Một ủy ban quốc tế đã quyết định một trong những hình ảnh đầu tiên do James Webb cung cấp sẽ được công bố là Carina Nebula, cách Trái Đất khoảng 7.600 năm ánh sáng.
|
Ảnh minh họa |
Kính viễn vọng không gian James Webb chuẩn bị tiết lộ những hình ảnh ngoạn mục mới của vũ trụ với độ sắc nét chưa từng thấy.
Ngày 11/7, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết các thiên hà xa xôi, tinh vân sáng và một hành tinh khí khổng lồ nằm trong số những mục tiêu đầu tiên của James Webb, kính viễn vọng không gian mạnh nhất được đưa vào quỹ đạo.
Những hình ảnh này đang được bảo vệ vô cùng cẩn thận nhằm tạo nên sự hồi hộp trước khi được công bố vào ngày 12/7.
Một ủy ban quốc tế đã quyết định một trong những hình ảnh đầu tiên do James Webb cung cấp sẽ được công bố là Carina Nebula, cách Trái Đất khoảng 7.600 năm ánh sáng.
NASA cho biết đây là một trong những tinh vân lớn nhất và sáng nhất trên bầu trời, bao gồm những ngôi sao có kích thước lớn hơn Mặt Trời đến vài lần.
Kính viễn vọng James Webb cũng đã thực hiện phương pháp phân tích dữ liệu quang phổ ánh sáng đối với một hành tinh khí khổng lồ có tên là WASP-96 b, được phát hiện vào năm 2014.
Cách Trái Đất gần 1.150 năm ánh sáng, WASP-96 b có khối lượng bằng một nửa sao Mộc và quay quanh ngôi sao của nó chỉ trong 3,4 ngày.
Nhà thiên văn học Nestor Espinoza tại Viện Khoa học Kính viễn vọng không gian (STSI) giám sát James Webb cho biết các phép quang phổ ngoại hành tinh trước đây được thực hiện bằng các thiết bị hiện có rất hạn chế so với những gì James Webb có thể làm được.
Ông ví von việc sử dụng các công nghệ trước đây để quan sát vũ trụ giống như “ở trong một căn phòng rất tối và bạn chỉ có thể nhìn qua một lỗ kim nhỏ." Giờ đây, với James Webb, các nhà khoa học đã có thể quan sát vũ trụ qua từng chi tiết.
James Webb trị giá 10 tỷ USD đã được phóng vào không gian hồi tháng 12/2012. Kính viễn vọng này hoạt động trong quỹ đạo quay quanh Mặt Trời cách Trái Đất 1,5 triệu km, xa hơn nhiều so với kính viễn vọng Hubble chỉ hoạt động trên quỹ đạo của Trái Đất ở độ cao khoảng 610 km kể từ năm 1990.
James Webb có thể nhìn sâu vào vũ trụ hơn bất kỳ kính thiên văn nào trước đó nhờ phần gương có đường kính đến 6,5m (gấp 3 lần so với Hubble) được tạo thành từ 18 mảnh gương lục giác, và các thiết bị tập trung vào tia hồng ngoại, cho phép kính thiên văn này có thể nhìn xuyên qua bụi và khí.
Khả năng hồng ngoại của James Webb cho phép kính thiên văn này quan sát sâu hơn, ngược trở lại thời điểm xảy ra vụ nổ Big Bang cách đây 13,8 tỷ năm.
Ở thời điểm hiện tại, những hình ảnh về vũ trụ được quan sát sớm nhất trong khoảng 330 triệu năm kể từ sau vụ nổ Big Bang.
Tuy nhiên, với khả năng vượt trội của kính viễn vọng James Webb, các nhà thiên văn học tin rằng sẽ dễ dàng có thêm những phát hiện sớm hơn nữa về vũ trụ, phá vỡ kỷ lục thời gian nói trên.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin