Đất xã Đam B’ri, Bảo Lộc vốn xanh ngắt những vườn dâu, những đồi cà phê bát ngát. Giữa vùng đất chuyên trồng trọt ấy, đã có thêm nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, cho thu nhập cao.
|
Ông Nguyễn Văn Lâm kiểm tra chuồng cút siêu trứng |
Gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, ở Thôn 4, xã Đam B’ri vốn cũng gắn bó với cây dâu, cây cà phê và một số cây ăn trái. Nhưng với giá cà phê bấp bênh, ông Lâm đã quyết chuyển hướng đi mới, chăn nuôi một giống vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Đó là con cút siêu trứng, giống cút chuyên cho trứng với tỉ lệ cao, được thị trường ưa chuộng.
Đưa khách tới thăm nhà nuôi cút không quá rộng, ông Nguyễn Văn Lâm giới thiệu, chỉ cần hơn trăm mét vuông, ông đang nuôi 12 ngàn cút mái đang kì đẻ trứng. Ông còn một nhà tương tự, với quy mô 20 ngàn cút siêu trứng. Điều khá đặc biệt là chuồng cút được ông Lâm làm tới 6 tầng, do đó chỉ cần diện tích khá nhỏ đã nuôi được nhiều cút mái. Theo ông Lâm, cút mái hình thể khá nhỏ, diện tích chỉ cần rất ít. Điều quan trọng là giữa các tầng chuồng cần có lưới cũng như sàn để ngăn phân, chất thải của cút là đạt yêu cầu.
Sau nhiều năm nuôi cút siêu trứng, ông Nguyễn Văn Lâm chia sẻ, cút là giống gia cầm rất dễ nuôi. Như ông, chỉ cần mua cút giống được cung ứng sẵn về chăm sóc, sau 45 - 50 ngày là cút bắt đầu sinh sản. Vì là cút siêu trứng nên tỉ lệ đẻ của cút rất cao, một cút mái có thể sinh sản liên tục trong 300 ngày. Ông Lâm nhận xét: “Cút siêu trứng ăn ít đẻ nhiều, rất dễ nuôi. Như nhà tôi nuôi cho ăn tốt, chăm sóc kỹ, tỉ lệ đẻ của cút có thể lên tới 90 - 92%. Với 32 ngàn cút mái, có thể cho tới 25 ngàn trứng/ngày, sáng nào cũng nhặt trứng để cung cấp cho thương lái”. Trứng được xếp vào rổ, lượng trứng đã được xác định, đúng cân nặng, thương lái chỉ cần đếm rổ trả tiền là đủ.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Lâm, cút siêu trứng là vật nuôi phù hợp với người nông dân. Ông Lâm chia sẻ, chuồng cút có thể tự đóng hoặc thuê đóng dễ dàng, giá rẻ. Cút giống không mắt, chi phí thức ăn không cao, cút cũng ít bệnh tật phải chữa trị. Diện tích chuồng nuôi cũng không cần quá rộng, việc gầy một trại cút không khó với các nông hộ. Đặc biệt, cút cho thu hoạch rất nhanh, chỉ sau chưa tới 2 tháng là cút mái đã bắt đầu cho trứng liên tục. Giá trứng cũng khá tốt, thương lái tới tận nhà thu mua với giá 35 - 40 ngàn đồng/kg, nông dân rất thuận lợi trong việc tiêu thụ. Riêng chuồng cút của gia đình ông, sau khi trừ hết chi phí cũng thu được 70 - 80 triệu đồng/tháng. Sau chu kì đẻ trứng 9 - 10 tháng, khi cút mái già, tỉ lệ đẻ trứng thấp có thể bán thịt. Phân cút có thể thu để bỏ cho vườn cà phê, vườn bơ hoặc bán cho các nông hộ làm phân bón hữu cơ, rất tốt cho đất.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lâm cũng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cút. Theo ông, chuồng cút không cần quá rộng rãi nhưng phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Nhà nuôi phải đảm bảo thông thoáng gió, có nhiều ô cửa thoáng để mở hạ nhiệt khi trời nắng nóng và bóng điện thắp sáng khi trời lạnh. Chuồng cút phải dọn hàng ngày, đảm bảo cút được sống trong môi trường vệ sinh sạch sẽ, tránh bệnh đường ruột rất dễ khiến cút chết. Lượng ăn không cần quá nhiều, gây dư thừa thức ăn. Nhưng nước thì phải cung cấp đủ cho cút uống, vì vậy ông Lâm làm hệ thống nước uống tự động để đảm bảo cút có đủ nước uống; đồng thời không có nước thừa, nước lưu cữu lâu ngày.
Ông Nhâm Đức Phong - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đam B’ri chia sẻ, ông Nguyễn Văn Lâm là một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi tiêu biểu của địa phương. Với trang trại nuôi chim cút đẻ trứng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Lâm có thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 2-3 lao động địa phương. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Lâm còn hăng hái tham gia các hoạt động của Hội, của cộng đồng Thôn 4 cũng như của xã Đam B’ri, đóng góp cùng bà con xây dựng xã Đam B’ri trở thành xã nông thôn mới. Với bà con, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Lâm cũng là tấm gương nuôi con giỏi, con cái đều được ăn học, trưởng thành.
DIỆP QUỲNH