Quyết liệt giảm nợ thuế, tăng thu ngân sách nhà nước

DIỄM THƯƠNG 05:49, 23/05/2023

Với mục tiêu thu tối thiểu 80% nợ thuế có khả năng thu và gắn trách nhiệm thu nợ, xử lý nợ đọng cho từng đơn vị, ngay từ đầu năm, ngành Thuế tỉnh Lâm Đồng đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để siết chặt quản lý thu hồi nợ, hạn chế nợ đọng thuế.

Người nộp thuế làm việc tại Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng
Người nộp thuế làm việc tại Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng

Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh, tổng số nợ thuế toàn tỉnh đến ngày 30/4 là 991,673 tỷ đồng; trong đó, nợ thuế, phí là 510,281 tỷ đồng, nợ có khả năng thu 925,470 tỷ đồng.

Nguyên nhân của việc tồn đọng nợ thuế là do một số doanh nghiệp chây ỳ hoặc khó khăn, mất khả năng thanh toán trong thời gian phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19 và lãi suất tăng cao. Các khoản nợ khó thu do doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, bỏ kinh doanh vẫn phải tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế, dẫn đến tăng nợ. Còn tình trạng doanh nghiệp chỉ nộp tiền thuế nợ trên 90 ngày, dẫn đến thường xuyên có khoản nợ thuế dưới 90 ngày...

Theo Phòng Thanh tra kiểm tra 1, Cục Thuế tỉnh phân tích, riêng tổng số nợ thuế ước tính đến thời điểm 30/4 là 140,760 tỷ đồng, trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 87,497 tỷ đồng. Số liệu cho thấy, số nợ thuế chủ yếu của các doanh nghiêp nằm ở ngưỡng 1 - 30 ngày chiếm 41% tổng số nợ và nợ trên 90 ngày chiếm 38% tổng số nợ.

Xác định thu hồi nợ đọng thuế là nhiệm vụ khó khăn, nên ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý nợ, đôn đốc thu hồi, cưỡng chế nợ thuế. Cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu nợ và chỉ đạo các Chi cục Thuế khu vực chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế, phân loại từng khoản nợ, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp phù hợp. Cục Thuế tỉnh tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để thu hồi nợ thuế, góp phần giảm số thuế nợ đọng, tăng thu cho ngân sách.

Để tăng cường thu hồi nợ thuế, từ nay đến cuối năm 2023, ngành Thuế sẽ tiếp tục rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng, lập danh sách những doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng. Trường hợp chây ỳ, ngành Thuế sẽ kiên quyết cưỡng chế thu nợ theo quy định. Các Chi cục Thuế phối hợp với Phòng Quản lý nợ - Cưỡng chế nợ thuế cung cấp thông tin để thực hiện cưỡng chế các đơn vị cố tình dây dưa, nợ đọng thuế kéo dài, tránh trường hợp để đến khi người nộp thuế có số nợ thuế quá lớn mới thực hiện cưỡng chế và người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, tẩu tán tài sản.

Đối với các doanh nghiệp khó khăn về tài chính tạm thời chưa thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế nếu doanh nghiệp cam kết hàng tháng ngoài tiền thuế nợ phát sinh doanh nghiệp nộp một phần tiền thuế nợ và thực hiện đúng. Nếu doanh nghiệp không thực hiện theo cam kết, sẽ thực hiện ngay các biện pháp cưỡng chế nợ thuế phù hợp. Đây cũng là một biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có số nợ thuế cao nhưng là đơn vị sản xuất hoặc có số lượng lớn người lao động.

Về phía địa phương, thực hiện chỉ đạo trong việc giám sát các dự án chậm triển khai trên địa bàn. Trường hợp người nộp đã được UBND các cấp giao đất, cho thuê đất, có các hợp đồng thuê đất, khai thác mỏ, trong quá trình sản xuất, kinh doanh phát sinh tiền thuế nợ, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế nhưng chưa thu được tiền vào ngân sách nhà nước thì lập danh sách báo cáo và đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất, thu hồi mỏ và chấm dứt hợp đồng thuê đất của các trường hợp này.

Cục Thuế tỉnh cũng ban hành thông báo số nợ, thường xuyên nhắc nhở, mời đại diện doanh nghiệp đến làm việc trực tiếp. Trường hợp chây ỳ, ngành Thuế kiên quyết cưỡng chế bằng cách trích tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng, đình chỉ hóa đơn để thu nợ theo quy định, nhất là doanh nghiệp có số nợ lớn, kéo dài. Cục Thuế tỉnh công khai thông tin doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế quá hạn 90 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cho biết, Cục đã chỉ đạo toàn ngành Thuế quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ thuế. Sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh, nguồn vốn được sử dụng chủ yếu vào việc tái cơ cấu và tái đầu tư. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp còn nộp thuế chậm, dẫn đến các khoản nợ thuế tăng.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023, song song với việc nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu, ngành Thuế tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường thu hồi nợ đọng, không để phát sinh nợ mới theo đúng quy định.

Năm nay, ngành Thuế tỉnh được giao dự toán thu là 12.308 tỷ đồng, trong đó thu nội địa không kể dầu thô, xổ số, tiền sử dụng đất là 8.158 tỷ đồng, thu thuế phí 7.368 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 2.650 tỷ đồng, thu xổ số kiến thiết 1.500 tỷ đồng. HĐND tỉnh giao là 14.500 tỷ đồng, trong đó thu nội địa không kể dầu thô, xổ số, tiền sử dụng đất là 9.931 tỷ đồng, thu thuế phí 8.600 tỷ đồng. Ngành Thuế phấn đấu nợ thuế năm nay thấp hơn 5% so với số ước tổng thu ngân sách của toàn tỉnh, bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch do Bộ Tài chính và UBND tỉnh giao.

Với quyết tâm hoàn thành số thu ngân sách được giao theo dự toán, vừa qua, tỉnh Lâm Đồng liên tục tổ chức các cuộc họp khẩn, tìm giải pháp đảm bảo tiến độ thu. Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh tiếp tục tập trung cao thực hiện các giải pháp quyết liệt để thu thuế, trong đó có công tác thu nợ. Cục Thuế tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp từ công tác rà soát, phân loại nợ, có biện pháp thu hiệu quả đối với những doanh nghiệp nợ quá hạn và cưỡng chế kịp thời theo quy định của pháp luật, tăng thu ngân sách.