Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên: 34 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ gắn với thực tiễn

QUỲNH UYỂN 01:01, 22/02/2023

Năm 2022, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã triển khai thực hiện 34 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp. Các đề tài nghiên cứu đều xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội đặt ra. Cụ thể, một số đề tài cơ bản: “Nghiên cứu một số chương trình phát sinh hình thái mới của lan Kim tuyến (Anoectochilus spp.) trong nuôi cấy in-vitro phục vụ công tác chọn tạo giống”; “Thiết lập phương pháp mới trong khử trùng mẫu, môi trường nuôi cấy và khắc phục một số hiện tượng bất thường trong vi nhân giống trên một số đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế”; “Nghiên cứu kỹ thuật mới trong nhân giống, ra hoa và tạo quả của cây chanh dây nuôi cấy in-vitro”; “Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về nguồn tài nguyên tre trúc ở Tây Nguyên”; “Nghiên cứu nhân giống một số loại hoa có giá trị kinh tế (thu hải đường, hồng môn, cúc) thông qua nuôi cấy các bộ phận của hoa”; “Nghiên cứu mối quan hệ di truyền các loài thú linh trưởng ở Tây Nguyên dựa trên phân tích trình tự DNA ty thể”...

Bên cạnh những đề tài xuất phát từ thực tiễn cuộc sống các tỉnh Tây Nguyên, Viện còn phối hợp với các cấp, Sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh, thành miền Trung, miền Nam thực hiện nhiều đề tài có hàm lượng khoa học và giá trị thực tiễn cao như: “Châu thổ sông Cửu Long: Địa mạo, trầm tích Holocene, thay đổi hiện tại và xu thế biến động châu thổ do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người”; “Nghiên cứu và phát triển phương pháp tiếp cận địa lý mới phục vụ đánh giá, theo dõi và dự báo xâm nhập mặn đất cho khu vực đồng bằng”; “Giải pháp khoa học và công nghệ mới cho nghiên cứu dự báo nguy cơ lũ quét độ chính xác cao phục vụ chủ động phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại thiên tai, thực hiện tại tỉnh Thanh Hóa”; “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất từ nguồn nước dư thừa trong hệ thống thu trữ nước mưa tại tỉnh Cà Mau”; “Nghiên cứu đặc điểm, phân bố và nguồn vi nhựa trong trầm tích bãi bồi cửa sông ven biển huyện Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm”; “Xây dựng quy trình cảnh báo sớm lũ quét và sạt lở đất do mưa diện rộng tích hợp các công nghệ mới cho tỉnh Quảng Bình, nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu của cộng đồng dân cư với biến đổi khí hậu”...