Cấp bách phòng ngừa và đấu tranh với hành vi xâm phạm động vật hoang dã

09:11, 02/11/2016

Ðó là nội dung Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký và gửi "Hỏa tốc" vào ngày 17/9/2016. Trước đó, tháng 2/2014, Thủ tướng đã có Chỉ thị 03/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loại động vật hoang dã (ÐVHD) nguy cấp, quý, hiếm...

Ðó là nội dung Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký và gửi “Hỏa tốc” vào ngày 17/9/2016. Trước đó, tháng 2/2014, Thủ tướng đã có Chỉ thị 03/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loại động vật hoang dã (ÐVHD) nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động chế tác và bày bán sản phẩm ÐVHD như ngà voi và sừng tê giác vẫn còn diễn biến phức tạp, thách thức nỗ lực thực thi pháp luật. 
 
Vụ sát hại các cá thể voọc do Hạt Kiểm lâm Đức Trọng phát hiện trong đợt truy quét tại vùng rừng giáp tỉnh Bình Thuận. Ảnh: M. Đạo
Vụ sát hại các cá thể voọc do Hạt Kiểm lâm Đức Trọng phát hiện trong đợt truy quét tại vùng rừng giáp tỉnh Bình Thuận. Ảnh: M. Đạo
Tại Chỉ thị số 28 lần này, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành như Công an, NN&PTNT, TN&MT… và UBND các tỉnh, thành phố ngoài việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03 còn đặc biệt tập trung một số giải pháp chủ yếu. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 28/10, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng vừa ban hành Văn bản số 6707/UBND-LN gửi đến các sở, ngành như NN&PTNT, Công thương, Tài chính, Công an, Viện KSND, Tòa án, Chi cục Hải quan, các UBND huyện, thành phố và các đơn vị quản lý rừng. 
 
Đối với tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, các lực lượng chức năng như kiểm lâm, công an và một số đơn vị chủ rừng đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 của Thủ tướng đạt được khá nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần giảm 22,2% số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trong 9 tháng năm 2016 so với cùng kỳ trước đó. Tuy nhiên, do diện tích rừng khá rộng, đặc biệt địa hình hiểm trở, nhiều địa bàn giáp ranh với các tỉnh bạn và các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày càng tinh vi, manh động, do đó vẫn còn xảy ra những vi phạm về ĐVHD. 
 
Trong 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh các cơ quan chức năng và đơn vị chủ rừng đã phát hiện và lập biên bản hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng 6 vụ, chiếm 0,5%. Theo đó, tang vật thu qua xử lý gồm 73 cá thể và 108,4 kg động vật rừng. 
 
Kết quả này phần nào phản ánh một thực tế các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng và địa phương cấp huyện, cấp xã vẫn chưa thực sự phát huy hết những năng lực và trọng trách quan trọng của mình.
 
 Về công tác bảo tồn thiên nhiên, cũng trong 9 tháng, trên địa bàn tỉnh có tổng số loài ĐVHD đang nuôi là 34; tổng số cá thể là 7.905 với 287 trại, cơ sở nuôi. Trong số này, loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm 19 loài với 750 cá thể tại 25 trại, cơ sở nuôi. Còn loài động vật thông thường có 15 loài với 7.144 cá thể tại 259 trại, cơ sở nuôi và loài ĐVHD khác có đà điểu với 11 cá thể nuôi tại 3 trại, cơ sở.   
    
Thực hiện chỉ đạo của Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản số 6707/UBND-LN của UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng kiểm lâm rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán, xuất khẩu, chế tác, quảng cáo, sử dụng trái pháp luật các mẫu vật ĐVHD, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm của hổ. 
 
Trách nhiệm của ngành kiểm lâm còn là kiểm tra các cơ sở chế biến, cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các điểm du lịch, sân bay, bến xe và các cơ sở buôn bán, bào chế thuốc y học cổ truyền... và công khai kết quả xử lý vi phạm về ĐVHD trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngành kiểm lâm cần phối hợp chặt chẽ với ngành công an, hải quan, quản lý thị trường triển khai các nghiệp vụ cần thiết; chủ trì phối hợp cơ quan chức năng và UBND cấp xã tuyên truyền, phổ biến pháp luật…
 
Ngoài ra, UBND tỉnh còn giao Sở Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường; Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với lực lượng kiểm lâm và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, triệt phá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ĐVHD. 
 
Bên cạnh đó, UBND các huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tại địa phương tích cực vận động, tuyên truyền và phối hợp ngành chức năng kiểm tra, xử lý. “Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật về ĐVHD trên địa bàn mình quản lý” (Văn bản số 6707 của tỉnh ghi rõ).   
 
Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát, bảo tồn các loại ĐVHD một cách có hiệu quả nhất, trách nhiệm còn thuộc về các đơn vị quản lý rừng như các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng, các Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà và Cát Tiên. Cụ thể là, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, bảo vệ ĐVHD trên lâm phần do đơn vị được giao quản lý; phá hủy các loại bẫy thú; vận động, tuyên truyền người dân. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương và đơn vị triển khai thực hiện báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 25/10 hàng năm. 
 
MINH ÐẠO