Ngăn chặn tình trạng trộm cắp vặt và phá hoại tài sản công cộng

04:07, 13/07/2015

Hiện nay, cùng với việc xuất hiện mặt trái của cơ chế thị trường, việc chấp hành pháp luật và ý thức giữ gìn, bảo quản tài sản công ngày càng kém thì tình trạng người dân trộm cắp "vặt" hoặc phá hoại tài sản công cộng diễn ra khá phổ biến...

Hiện nay, cùng với việc xuất hiện mặt trái của cơ chế thị trường, việc chấp hành pháp luật và ý thức giữ gìn, bảo quản tài sản công ngày càng kém thì tình trạng người dân trộm cắp “vặt” hoặc phá hoại tài sản công cộng diễn ra khá phổ biến. Tuy giá trị, số lượng tài sản bị mất không lớn nhưng nhiều trường hợp gây ra hậu quả rất nghiêm trọng như mất cắp hệ thống biển báo an toàn giao thông gây tai nạn giao thông, mất cắp hệ thống điện gây cháy nổ, chết người hoặc trộm cắp gạch lót vỉa hè, vật liệu xây dựng dùng để làm đường... Ví dụ vật liệu là gạch lót đường, đá sỏi, cát sạn được cơ quan chức năng tập kết dùng để làm đường, sửa chữa đường sá nhiều nơi đã bị lấy đi gần hết; người dân lấy gạch làm vỉa hè, vật liệu làm đường đem về làm sân, lót đường vào nhà mình hoặc dùng vào các việc cá nhân khác, thậm chí trộm cắp đem đi bán. Do vật liệu bị người dân lấy trộm, không có kinh phí bổ sung nên buộc đơn vị thi công công trình sử dụng thiếu vật tư, không đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật dẫn đến việc các công trình nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Đây cũng là một trong những lý do làm cho các công trình công cộng ở nước ta có tuổi thọ kém, bên cạnh những nguyên nhân tiêu cực khác. 
 
Ngoài ra, nhiều nơi người dân ngang nhiên phá hoại lòng đường,vỉa hè, phá hoại cây xanh nhưng hầu như không bị xử lý. Tình trạng nhiều người dân chở vật liệu xây cất nhà cửa hoặc vận chuyển đồ đạc gia đình đã cho xe ô tô có tải trọng lớn chạy lên vỉa hè dẫn đến gây hư hại, vỡ nát gạch lót vỉa hè. Để khắc phục người dân lại đi dỡ gạch lót vỉa hè ở nơi khác, thường ở những nơi vắng vẻ, “vô chủ” về làm lại, nếu không có thì họ sẽ bỏ mặc gây mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra, tình trạng ăn cắp vặt những tài sản nhỏ như bulong, ốc vít, dây điện hoặc hành vi phá hoại cột điện, đèn chiếu sáng, cây cảnh... cũng diễn ra ở rất nhiều nơi. Ngày nay ra đường chúng ta không hiếm gặp cảnh biển báo giao thông, công trình giao thông vừa lắp buổi sáng thì buổi chiều đã bị phá hoại, mất cắp, tháo dỡ mang về nhà một cách trắng trợn hoặc cây xanh trồng trên vỉa hè, trước nhà dân thường bị chặt phá vì người dân không muốn ảnh hưởng đến không gian riêng của gia đình mình.
 
Điều đáng nói là dù nhiều trường hợp ngang nhiên phá hoại tài sản công cộng như vậy nhưng cơ quan chức năng, người có thẩm quyền phản ứng rất yếu ớt, không quyết liệt. Thậm chí nhiều khi cơ quan chức năng biết nhưng vẫn cố tình làm ngơ, rất hiếm khi bị nhắc nhở hoặc xử phạt các hành vi này, trừ trường hợp bị báo chí nêu tên đích danh hoặc gây ra thiệt hại lớn. Lý do là chính quyền địa phương, người dân cho rằng việc này bình thường, “chuyện nhỏ” nên không ai lên tiếng phản ánh, ý kiến gì! 
 
Từ đó tồn tại thực tế là cơ quan chức năng thì bỏ qua, còn người dân lại thờ ơ nên tình trạng trộm cắp vặt, phá hoại tài sản công cộng ngày càng nhiều. Điều đáng buồn là dư luận xã hội, báo chí coi đây là chuyện bình thường, việc quá nhỏ nên rất ít khi lên án, phản ánh đúng mức. Chính vì vậy càng làm cho tình trạng trộm cắp, phá hoại tài sản công cộng ngày thêm nghiêm trọng, phổ biến hơn, nhất là tình trạng phá hoại lòng đường, vỉa hè, các biển báo giao thông, tín hiệu cầu cống... ngày càng nhiều và thực tế đã gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc, thiệt hại lớn.
 
Hành vi trộm cắp nói chung là rất đáng lên án nhưng việc trộm cắp vặt, phá hoại tài sản cộng cộng cần phải bị lên án, xử lý nghiêm minh hơn. Bởi vì, đây vừa là tài sản công cộng, vừa có liên quan trực tiếp đến an toàn giao thông, trật tự xã hội, bộ mặt, cảnh quan đô thị, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp quản lý chặt chẽ tài sản công cộng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, đối với một số tài sản công cộng có thể làm các dấu hiệu đặc trưng, riêng biệt như gạch lót vỉa hè, đèn đường... để phân biệt nhằm phòng, chống việc trộm cắp, sử dụng vào việc riêng, tư nhân. Bởi vì, hành vi trộm cắp vặt, phá hoại tài sản công cộng là chuyện nhỏ nhưng xem ra vấn đề không nhỏ chút nào.
 
VĨNH LINH