Trà mi Lâm Đồng: Từ phong phú đến cạn kiệt

09:03, 28/03/2016

Nghiên cứu sinh (NCS) về loài trà mi (Camellia), ThS, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) Lương Văn Dũng nhận xét: Trà mi ở Lâm Đồng, về thành phần loài, tần suất công bố rất cao (hơn 10 loài trong khoảng 5 năm) cho thấy tính đa dạng rất cao...

Nghiên cứu sinh (NCS) về loài trà mi (Camellia), ThS, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) Lương Văn Dũng nhận xét: Trà mi ở Lâm Đồng, về thành phần loài, tần suất công bố rất cao (hơn 10 loài trong khoảng 5 năm) cho thấy tính đa dạng rất cao. Thế nhưng, nghiên cứu để bảo tồn nguồn gen quý này đang “là con số không”, trong lúc đó, tình trạng “chảy máu” các loài trà mi đặc hữu này ra nước ngoài ngày càng báo động. 
 
Tính đa dạng cao
 
Tính đến tháng 3/2016, trong vòng 5 năm, số loài trà mi Lâm Đồng đã được các nhà khoa học công bố mới là 14 loài, nâng tổng số lên 25 loài. Đó là thông tin rất vui không chỉ với nhà khoa học mà còn làm ngỡ ngàng giới học thuật trong và ngoài nước. Trà mi xuất hiện tại nhiều vùng núi rừng ở các địa bàn tỉnh Lâm Đồng, từ huyện Cát Tiên, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh đến Lâm Hà, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt... Nghĩa là, trà mi sống trên nhiều bình độ chênh lệch rất khác nhau; tuy nhiên, nhiều cá thể trà mi lại phân bố diện hẹp, đạt tính đặc hữu rất cao. Về màu sắc, trà mi Lâm Đồng rất phong phú, bao gồm: vàng, trắng, vàng nhạt, hồng, vàng nhạt - viền hồng, đỏ tía, vàng crôm và vàng tái. Các tác giả phát hiện là những nhà khoa học, những chuyên gia về trà mi ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc... và đặc biệt ở Việt Nam như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng...
 
NCS Lương Văn Dũng nhiều năm gắn bó và đam mê trà mi, vừa mới đây cùng Lê Nguyệt Hải Ninh tiếp tục phát hiện một loài trà mi hoa vàng tại huyện Cát Tiên. Loài trà mi mới của Việt Nam được chính thức công bố tại Hội thảo trà quốc tế tổ chức ở Dali, Trung Quốc vào tháng 2/2016 với tên khoa học là Camellia ninhii Luong & Le. Về đặc điểm, Camellia ninhii Luong & Le thuộc cây bụi, cao từ 2-4m, cành non có lông sau không lông. Lá hình ê-lip, đầu lá nhọn dài, gốc lá tròn, kích thước từ 5-7cm x 14-20cm, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có lông, gân bên 10-14 cặp, mép lá có răng cạn... Cuống lá dài 4-7mm, có lông. Hoa 1-2 ở đầu cành, đường kính 3-3,5cm; cánh hoa từ 9-11, màu vàng; nhị nhiều, dài 4-10mm... Loài Camellia ninhii Luong & Le có quả hình cầu dẹt, rộng 4-5cm x cao 3-3,5cm v.v... 
 
Hoa và quả trà mi hoa vàng ở Cát Tiên là một phát hiện mới nhất
Hoa và quả trà mi hoa vàng ở Cát Tiên là một phát hiện mới nhất
Khẩn thiết bảo tồn
 
Tôi thắc mắc với ý kiến của ThS Lương Văn Dũng vì từng tham dự buổi bảo vệ đề tài khoa học nghiên cứu về trà mi Lâm Đồng của ông tại Hội đồng khoa học tỉnh Lâm Đồng, trong đó có phần bảo tồn trà mi, nhưng đến giờ đã mấy năm vẫn “là con số không”? Ông Dũng khẳng định: Đúng là đề tài có phần về định hướng bảo tồn và cũng đã có văn bản yêu cầu nhóm nghiên cứu chuyển giao giống ra thực tế. “Tuy nhiên, văn bản vẫn chỉ là văn bản, chúng tôi luôn sẵn sàng và rất muốn được chia sẻ kết quả nghiên cứu nhưng thực tế chẳng có ai đầu tư nên đến nay vẫn không có mô hình nhân rộng loài trà mi là vậy” - ông Dũng bày tỏ sự tiếc nuối. Vì vậy, trong thực thế, mô hình trồng trà mi tại khuôn viên Trường Đại học Đà Lạt cũng chỉ thuộc phạm vi báo cáo của đề tài, dừng lại tính minh họa nhiều hơn là đầu tư phát triển bài bản và mang tầm chiến lược bảo tồn. 
 
Liệu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có những mô hình trà mi Lâm Đồng tự phát? Xin thưa, hiện có 3 mô hình của cá nhân với quy mô mang tính sưu tập ở 3 huyện Cát Tiên, Lâm Hà và Đức Trọng. Tại 3 mô hình này, chủ nhân đã sưu tập được rất nhiều cây trà mi Lâm Đồng, thậm chí rất to. Nếu được nhà nước và cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng nắm lấy ngay 3 mô hình của các cá nhân này để điều tra, đánh giá và hỗ trợ thì sẽ trở thành một trong những hướng đi bảo tồn trà mi có tính khả thi rất cao. Hiện những người sưu tập này cũng chỉ duy trì ở cách thức chơi cây cảnh chứ chưa có những định hướng bằng khoa học kỹ thuật. 
 
Càng đáng buồn hơn, trong khi tỉnh chưa triển khai thực hiện được những dự án bảo tồn trà mi đặc hữu thì tình trạng “chảy máu” trà mi ra nước ngoài đã diễn ra cả chục năm nay, và ngày càng đáng báo động. Giới khoa học cho biết, hiện tại, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Pháp... đã hiện hữu nhiều giống trà mi của Lâm Đồng; hơn thế, đã thành những vườn phát triển bài bản. Tình trạng trà mi “chảy máu” ra nước ngoài do các nguyên nhân chủ yếu: Buông lỏng trong khâu quản lý, ít quan tâm nên gần như thả nổi; thông qua hợp tác nghiên cứu khoa học và con đường chủ yếu nhất là qua thu mua trà mi trôi nổi ngoài thị trường. 
 
Với tình hình không có chiến lược bảo tồn, môi trường sinh thái bị phá hủy bởi nạn phá rừng, cộng với nạn mua bán nêu trên, hiện trà mi Lâm Đồng đã và đang ngày càng suy giảm mạnh số lượng cá thể. “Trà mi ở một số địa bàn trong tỉnh giảm nhiều và nhanh vì việc đào bới đã xảy ra ở mức độ rất lớn. Bởi vì trà mi của Lâm Đồng quá đặc biệt, là độc nhất vô nhị. Bây giờ, vấn đề không phải là loài mới mà quan trọng bậc nhất là phát triển nó trong chiến lược bảo tồn”, ThS Lương Văn Dũng khẳng định.
 
MINH ĐẠO