Trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng

TỨ ĐỨC 16:08, 19/04/2024

(LĐ online) - Ngày 19/4, lãnh đạo UBND huyện Đạ Huoai cùng các ban, ngành liên quan đã có buổi làm việc trao đổi kinh nghiệm, đi thực tế tại các hợp tác xã, nông hộ trồng sầu riêng cùng với đoàn công tác huyện Cư M’Gar ( Đắk Lắk) về nội dung quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng. 

Đoàn công tác huyện Cư MGar được đại diện HTX Nông nghiệp Đạ Mri trao đổi kinh nghiệm
Đại diện HTX Nông nghiệp Đạ M'ri (huyện Đạ Huoai) trao đổi kinh nghiệm đến đoàn công tác huyện Cư M'Gar

Tại buổi làm việc và trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng; đại diện lãnh đạo UBND huyện Đạ Huoai đã thông tin tình hình trồng, sản xuất, kinh doanh sản phẩm sầu riêng trên địa bàn đến đoàn công tác của huyện Cư M’Gar.

Tính đến hết năm 2023, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Đạ Huoai đạt 6.128 ha, trong đó, trên 5.993 ha (chiếm 97,8%) là sầu riêng ghép chất lượng cao, diện tích thu hoạch 3.667 ha, năng suất bình quân đạt 12,94 tấn/ha (trong đó sầu riêng ghép năng suất là 13,1 tấn/ha), với sản lượng cung cấp ra thị trường đạt trên 47.423 tấn. Toàn huyện có 3.538 ha sầu riêng cho doanh thu trên 500 triệu đồng/ha (trong đó diện tích cho thu hoạch trên 1 tỷ đồng/ha đạt 1.015 ha - diện tích này được thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha, sau khi trừ chi phí cho thu nhập đạt từ 1 tỷ đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha). Sản phẩm thu hoạch Sầu riêng có đóng góp lớn, đưa giá trị sản xuất bình quân trên 1 đơn vị diện tích năm 2023 đạt 177 triệu đồng/ha, tăng 94 triệu đồng/ha so với năm 2020.

Trên địa bàn huyện đã có 1 vùng sầu riêng được chứng nhận vùng sản xuất sầu riêng công nghệ cao tại xã Hà Lâm với diện tích 320,6 ha, huyện đang tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao tại 4 xã gồm: Phước Lộc, Đạ P’loa, Đạ Oai, Đạ Tồn... Dự kiến đến năm 2025, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện đạt trên 6.300 ha, diện tích cho thu hoạch đạt 4.500 ha, sản lượng hàng năm trên 60.000 tấn.

Đến nay, toàn huyện đã được cấp 47 mã số vùng trồng/1.979,14 ha cho 7 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã và 1 cá nhân. Ngoài ra, có 5 mã/53 hộ/176 ha đã lập hồ sơ nhưng chưa được đánh giá, cấp mã. Toàn huyện hiện có 466,6 ha sầu riêng được chứng nhận VietGAP. Huyện đã xây dựng được 7 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với cây sầu riêng (gồm 1 chuỗi cấp huyện và 6 chuỗi cấp xã).

Để sản phẩm tiếp cận thị trường nước ngoài, năm 2020 huyện Đạ Huoai triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ “Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài đối với nhãn hiệu chứng nhận Sầu riêng Đạ Huoai”, cụ thể ở thị trường Trung Quốc. Mặt khác để nâng cao chất lượng đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, huyện Đạ Huoai đã phối hợp với các đơn vị của tỉnh hỗ trợ một số nông hộ thí điểm canh tác sản phẩm sầu riêng theo tiêu chuẩn Global GAP và xa hơn sẽ là sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn. Triển khai xây dựng vùng sản xuất sầu riêng hữu cơ (70 ha tại xã Hà Lâm) và vùng sản xuất sầu riêng công nghệ cao có quy mô 320,6 ha (xã Hà Lâm), quy hoạch 4 vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao tại các xã Đạ Oai, xã Đạ Tồn, xã Phước Lộc, xã Đạ P’loa, với tổng diện tích là 1.015 ha.

Cùng với đó, đoàn công tác đã đến các hợp tác xã để tìm hiểu về việc sản xuất, kinh doanh sầu riêng; tham quan các vùng trồng sầu riêng theo hướng hữ cơ; các nông hộ có thu nhập cao từ sầu riêng. Cụ thể tại Hợp tác xã Nông nghiệp thị trấn Đạ M’ri đoàn công tác đã được ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ nhiệm Hợp tác xã trao đổi một số kinh nghiệm trong việc thành lập hợp tác xã công tác quả lý và điều hành; sản xuất và kinh doanh; vận động nông hộ tham gia hợp tác xã. Được biết Hợp tác xã Nông nghiệp Đạ M’ri là một trong những hợp tác xã hoạt động hiệu quả, có doanh thu.

Mặt khác, huyện Đạ Huoai đã trao đổi cùng với huyện Cư M’Gar về công tác quảng bá và xúc tiến thương mại; các giải pháp đã triển khai nhằm thực hiện công tác quản lý và phát triển thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”; các giải pháp về công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sầu riêng.

Được biết, huyện Cư M’Gar là một vùng trồng sầu riêng có diện tích lớn của tỉnh Đắk Lắk; sầu riêng của huyện chỉ mới được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Sầu riêng Cư M’Gar" vào tháng 7 năm 2023, huyện chưa có mô hình hợp tác xã sản xuất và kinh doanh sầu riêng.