nước sinh ra khẩu hiệu đó. Những tư tưởng tiến bộ của Cuộc cách mạng Pháp năm 1789, thành tựu văn minh, tiến bộ của nhân loại ở Pháp và các nước Châu Âu khác, đã thúc đẩy Người muốn đến tận nơi tìm hiểu. Đó chính là những lý do Nguyễn Tất Thành quyết định chọn nước Pháp, chọn Châu Âu làm điểm đến đầu tiên trong cuộn hành trình đi tìm đường cứu nước vào năm 1911.
 
II. HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC VÀ NHỮNG CHUYỂN BIẾN TRONG NHẬN THỨC VỀ CON ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC CỦA NGUYỄN TẤT THÀNH - NGUYỄN ÁI QUỐC
 
1. Hành trang ban đầu của Nguyễn Tất Thành khi ra nước ngoài là tri thức về văn hóa phương Đông và phương Tây, lòng yêu nước nhiệt thành, tiếp thu có chọn lọc con đường cứu nước của các nhà yêu nước lớp trước và một dự định rõ rệt, lớn lao, đó là: “xem nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”, đó là dự định đi tìm con đường cứu nước, cứu dân. Ngày 05/6/1911, trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, từ bến cảng Nhà Rồng của Thành phố Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã lên đường sang Pháp. Người làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động (phụ bếp dưới tàu, làm bánh trong các khách sạn, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh...).
 
Gần mười năm, vừa lao động kiếm sống, vừa tiến hành khảo sát thực tiễn nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa, khảo sát các cuộc cách mạng ở các nước Pháp, Anh, Mỹ,., Nguyễn Tất Thành đã có nhận thức quan trọng là: Cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng là những cuộc cách mạng chưa đến nơi. Nó đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người. Cách mạng tư sản xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến. Nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Từ đó, Người đi đến kết luận, không thể làm cách mạng bằng con đường này.
 
Nguyễn Tất Thành đã tìm ra những mặt trái của xã hội phương Tây, nhận ra “ở đâu cũng có người nghèo khổ như xứ sở mình” do ách áp bức, bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Điều đó đã giúp Người có một nhận thức quan trọng: Nhân dân lao động trên toàn thế giới cần đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị, cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là độc lập, tự do.
 
2. Sống hòa mình cùng Nhân dân lao động và phong trào đấu tranh của công nhân Pháp, Nguyễn Ái Quốc say sưa hoạt động cách mạng, viết báo cáo, hội họp, tuyên truyền, cổ động. Năm 1917, Nguyễn Ái Quốc tham gia hoạt động trong phong trào của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Thành công của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhận thức của Người. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Véc - xây, yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tám yêu cầu không được chấp nhận, nhưng đã vạch trần bản chất giả dối của các cường quốc thống trị; đồng thời cũng đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức, các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức lực của bản thân mình.
 
3.Ra đi tìm đường cứu nước khi tuổi đời còn rất trẻ và từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, lúc đó Nguyễn Ái Quốc chưa có một ý niệm rõ ràng về giai cấp, đấu tranh giai cấp, đảng chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ những hoạt động thực tiễn trên và qua đọc “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin đăng trên báo “L’Humanité” tháng 7/1920, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong bối cảnh bấy giờ, có nhiều trí thức Việt Nam sống tại Pháp, nhưng Người đã thể hiện tính vượt trội của tư tưởng khi nhận ra được chân lý lớn nhất của thời đại. Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn về con đường giành độc lập, tư do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc... Luận cương đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan cộng sản của Nguyễn Ái Quốc.
 
4. Quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc ngày càng có hệ thống và hoàn thiện khi Người tham gia Đảng Cộng sản Pháp và học tập ở Đại học Phương Đông, sống trong không khí sục sôi ở trung tâm phong trào cộng sản ở Nga, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản. Nhận thức của Người về sức mạnh của Nhân dân lao động thế giới, về mối quan hệ giữa các dân tộc bị áp bức, giữa cách mạng ở các nước thuộc địa và các nước chính quốc trong cuộc đấu ranh chống đế quốc, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản của giai cấp công nhân, về chính quyền cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng. ngày càng sâu sắc và có những luận điểm bổ sung, phát triển, sáng tạo. Sự kiện Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp vào tháng 12/1920, là một mốc lịch sử quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhạy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người - từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ cộng sản. Đồng thời, sự kiện đó cũng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở đầu quá trình kết hợp đấu tranh giai cấp với dấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Từ đây, cách mạng Việt Nam bắt đầu đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội bắt đầu hình thành.
 
5. Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người bắt đầu xây dựng những nhân tố bảo đảm cho cách mạng Việt Nam: truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam; khơi dậy tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân; xây dựng tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam; phát triển lực lượng cách mạng. Việc Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Người dự thảo được thông qua tại Hội nghị hợp nhất, chứng tỏ đến 1930, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam đã được hình thành cơ bản.
 
III. Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA VIỆC TÌM RA CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC, CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CHO DÂN TỘC CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC
 
1. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, với học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, Nguyễn Ái Quốc đã đặt nền móng cho lý luận cách mạng Việt Nam trong thời đại mới; chấm dứt khủng khoảng đường lối cứu nước triền miên từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX; tìm thấy đường lối phát triển đúng đắn cho dân tộc, phù hợp với trào lưu tiến hóa chung của nhân loại và xu thế của thời đại.
Năm 1930, việc hợp nhất thành công các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất là công lao to lớn của Nguyễn Ái Quốc. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là đã vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn (qua Chánh cương, Sách lược), có hệ thống tổ chức thống nhất, chặt chẽ, rộng khắp cả nước, là một bước ngoặt quyết định của lịch sử cách mạng Việt Nam.
 
2. Hồ Chí Minh đã đem ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường cho phong trào yêu nước, chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, làm cho chủ nghĩa yêu nước vươn lên tầm thời đại, trở thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, mà sau này biểu tượng sáng chói trong hai cuộc kháng chiến lừng lẫy của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong công cuộc tái thiết và phát triển đất nước theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
 
Xuất phát từ thực trạng đất nước, Nguyễn Ái Quốc không thành lập ngay đảng cộng sản mà thành lập một tổ chức cách mạng theo khuynh hướng mác-xít để qua đó dần dần đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào quần chúng lao động, đó là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trong các tác phẩm, các bài báo, bài giảng của mình, Người đã kết hợp việc phổ biến lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin với việc giới thiệu những phương hướng cơ bản của cách mạng Việt Nam, vạch cho Nhân dân ta con đường đi đến độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. “Đường Kách mệnh” là một trong những tác phẩm có giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam những năm 20 thế kỷ XX. Người tổ chức chuyển tài liệu, sách vở, báo chí về nước; gấp rút đào tạo cán bộ làm nòng cốt cho phong trào cách mạng; tổ chức tuyên truyền, cổ động tư tưởng cứu nước trong Nhân dân; mở lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu để trang bị cho các học viên những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, về những nguyên tắc hoạt động bí mật và kỹ năng thực hành các công việc vận động quần chúng; chọn những học viên ưu tú kết nạp vào nhóm bí mật, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cử về nước gây dựng phong trào... Việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin đã thúc đẩy sự phát triển những tổ chức cộng sản, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Phong trào “vô sản hóa” đã góp phần đẩy nhanh quá trình giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin của giai cấp công nhân. Phong trào đấu tranh của Nhân dân lao động được lãnh đạo, liên kết với nhau thành một làn sóng mạnh mẽ. Chủ nghĩa Mác - Lênin do Nguyễn Ái Quốc có công truyền bá, đã thật sự chiếm lĩnh được lòng tin của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
 
3. Với việc tìm ra con đường cứu nước, phát triển của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đóng góp to lớn, thiết thực chuẩn bị cho việc mở ra một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng vô sản nói chung, phong tào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới và Châu Á nói riêng.
 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng