Lai bò tót thế hệ hai, tin vui ngày đầu năm

08:01, 09/01/2017

"Một công việc táo bạo mang ý nghĩa khoa học chưa từng có tiền lệ về khát vọng lai thành công chú bò tót F2 có thể phối giống với hàng trăm con bò nhà, mở ra hướng kinh doanh thương phẩm đã có tia hy vọng rất quan trọng"

“Một công việc táo bạo mang ý nghĩa khoa học chưa từng có tiền lệ về khát vọng lai thành công chú bò tót F2 có thể phối giống với hàng trăm con bò nhà, mở ra hướng kinh doanh thương phẩm đã có tia hy vọng rất quan trọng” - PGS.TS Lê Xuân Thám, nguyên Giám đốc Sở KHCN Lâm Đồng, chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa” - hồ hởi cho chúng tôi biết tin vui này vào những ngày đầu năm 2017.
 
Ông Quảng Minh Thành, người trông coi trại nghiên cứu cho bò ăn nhưng không dám tới quá gần. Ảnh: Chính Thành
Ông Quảng Minh Thành, người trông coi trại nghiên cứu cho bò ăn nhưng không dám tới quá gần.
Ảnh: Chính Thành

Nín thở chờ đợi
 
Thật khó diễn tả thành lời tin vui này khi được biết, phải mất hai năm vất vả nghiên cứu, 10 con bò F1 lai cùng dòng đều có tỉ lệ vô sinh tuyệt đối đã làm nản lòng không ít các nhà khoa học. Khi tiếp tục cho lai khác dòng thì kết quả đều “dậm chân” tại chỗ khiến nhiều người cho rằng bò lai F1 không thể để lại “hậu duệ” như bò tót cha như mong đợi. Về mặt khoa học, việc này chứng tỏ việc lai tạo bất tương hợp cao, rất khó hữu thụ đúng như các nhà sinh vật học trên thế giới đã phân tích. Và, như lời một cán bộ Vườn Quốc gia Phước Bình từng chia sẻ với chúng tôi: “10 con bò tót F1 (5 đực và 5 cái) sẽ chết già trong vòng 20 năm nữa bởi thế giới cũng chưa có nhà sinh vật học nào tạo được kỳ tích lai thành công bò tót F2 ổn định bộ nhiễm sắc thể (NST) từ bò tót F1”.   
 
Thế nhưng, hy vọng tạo nên kỳ tích đã xuất hiện vào cuối năm 2016. “Bất ngờ xảy ra vào cuối tháng 12 năm nay, chúng tôi phát hiện được 3 con lai F2, trong đó có một con đã sinh với đầy đủ đặc điểm nhận dạng giống với bò tót rừng (giống bò lai F1) và chỉ đợi đầu năm 2017 để lấy mẫu máu làm xét nghiệm ADN và bộ NST từ Viện Hạt nhân Đà Lạt để có kết luận chính thức. Chúng tôi tin chắc khả năng lai thành công bò tót thế hệ hai là trên 90%, vượt qua giai đoạn bi quan nhất vừa qua” - PGS Lê Xuân Thám vui mừng chia sẻ và cho biết, ông và các cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng đánh giá rất cao trước thông tin quý giá này.
 
Điều lý thú hơn là con cái lai F2 đầu tiên hiện đã mang bầu với một con bò đực nhà và chuẩn bị sinh con. Nghĩa là thế hệ bò tót lai thứ ba chuẩn bị ra đời, đem tới hy vọng bảo tồn “món quà quý hiếm của thiên nhiên” ngày một lớn dần. Hào hứng trước tin vui PGS Thám chia sẻ, chúng tôi cấp tốc xuống VQG Phước Bình, nơi các nhà khoa học xây dựng hẳn một trang trại nuôi tập trung 10 chú bò tót F1 (tại thôn Pạc Rây, xã Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận) do Sở KHCN 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Khánh Hòa hợp tác nghiên cứu. 
 
Ngay từ phía xa, trên chiếc cầu treo bắc qua con sông thơ mộng thôn Pạc Rây 2 chúng tôi đã nhìn thấy những chú bò tót đen đang lừng lững gặm cỏ bên mép sông. Trong trại bò là 10 con bò tót lai F1 (có 5 con cái và 5 con đực, trung bình từ 5 - 6 tuổi), những chú bò lai dáng vẻ oai vệ to lớn có màu lông nâu thẫm, cặp sừng bán nguyệt đặc trưng khác biệt hẳn so với những con bò nhà gặm cỏ thơ thẩn gần đó. 
 
Nhìn các chú bò có biểu hiện khác lạ, anh Hồ Bá Quân, cán bộ kỹ thuật thuộc Sở KHCN tỉnh Lâm Đồng - người chăm sóc, ghi nhận các thông số phát triển của đàn bò tót tại đây cảnh báo: “Các anh đứng xa ra nhé, khi cho bò ăn chúng tôi cũng phải giữ khoảng cách nhất định vì đặc tính hoang dã của bò tót còn mạnh lắm!”. Quả đúng như anh Quân nói, chúng tôi không thể tới gần vì vài con đực khá hung dữ, có con thì quá hiếu động và còn lại thì tỏ ra nhút nhát khi ai đó tới gần. Điểm chung của 10 chú bò tót F1 đều không có con nào bị xỏ mũi, chỉ bấm số vào tai bởi đặc tính hoang dã của chúng.
 
Anh Quân cho hay, trọng lượng hiện tại mỗi con đều từ 600 - 650 kg và vẫn đang phát triển thêm, gấp gần 3 lần trọng lượng bò nhà. Ngoài trọng lượng, điểm dễ phân biệt nhất giữa bò tót lai và bò nhà là bò tót lai có sống lưng dài khoảng 70 cm màu trắng, một đặc điểm mà bò nhà không có được. 
 
Hậu duệ bò tót F1
 
Có lẽ người vui nhất lúc này trong câu chuyện bò tót rừng bất ngờ mang lộc rừng xanh về với thôn Pạc Rây 2 là gia đình ông Nguyễn Văn Chuẩn (46 tuổi, ngụ thôn Pạc Rây 2). Vui mừng là bởi trước đó, đầu năm 2009 khi người đầu tiên trong làng phát hiện một con bò tót đen trũi, nặng hơn 1 tấn xuất hiện tại rẫy ngô cùng vài chục con bò nhà thì cả thôn ai nuôi bò cũng tỏ ra lo lắng. 
 
Thế nhưng, chỉ sau đó ít lâu, những chú bò nhà sau khi “gần gũi” với bò tót bắt đầu có thai và sinh ra những chú bê lai phổng phao, mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho bà con bản địa. Tới thời điểm đầu năm 2015 trước khi chết vì quá già theo nhận định của Vườn Quốc gia Phước Bình, chú bò tót rừng đã kịp sản sinh ra khoảng 20 con bê lai (F1) quý giá. Và trong số 20 con bê lai này, gia đình ông Chuẩn sở hữu 9 con F1 với vóc dáng vượt trội so với bê nhà một cách rõ rệt. Trước đó, năm 2014 thời điểm các nhà khoa học vận động mua lại bò tót F1 để nghiên cứu ông Chuẩn đã bán đi 7 con thu về số tiền gần 400 triệu đồng. 
 
Anh Quân chia sẻ, niềm vui bà con thôn Pạc Rây như nhân lên khi quá trình thử nghiệm lai cùng dòng và khác dòng, Sở KHCN Lâm Đồng và Ninh Thuận đã đồng ý tiến hành song song việc giao phối trong trại và với cả bò nhà của người dân quanh vùng. Nhưng khi bò cái và đực Brahman và bò Red Angus nhập về để giao phối với bò F1 chưa thành công thì bất ngờ bò trong trại phối với bò nhà lại bất ngờ có kết quả. Hiện một con bò cái nhà của một hộ dân được thả trong trại thực nghiệm, qua nhiều lần giao phối với bò F1đã có bầu 10 tháng. Riêng con bò cái F1 (nghi phối với bò đực nhà) của anh Chuẩn đã sinh ra một chú bò cái F2 và đang tiếp tục có bầu tháng thứ 10. 
 
