Trước 3 chữ ''biến'' - kiến tạo thế nào? (bài cuối)

VĂN VIỆT 05:12, 26/04/2023

Với quyết tâm chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp tích hợp đa giá trị trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục kiến tạo giải pháp chính sách đột phá dựa trên “ba trụ cột” nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh.

Tỉnh Lâm Đồng có hơn 15 năm kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, làm nền tảng phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu
Tỉnh Lâm Đồng có hơn 15 năm kinh nghiệm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, làm nền tảng phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu

TRÌNH ĐỘ CANH TÁC CAO HƠN MẶT BẰNG CHUNG CẢ NƯỚC

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng Trần Văn Tuận, triển khai giải pháp chính sách phát triển nông nghiệp sinh thái hữu cơ trong năm 2022 vừa qua, bên cạnh mô hình sản xuất mắc ca hữu cơ (15 ha/4 hộ, 2 tấn hạt/ha) tại Cơ sở Mắc ca Dung Hội ở xã Phi Liêng và xã Đạ K’nàng, huyện Đam Rông đã nêu trong bài trước, toàn tỉnh còn có 4 mô hình hữu cơ khác gồm: Sản xuất cà phê tại Tổ hợp tác Cà phê Hoa Linh, xã Tân Châu, huyện Di Linh (10,5 ha/ 3 hộ, 3 tấn nhân/ha); chăn nuôi 38 con bò thịt tại nông hộ Nguyễn Quốc Thắng, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, thu lời gần 7,5 triệu đồng/con/năm; sơ chế bảo quản lúa tại Liên hiệp Hợp tác xã Lúa gạo Cát Tiên (7 hợp tác xã, 70 ha), giảm 75% công lao động; trồng 2 ha atiso tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt có tỷ lệ cây sống 96%...

Kết quả toàn tỉnh hiện có 28 tổ chức, cá nhân được cấp Chứng nhận sản xuất hữu cơ với tổng diện tích hơn 1.334,2 ha, đạt 83,4% mục tiêu Đề án. Trong đó, diện tích rau, củ, quả hơn 54,2 ha tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà và TP Đà Lạt; hơn 1.090,4 ha điều và 4 ha nếp quýt huyện Đạ Tẻh; 20 ha lúa huyện Cát Tiên; 6 ha cà phê và 3,6 ha mắc ca huyện Di Linh; 6,5 ha nấm huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt; 5 ha chè huyện Lâm Hà… Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 140 ha đồng cỏ tại 2 huyện Di Linh và Đơn Dương phục vụ chăn nuôi 1.005 con bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam. Và tính đến hết quý I/2023, toàn tỉnh đã hình thành, công nhận 8 vùng và 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 65.308 ha, trong đó gồm 456 ha ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ số, tăng 2,4% so với năm 2021...

“Với hơn 15 năm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở vật chất, hạ tầng sản xuất cũng như trình độ canh tác, chăn nuôi của nông dân Lâm Đồng cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân luôn sẵn sàng tiếp cận, ứng dụng hiệu quả các công nghệ thông minh trong sản xuất, chăn nuôi và quản lý trang trại...”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng Trần Văn Tuận đánh giá. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh như: “Xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh”; “Thí điểm xây dựng Mô hình Làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt”; “Thí điểm xây dựng huyện Đơn Dương đạt nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019 - 2025”... Đơn cử đi vào triển khai trong nhiều giải pháp kiến tạo hỗ trợ khởi nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã ưu tiên hỗ trợ mỗi dự án nông nghiệp thông minh với tỷ lệ 50% chi phí áp dụng khoa học công nghệ, tư vấn sở hữu trí tuệ, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ 3% lãi suất sau đầu tư với thời gian 36 tháng...

Vào giữa tháng 4/2023, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu ký văn bản giao nhiệm vụ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tiếp tục chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả hơn nữa Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn trong năm 2023, làm cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai đến năm 2025. Theo đó, trong năm 2023, toàn tỉnh chọn lựa, hỗ trợ nông dân mở rộng 575 ha diện tích cây trồng hữu cơ chủ lực như: lúa, chè, cà phê, điều, nấm, tổng sản lượng 4.685 tấn/năm; bò sữa 500 con (1.250 tấn/năm); bò thịt 150 con (18 tấn/năm); gà 9.000 con (gần 1,5 triệu quả/năm)… Đến năm 2025, toàn tỉnh nâng lên tổng số 1.600 ha diện tích được chứng nhận hữu cơ, trong đó rau 250 ha, cây ăn quả 200 ha và bò sữa 2.000 con; hình thành tối thiểu 11 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Và năm 2030, toàn tỉnh hình thành tối thiểu 4 mô hình làng nông nghiệp sinh thái kết hợp phát triển du lịch canh nông. 

ĐỒNG BỘ CHUYỂN ĐỔI KÉP XANH VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

“Phát triển nông nghiệp sinh thái hữu cơ, tuần hoàn nhằm giảm thiểu tối đa tác động môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bởi vậy toàn tỉnh Lâm Đồng xác định và tổ chức triển khai những giải pháp phát triển nhanh, tạo đột phá, lấy thước đo hiệu quả kinh tế làm cốt lõi trong việc xây dựng các kế hoạch sản xuất, trong đó yếu tố mang tính quyết định là phải đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên,nguồn lực, đạt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng...”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng định hướng. Dựa vào “hành lang” kiến tạo này, toàn tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất hiện đại, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các công trình thủy lợi lớn như Ta Hoét, Đông Thanh, Kazam được ngân sách Trung ương bố trí vốn đầu tư. Các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, duy tu bảo dưỡng kênh mương cũng được đầu tư kịp thời, qua đó đã chủ động cấp nước tưới 138.850 ha, đạt 67,1% diện tích cần tưới, trong đó có 48.388 ha được tưới bằng các biện pháp tiên tiến tiết kiệm. Các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cũng được chú trọng đầu tư, nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh nông thôn đạt 92%. Diện mạo các vùng nông thôn hiện đại đến đầu năm 2023 có thêm 3 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, 10 xã nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn kiểu mẫu và 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Lũy kế gồm 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (96,4%); 33 xã nông thôn mới nâng cao (29,7%); 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu (8,1%); 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; TP Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh “giải pháp của những giải pháp” kiến tạo thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, đồng bộ chuyển đổi kép xanh và chuyển đổi số trên địa bàn trong thời gian tới gồm: “Tăng cường công tác tập huấn cho các thành phần kinh tế thấy được giá trị và ý nghĩa chuyển đổi kép xanh và chuyển đổi số, bởi đây là xu hướng tất yếu của thời đại để từng bước chủ động ứng dụng trong quá trình tổ chức sản xuất. Đẩy mạnh công tác tạo lập, số hóa, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hướng đến đồng bộ các công cụ quản lý về đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; đồng thời kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; ứng dụng vào quản lý, giám sát tài nguyên rừng; quản lý hồ đập, phòng, chống và cảnh báo thiên tai…”.

Kế hoạch chuyển đổi số canh tác nông nghiệp thông minh toàn tỉnh Lâm Đồng mong muốn đạt 1.000 ha vào năm 2025 và tăng lên 3.000 ha đến năm 2030, hy vọng “cộng hưởng” với các giải pháp kiến tạo phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, trở thành “3 trụ cột” tạo bước đột phá mạnh mẽ, thích ứng với 3 chữ “biến” trên toàn cầu hiện nay gồm: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế của người tiêu dùng.