Trồng ớt chuông trên giá thể trong nhà kính

H.LY-T.T.HIỀN 00:25, 09/05/2023

Là một trong những nhà nông tiên phong đem giống ớt chuông về địa phương, ông Lê Văn Thường (thôn Tân Tiến, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà) đã thành công khi trồng loại ớt này trên giá thể trong nhà kính.

Mô hình trồng ớt chuông trên giá thể của gia đình ông Lê Văn Thường mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mô hình trồng ớt chuông trên giá thể của gia đình ông Lê Văn Thường mang lại hiệu quả kinh tế cao

Dẫn chúng tôi tham quan vườn ớt chuông sum suê quả, lão nông Lê Văn Thường vừa chăm chú kiểm tra từng hàng cây vừa tấm tắc kể với chúng tôi rằng: Vốn là một người con của Hà Nội, vào những năm 1990, ông cùng gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở Lâm Đồng. Hiện nay, trên diện tích 2 sào đất sẵn có của gia đình, ông còn trồng cà phê để có thêm thu nhập hằng năm. 

“Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do tình hình dịch bệnh và thiên tai diễn biến thất thường làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh thức ăn gia súc của gia đình. Trong đó, vườn cà phê bị mất mùa nghiêm trọng và không đạt năng suất, các chi phí phát sinh nhiều mà không thu về được lợi nhuận. Cho đến năm 2018, tôi mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng ớt chuông với kinh phí bỏ ra khá lớn đối với một nông dân và vườn ớt chuông ngay khi đó đã được tôi áp dụng trồng theo hướng công nghệ cao” - ông Thường cho hay.

Để đi đến thành công như bây giờ, ông Thường đã không ít lần phải trải qua nhiều lần thất bại do chưa nắm vững được kỹ thuật chăm sóc và trồng đúng quy trình nên cây thường bị bệnh và chết. Qua quá trình tìm hiểu và học hỏi ở bạn bè, sách báo và những nông dân trồng mô hình giống ông ở các huyện lân cận, ông Thường chuyển qua trồng ớt chuông trên giá thể với mong muốn cây phát triển độc lập, hấp thu dinh dưỡng nhanh hơn và nếu cây nhiễm bệnh sẽ không bị ảnh hưởng đến những cây còn lại.

Với việc trồng ớt chuông trên giá thể theo hướng công nghệ cao đã giúp gia đình ông Thường phát huy được tối đa những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn. Nhờ vào việc xử lý đất đai và giá thể nghiêm ngặt từ những lần bản thân tự mày mò, tìm kiếm và đúc rút qua những lần thực hiện, vườn ớt của ông Thường đã cho thu nhập cao từ những vụ mùa đầu tiên. 

Ông Thường cho biết: Để hoàn thiện 2 sào vườn ớt chuông theo hướng công nghệ cao, gia đình chúng tôi đã bỏ ra khoảng 500 triệu đồng. Hiện, nhà kính được lắp đặt các hệ thống máy móc, trang thiết bị bài bản, khoa học như hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân và cung cấp các chất dinh dưỡng vi lượng phù hợp, cần thiết cho cây.

“Với kinh nghiệm của bản thân, để trồng ớt chuông có hiệu quả và thu được sản lượng lớn, người dân cần chịu khó tìm hiểu và nắm rõ được các kiến thức cơ bản cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc ớt. Trong đó, nên ưu tiên phương pháp trồng ớt chuông trên giá thể bởi so với môi trường đất, giá thể có thể tạo độ thông thoáng tốt hơn, duy trì được môi trường có độ ẩm tốt cho sự phát triển của cây. Bên cạnh đó, trong giá thể đã có sẵn nguồn dinh dưỡng cao, giúp cây trồng tối ưu được khả năng hấp thụ các nhu cầu thiết yếu. Bên cạnh đó, đa số các giá thể đều đã được tiệt trùng an toàn, và nếu cây có nhiễm một số bệnh như: nấm, mốc xám, héo tươi… người trồng cũng sẽ dễ dàng kiểm soát bệnh hơn” - ông Lê Văn Thường nói.

Hiện, gia đình tôi có tất cả 3.000 giá thể trồng ớt chuông. Trung bình 3 - 4 ngày, vườn ớt của ông Thường sẽ cho thu một lần, mỗi lần thu được 8 - 9 tạ với giá bán ra tùy thuộc vào thị trường, giao động từ 25 - 40 ngàn đồng/kg. Phần lớn, số ớt chuông được các thương lái đến tận vườn thu mua, chủ yếu xuất đi tại các địa bàn trong tỉnh như Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng. 

Ông Bùi Xuân Tăng, Trưởng thôn Tân Tiến, xã Đạ Đờn cho biết, hộ gia đình ông Lê Văn Thường là hộ duy nhất trồng ớt chuông trên giá thể theo hướng công nghệ cao thành công trên địa bàn thôn. Để hỗ trợ bà con nông dân, ông Thường luôn chủ động chia sẻ những kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc ớt chuông trong nhà kính cho các nông hộ khác. Qua đó góp phần khuyến khích, thúc đẩy bà con Nhân dân trên địa bàn nâng cao thu nhập, mạnh dạn đầu tư để phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Không những là một trong những người đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế ở nông thôn, ông Thường còn năng nổ trong các hoạt động tại cơ sở.