Phát hiện thêm một loài thạch tùng mới ở rừng Lâm Đồng

06:03, 16/03/2020

Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)...

Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tại Đà Lạt đã phát hiện thêm một loài thực vật mới tại khu vực núi Langbiang có tên là thạch tùng mác Phlegmariurus lancifolius V.T Tran & N.V. Duy. 
 
Loài mới phát hiện được các nhà khoa học mô tả: lá dài 30 - 40 cm, hình mũi mác - nhọn, xếp xoắn ốc, góc lá hẹp, không cuống, mép lá nguyên, đỉnh nhọn. Nhánh bào tử nằm ở cuối ngọn nhánh, 1 - 2 lưỡng phân, có kích thước 4 - 8 × 0.2 - 0.5 cm. Lá bào tử sắp xếp thưa thớt, hình nêm hay hình trứng, có kích thước 2 × 2 mm, gân thấy rõ, mép lá nguyên, đỉnh nhọn, góc lá không cuống. Túi bào tử ở nách của lá bào tử của phần trên thân cây hoặc cành, màu vàng, hình thận chữ V, hơi phẳng, nứt dọc.
 
Loài thạch tùng mới phát hiện thuộc chi Phlegmariurus (Herter) Holub là một chi lớn trong họ Thạch tùng (Lycopodiaceae), bao gồm khoảng 250 loài và phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới trên toàn cầu. Đặc biệt, loài thạch tùng mác mới phát hiện là loài ưa ẩm và bóng râm, sống bám chủ yếu trên cây gỗ, đôi khi trên các tảng đá ẩm có nhiều rêu và mùn trong rừng rậm, độ cao từ 1.900 - 2.000 m.
 
Việc phát hiện thêm loài thực vật mới càng minh chứng rằng rừng Lâm Đồng có hệ thực vật phong phú đang ẩn chứa sự đa dạng sinh học với nhiều nguồn gen quý cần được bảo vệ.
 
QUỲNH UYỂN