Tổng kết hoạt động tín dụng chính sách năm 2022

LÊ HOA 18:04, 12/01/2023

(LĐ online) - Ngày 12/1/2023, Ban đại diện (BĐD) Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lâm Đồng tổ chức tổng kết hoạt động năm 2022.

Ông Võ Ngọc Hiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng phát biểu kết luận Hội nghị
Ông Võ Ngọc Hiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng phát biểu kết luận Hội nghị

Báo cáo tóm tắt hoạt động của BĐD HĐQT NHCSXH năm 2022, do bà Nguyễn Thị Ngọc Thu - Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Ban đại diện NHCSXH các cấp đã bám sát các chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng quản trị NHCSXH và NHCSXH Việt Nam để chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách; trong đó, có các chương trình tín dụng chính sách thực hiện theo Nghị quyết 11/NQ-CP gắn với giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; đặc biệt, là tổ chức thành công “Tuần gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” và tổng kết hoạt động 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2022 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở cấp tỉnh và 12 huyện thị.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chủ động phối hợp cùng tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, nhiệm vụ được NHCSXH giao và Nghị quyết của BĐD NHCSXH đề ra với doanh số cho vay, doanh số thu nợ, tăng trưởng dư nợ cao so với cùng kỳ; đến 31/12 tăng trưởng huy động vốn hoàn thành 122,8% kế hoạch năm, tăng trưởng nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương hoàn thành 294,7% kế hoạch năm, tăng trưởng dư nợ đạt 17,5%, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 96,68; tỷ lệ nợ quá hạn 0,06%. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu – Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Lâm Đồng trình bày báo cáo tổng kết
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Lâm Đồng trình bày báo cáo tổng kết

Chất lượng hoạt động tại 142 Điểm giao dịch xã, chất lượng tín dụng chính sách được duy trì và nâng lên; nợ quá hạn của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác giảm cả về số tương đối và số tuyệt đối so với đầu năm, có 8 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, 84 địa bàn cấp xã không có nợ quá hạn; tỷ lệ tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loạt tốt, loại khá chiếm 99,63%. Đánh giá chất lượng tín dụng chính sách của chi nhánh, của 11 Phòng giao dịch và Hội sở tỉnh đều xếp loạt tốt. 

Tổng nguồn vốn đạt 4.961.100 triệu đồng, tăng 18,4% so với đầu năm. Doanh số cho vay 1.725.374 triệu đồng/36.240 lượt khách hàng (tăng 472.970 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021), trong đó cho vay sản xuất kinh doanh 1.309.308 triệu đồng, với mức cho vay bình quân 65,06 triệu đồng/khách hàng. Doanh số thu nợ 1.016.914 triệu đồng (tăng 155.062 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021), chiếm 58,9% doanh số cho vay. Tổng dư nợ 4.762.994 triệu đồng/95.955 khách hàng, tăng trưởng 17,5% so với đầu năm, đạt 100% kế hoạch.

Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu tại Hội nghị
Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu tại Hội nghị

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư sản xuất, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra với 2.209 hộ nghèo, 5.889 hộ cận nghèo và 3.651 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 10.201 lao động, 3.826 gia đình học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập, 2.509 gia đình học sinh, sinh viên vay vốn mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến, giúp cho 11.717 hộ gia đình tại vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 12 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, 50 cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2022 còn 1,94%, trong đó hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 5,65%; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh.

Với những kết quả hoạt động trong năm 2022, Chi nhánh NHCSXH tỉnh được Tổng Giám đốc NHCSXH tặng danh hiệu “Đơn vị có chuyên đề Kiểm tra kiểm soát xuất sắc Ba hệ thống”; tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và dẫn đầu phong trào thi đua trong các đợt thi đua ngắn ngày; 11 Phòng giao dịch và Hội sở NHCSXH tỉnh được biểu dương khen thưởng trong thực hiện chỉ tiêu nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương.

Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội phát biểu ý kiến
Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội phát biểu ý kiến

Tuy nhiên, trong hoạt động của NHCSXH còn một số khó khăn, tồn tại, là: Huy động vốn từ tổ chức cá nhân chưa bền vững tại một số Phòng giao dịch; còn 2 Phòng giao dịch có tỷ lệ nợ quá hạn trên 0,1%; 2 xã có tỷ lệ nợ quá hạn trên 0,5% và còn 9 tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình; việc triển khai danh sách đối tượng thụ hưởng tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ đối với trường hợp hỗ trợ đất ở, hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở còn chậm do chưa có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước…

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở ngành và các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên BĐD HĐQT NHCSXH đã phát biểu góp ý cho báo cáo, nhận xét hoạt động tín dụng chính sách trong năm 2022 và kiến nghị các giải pháp trong năm 2023 để thúc đẩy hoạt động tín dụng chính sách hiệu quả hơn nữa… 

Mục tiêu cho năm 2023 là dư nợ tăng trưởng từ 10% trở lên, hoàn thành 100% kế hoạch được giao; tỷ lệ nợ quá hạn nhỏ hơn hoặc bằng 0,06%/tổng dư nợ, không phát sinh nợ chiếm dụng; tỷ lệ tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt trên 97%, không có tổ xếp loại kém; chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại 12 huyện, thành phố đều đạt loại tốt; 50% Điểm giao dịch xã đạt tiêu chí Điểm giao dịch xã kiểu mẫu...

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Võ Ngọc Hiệp – Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng, đề xuất chuyển nội dung kiểm tra, giám sát sang quý 2 và quý 3 để quý 1 kiện toàn bộ máy hoạt động. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tranh thủ sự ủng hộ của địa phương để nhận uỷ thác nguồn vốn phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách… Các thành viên BĐD và các tổ chức chính trị - xã hội bán sát kế hoạch hoạt động và các vấn đề có liên quan để hoạt động của NHCSXH và các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả, đạt được mục tiêu là người nghèo thoát nghèo…