Gặp chúng tôi vào buổi chiều muộn tại chuồng bò gần khu trại thực nghiệm lai bò tót, ông Chuẩn mừng rỡ cho biết, con bò cái F2 của gia đình ông đã có bầu được 5 tháng. Đây là tin vui khiến ông Chuẩn nói có mơ ông cũng không dám nghĩ tới vì xác suất đậu thai bò cái F2 là cực thấp. Theo quan sát của chúng tôi, bò cái F2 của ông Chuẩn hiện bụng đã khá lớn. Dấu hiệu nhận biết chú bò cái mang bầu là bò lai F2 khá dễ dàng, do có cặp sừng cong dài đều hai bên và lông toàn thân ngả màu nâu sẫm. Đồng thời bò tót lai không hề có u trên lưng và nọng dưới cổ, một đặc điểm mà bò nhà nào cũng có. Tuy nhiên, bò F2 chỉ có trọng lượng gần 400 kg, không có thể hình vượt trội bò nhà như bò F1. “Gia đình tôi vui nhưng cũng hồi hộp lắm, không biết bê con sinh ra có được như dòng F1 hay không. Các nhà khoa học nói cần kiểm nghiệm gen và nhiều yếu tố nữa mới kết luận chính xác nên gia đình tôi đang khấp khởi đợi từng ngày” - ông Chuẩn cho biết.
 
Triển vọng phát triển bò tót thương phẩm
 
PGS.TS Lê Xuân Thám chia sẻ: Từ đầu năm 2014, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt kiểm nghiệm cho kết quả 10 chú bò tót F1 mua từ người dân đều có cặp NST là 2n=58 (bò nhà có cặp NST là 2n=60, bò tót rừng có cặp NST là 2n=56) nên có thể khẳng định chắc chắn bò F1 là “hậu duệ” của bò tót rừng. Đây là kết quả thành công bước đầu từ đề tài cấp tỉnh được thực hiện đầu năm 2013 giữa tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, sau khi báo chí và người dân thông tin từ năm 2009 tới 2012 có nhiều bò nhà nghi lai bò tót rừng tại khu vực xã Phước Bình. Tiếp tục thành công ban đầu trên, đầu năm 2014, Bộ KHCN đã đồng ý thành lập đề tài cấp nhà nước về “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa”, được triển khai cuối năm 2015. Theo đó, đề tài cấp nhà nước đặt ra yêu cầu quan trọng nhất là trong 3 năm tới sẽ lai thành công các cá thể bò tót cùng dòng F2. Từ những giống bò lai ổn định nguồn gen quý hiếm trên, các đơn vị sẽ bắt đầu cho khai thác kinh doanh thịt bò thương phẩm trên diện rộng. Tuy nhiên, phải tới tháng 6/2016, đặc biệt là đầu năm 2017 hy vọng đề tài thành công mới tới với các nhà khoa học.
 
“Chúng tôi đang cố gắng tập trung cao độ nghiên cứu các trường hợp hiếm hoi gần như khẳng định là bò tót dòng F2. Nếu không có thay đổi, dự kiến tháng 5/2017, chúng tôi sẽ tổ chức Hội thảo tại TP Phan Rang để thông tin và trao đổi với các chuyên gia trong nước về các kết quả mới nhất đạt được. Bởi với kết quả khả quan bước đầu, chúng tôi tự tin đề tài sẽ có ý nghĩa khoa học to lớn, hết sức độc đáo của Việt Nam và trên cả thế giới” - PGS Lê Xuân Thám cho biết thêm.
 
Còn theo ông Nguyễn Như Trương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, đơn vị quản lý nguồn vốn đề tài nghiên cứu cấp nhà nước cho biết, tới thời điểm này, việc nghiên cứu đã qua 1/3 thời gian, hiện trung tâm đang khẩn trương nghiên cứu, thử nghiệm sâu thêm. “Chúng tôi đón nhận thông tin trên một cách thận trọng và đầy hứng khởi. Song song với cách kiểm tra về gen các trường hợp dự đoán là bò tót dòng F2, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng các cách phối ghép khác mang tính khoa học và hy vọng tới năm 2018 sẽ lai thành công con đực F2 có bộ nhiễm sắc thể mang nguồn gen bò tót ổn định, nếu thành công sẽ mở ra hướng kinh doanh bò thương phẩm, đăng ký bản quyền bò tót đặc biệt cho người dân ba tỉnh Tây Nguyên”- ông Trương chia sẻ.
 
CHÍNH THÀNH - TUẤN LINH