Mối lo trước hiểm họa ma túy (kỳ 2)

08:07, 02/07/2018

Ma túy đang ngày một hủy hoại tâm hồn, cướp đi nhiều sinh mạng và hơn thế nữa, phá vỡ cuộc sống bình yên của hàng trăm gia đình và đe dọa an ninh, trật tự xã hội trên phạm vi cả nước. 

“Cùng nhau bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy” 
 
[links(right)] Ma túy đang ngày một hủy hoại tâm hồn, cướp đi nhiều sinh mạng và hơn thế nữa, phá vỡ cuộc sống bình yên của hàng trăm gia đình và đe dọa an ninh, trật tự xã hội trên phạm vi cả nước. Trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng, để hưởng ứng “Tháng Hành động phòng, chống ma túy” (1/6 - 30/6/2018) do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6); nhiều sở, ngành, đoàn thể đã chung tay tăng cường đẩy lùi loại tội phạm này.
 
Người trẻ nghiện ma túy đang chiếm số đông trên tổng số người nghiện có hồ sơ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: C.T
Người trẻ nghiện ma túy đang chiếm số đông trên tổng số người nghiện có hồ sơ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: C.T

Người trẻ nghiện ma túy chiếm số đông
 
Theo đánh giá từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) - Công an tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm 2018 tới nay, hoạt động của tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, phương thức hoạt động của các đối tượng tội phạm ngày càng tinh vi, kín đáo và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường hơn. 
 
Qua điều tra, khám phá các chuyên án, vụ án về ma túy thời gian qua, Phòng PC47 đánh giá các đối tượng ma túy hiện nay hoạt động hết sức manh động, sử dụng “vũ khí nóng”, cấu kết với tội phạm hình sự hoạt động phạm tội như: mua bán trái phép chất ma túy với cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, mở dịch vụ cầm đồ để trao đổi tang vật lấy ma túy…
 
Nhiều dấu hiệu cho thấy các đối tượng ma túy trên địa bàn tỉnh có xu hướng mở rộng địa bàn hoạt động vào vùng sâu, vùng xa, khu vực khai thác khoáng sản… có tính chất cấu kết hoạt động liên huyện, liên tỉnh trong thời gian gần đây. Trong đó, các đối tượng cộm cán ở các tỉnh phía Bắc mở rộng địa bàn tiêu thụ về phía Nam, bao gồm cả tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời nguồn ma túy vận chuyển vào địa bàn tỉnh chủ yếu từ phía Bắc và khu vực TP. HCM. Trong đó, các địa phương tiêu thụ chủ yếu các loại ma túy là địa bàn TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc, huyện Đức Trọng, Di Linh và huyện Lâm Hà. Điển hình như các chuyên án ma túy bị triệt phá trong năm 2018: PC47 phối hợp với Công an huyện Lâm Hà, Đam Rông bắt 3 đối tượng thu 249,185 gam heroin, 197,11 gam ma túy tổng hợp; PC47 phối hợp với Công an huyện Đức Trọng bắt 2 đối tượng thu 98,6706 gam MTTH và phối hợp với Công an huyện Di Linh bắt 1 đối tượng thu 100,2 gam MTTH…
 
Theo số liệu thống kê mới nhất của Phòng PC47, hiện toàn tỉnh có 2.084 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 241 người so với năm 2017. Trong đó, có 1.751 người nghiện (chiếm khoảng 70%) ngoài xã hội và trên toàn tỉnh mới đạt 18/147 xã, phường, thị trấn không có người nghiện ma túy. 
 
Điều đặc biệt là tình hình mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp, cần sa trong lứa tuổi thanh, thiếu niên ngày càng gia tăng. Lực lượng công an các huyện, thành phố, thị trấn đã phát hiện các đối tượng mua bán cần sa trên mạng Internet, bán cần sa cho các học sinh một số trường THPT, THCS trên địa bàn. 
 
Theo thống kê, những người nghiện ma túy ngày một trẻ hóa, có tuổi đời từ 18 đến 35 tuổi chiếm số lượng lớn trên tổng số người nghiện trên toàn tỉnh. Thậm chí, có đến 8% trẻ vị thành niên (13 đến 17 tuổi) có sử dụng ma túy. Điều này đã đặt ra trách nhiệm không hề nhỏ trong công tác phòng, chống ma túy cũng như áp lực cần có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ đối tượng thanh, thiếu niên có nguy cơ nghiện ma túy trên địa bàn. 
 
Thượng tá Phạm Văn Tơn, Phó Trưởng Phòng PC47 nhận định: Hiện nay ma túy có tới 535 chất, 44 tiền chất tồn tại dưới nhiều dạng và được sử dụng ngoài xã hội có quy định quản lý, nghiêm cấm rất chặt chẽ nhưng rất ít người để ý, cứ nghĩ chỉ có các loại ma túy “truyền thống” được các người nghiện sử dụng trên địa bàn như: heroin, ma túy đá, cần sa, ma túy tổng hợp… 
 
“Quá trình xác minh các đối tượng liên quan tới ma túy chúng tôi ghi nhận tại các quán bar, quán cà phê… nhiều loại chất gây ảo giác, có tính chất nguy hại như bóng cười, lá khát, shisha… tiềm ẩn nguy hại với thanh, thiếu niên nhưng chưa được Chính phủ đưa vào danh sách các chất cấm khiến công tác đẩy lùi tệ nạn ma túy với giới trẻ trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Bởi những chất kích thích trên chính là tiền đề để giới trẻ khi sử dụng một thời gian sẽ chuyển dần qua các loại ma túy mạnh như heroin, đá, còn các đối tượng cũng lợi dụng sơ hở để trộn các chất ma túy vào các loại thuốc này một cách tinh vi, tránh cơ quan chức năng phát hiện, xử lý” - thượng tá Tơn cho biết.
 
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
 
Phòng Tham mưu (PV11) Công an tỉnh Lâm Đồng thông tin, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai “Tháng Hành động phòng, chống ma túy” năm 2018, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo 138 tỉnh (trong đó Công an tỉnh là thường trực Ban Chỉ đạo) ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ, phân công cụ thể tới các sở, ngành, đoàn thể liên quan với nội dung tuyên truyền năm nay “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”.
 
Trong tháng 6, các sở, ngành, đoàn thể đã mở đợt đấu tranh, trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy. Các đơn vị đã chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức các hoạt động mít tinh, ra quân hưởng ứng. Trong đó, tập trung thực hiện kế hoạch thống nhất từ cấp cơ sở, tuyên truyền, trấn áp tội phạm ở các địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy để đạt hiệu quả cao nhất.
 
Thượng tá Đỗ Văn Cao, Phó Trưởng Phòng PV11 cho biết, với chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” trong năm nay, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo các đơn vị tập trung nhấn mạnh nội dung tuyên truyền tác hại của ma túy đá, thuốc lắc, cỏ Mỹ, cần sa và các chất hướng thần tới thế hệ trẻ là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn. Đồng thời, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các hoạt động sinh hoạt, gắn với hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tập huấn, tọa đàm… của giới trẻ nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã phối hợp với sở, ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội… tổ chức nhiều phong trào lồng ghép tuyên truyền cho hơn 2.500 sinh viên, đoàn viên thanh niên, 700 hội viên và hơn 10.000 lượt quần chúng tham gia. Từ đó, nhiều người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đã hiểu rõ hơn về tác hại của ma túy, tự ý thức phòng tránh cho bản thân, gia đình và xã hội.
 
Về công tác phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy, trong trong 6 tháng đầu năm 2018, Công an tỉnh đã phối hợp với công an các huyện, thành phố khám phá, bắt giữ 92 vụ, 107 đối tượng phạm tội về ma túy. So với 6 tháng đầu năm 2017 phát hiện giảm 10 vụ và so với 6 tháng cuối năm 2017 phát hiện tăng 5 vụ. Trong đó, triệt phá 57 vụ với 69 đối tượng phạm tội mua bán, tàng trữ trái phép ma túy tổng hợp; 24 vụ và 26 đối tượng phạm tội mua bán, tàng trữ trái phép heroin; 2 vụ và 2 đối tượng mua bán cần sa;…
 
Trong công tác phối hợp, Phòng PC47 đã phối hợp với Phòng Tham mưu (PV11), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh xây dựng dự thảo, đề xuất UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2651/QĐ-UBND ngày 7/12/2017 về ban hành Quy chế phối hợp, lập, thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh. 
 
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, công tác quản lý người nghiện kết quả chưa được như kỳ vọng, mặc dù đã có quy chế nhưng khi triển khai, áp dụng vào thực tiễn hiệu quả chưa cao. 
 
C.THÀNH