Nông dân với phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật

08:05, 18/05/2015

Những năm qua, phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) đã thu hút được sự tham gia của nhiều nông dân. Những sáng chế của các "kỹ sư chân đất" đã đi vào đời sống và đem lại hiệu quả cao trong lao động sản xuất.

Những năm qua, phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) đã thu hút được sự tham gia của nhiều nông dân. Những sáng chế của các “kỹ sư chân đất” đã đi vào đời sống và đem lại hiệu quả cao trong lao động sản xuất.
 
Sáng chế chiếc máy xay chế phẩm hữu cơ nông nghiệp của nông dân Vũ Đình Phúc (Đà Lạt) đã được vinh danh “Nhân tài đất Việt” năm 2014
Sáng chế chiếc máy xay chế phẩm hữu cơ nông nghiệp của nông dân Vũ Đình Phúc (Đà Lạt) đã được vinh danh “Nhân tài đất Việt” năm 2014
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhiều nông dân quanh năm “một nắng hai sương” trên ruộng đồng đã mày mò nghiên cứu, sáng tạo ra những máy móc, thiết bị từ các vật dụng quen thuộc hàng ngày và áp dụng vào đời sống thiết thực nhất. Từ những thanh thép không gỉ hay thanh inox đơn giản kết hợp với máng nước, chậu nhựa... “kỹ sư chân đất” Nguyễn Hồng Chương (xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương) đã chế tạo khung giá đỡ để trồng “rau sạch đô thị”. Thành công của sáng chế này đã đem lại một giải pháp trồng và cung cấp rau sạch cho các vùng đô thị nơi không có đất sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Trước đó, anh Chương đã nghiên cứu thành công chiếc máy dồn đất vào vỉ xốp, giúp cho việc gieo ươm cây giống nhanh và hiệu quả hơn. Cũng từ công việc sản xuất nông nghiệp hàng ngày của gia đình, anh Vũ Đình Phúc (phường 7, Đà Lạt) đã chế tạo chiếc máy xay chế phẩm hữu cơ nông nghiệp, giúp cho nông dân sử dụng tối đa phế thải nông nghiệp sau thu hoạch để chế biến thành chế phẩm phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình. Anh Phúc và sản phẩm này đã được vinh danh “Nhân tài đất Việt” năm 2014. Hay chiếc máy tuốt bắp của “kỹ sư chân đất” người dân tộc thiểu số Kơ Să Ha Tang (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) đã giúp cho công việc tách hạt bắp mất nhiều thời gian của bà con DTTS trước đây trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. 
 
Cũng từ sự sáng tạo của nông dân, chiếc máy thái cỏ nuôi bò sữa của ông Nguyễn Văn Xướng và chiếc máy băm cỏ của ông Phan Xuân Kiền cùng ở Đơn Dương đã giảm bớt sức lao động cho con người và đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi bò sữa. Cũng ở vùng nông nghiệp trọng điểm Đơn Dương, hai nông dân Nguyễn Thái Linh và Nguyễn Công Dân đã nghiên cứu thành công chiếc máy gieo hạt liên hợp. Chiếc máy này được thiết kế dựa trên nguyên lý máy gieo hạt của Úc nhưng có nhiều cải tiến về nguyên lý cũng như về cấu tạo, cho ra sản phẩm đồng đều, đạt chất lượng cao và được chủ vườn ươm cũng như bà con nông dân ưa chuộng… 
 
Trong những sáng chế trên, có một số máy móc không chỉ giới hạn ứng dụng trong khuôn khổ địa phương mà đã trở thành sản phẩm hàng hóa thương mại được tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu quốc tế, mang lại giá trị kinh tế lớn như chiếc máy dồn đất vào vỉ xốp của anh Nguyễn Hồng Chương đã xuất khẩu sang Malaysia. Tuy không được đào tạo qua các lớp chuyên môn kỹ thuật, nhưng từ thực tiễn sản xuất, những người nông dân đã mày mò nghiên cứu và sáng chế ra các loại máy móc thiết thực và có tính ứng dụng cao, đem lại hiệu quả trong sản xuất. Đa số các sáng chế đều có ý tưởng xuất phát từ thực tế, từ những trăn trở của người nông dân, sau khi hoàn thành phục vụ cho sản xuất của chính gia đình và nông dân quanh vùng. Điều này đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Nhưng hơn hết, đó là khả năng sáng tạo không giới hạn của những “kỹ sư chân đất”, góp phần vào hoạt động sáng tạo KHKT của địa phương và cũng là minh chứng cụ thể nhất cho việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào đời sống.
 
TUẤN HƯƠNG