Tấn công mạnh tội phạm tín dụng đen

08:04, 04/04/2019

Trực tiếp và cả gián tiếp làm khuynh đảo bao gia đình, bao số phận, tội phạm tín dụng đen đang len lỏi vào từng ngõ xóm ở Lâm Ðồng. Với yêu cầu phải đánh mạnh, đánh trúng, dẹp bỏ tội phạm tín dụng đen, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở cùng hệ thống chính trị ở địa phương đã vào cuộc và bước đầu bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng cho vay nặng lãi.

Trực tiếp và cả gián tiếp làm khuynh đảo bao gia đình, bao số phận, tội phạm tín dụng đen đang len lỏi vào từng ngõ xóm ở Lâm Ðồng. Với yêu cầu phải đánh mạnh, đánh trúng, dẹp bỏ tội phạm tín dụng đen, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở cùng hệ thống chính trị ở địa phương đã vào cuộc và bước đầu bắt giữ, xử lý nhiều đối tượng cho vay nặng lãi.
 
Cán bộ Công an TP Bảo Lộc lấy lời khai của Nguyễn Đình Tuấn. Ảnh: Đ.H
Cán bộ Công an TP Bảo Lộc lấy lời khai của Nguyễn Đình Tuấn. Ảnh: Đ.H
 
Đợt cao điểm đấu tranh tội phạm hoạt động tín dụng đen được Công an tỉnh phát động từ trong Tết Kỷ Hợi, huy động lực lượng Công an các đơn vị, địa phương cùng hệ thống chính trị ở cơ sở đã đồng loạt ra quân. Theo đó, trong đợt ra quân này, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1988), hộ khẩu tại xã An Hòa, huyện An Dương, TP Hải Phòng khi Tuyền đang thu tiền trả góp ngày tại nhà bà L - là người vay tiền của Tuyền ở đường 2/3, Phường 1, TP Đà Lạt. Khám xét phòng trọ của Tuyền ở đường Huyền Trân Công Chúa, Phường 4, TP Đà Lạt, lực lượng chức năng thu được 66 hợp đồng cho vay tiền, nhiều giấy tờ tùy thân của các nạn nhân. Tuyền than thở: “Em xuống đây mới được hơn 3 tháng, hiện tại đang bị lỗ, âm hết cả vốn. Người ta mượn nhưng người ta chưa trả được. Người ta vay 10 triệu đồng, trả góp cả gốc và lãi trong vòng 30 ngày, mỗi ngày 400 nghìn”. Tuyền chỉ là 1 trong hàng chục đối tượng hoạt động tín dụng đen bị lực lượng Công an bắt, xử lý trong đợt cao điểm đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
 
Cũng trong đợt cao điểm này, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã tiến hành kiểm tra 195 cơ sở cầm đồ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ, công ty cho thuê, hỗ trợ tài chính và đã phát hiện 63 cơ sở vi phạm. Cũng trong thời gian này, lực lượng Công an đã đấu tranh, bắt giữ, xử lý 27 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, trong đó có 13 vụ cho vay lãi nặng, số còn lại là các vụ cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích và đã khởi tố 7 vụ, 20 bị can để điều tra. Bà Nguyễn Thị Na - trú tại phường B’Lao, TP Bảo Lộc kể lại: “Mượn nhưng mình cũng trả chứ có chạy đâu nhưng tụi này nó quá côn đồ. Cho vay rất nặng lãi mà lại côn đồ không tưởng tượng, mình không trả là nó rượt đánh, nó hăm dọa. Vừa rồi tôi thiếu thằng Tú 8 trăm, hẹn trả 4 trăm nhưng chờ mãi không thấy nó đến. Tôi vừa đi công việc tí thì 2 anh em nó tìm gặp dùng nón bảo hiểm đánh tôi”.
 
Thực tế cho thấy, mặc dù được tuyên truyền nhưng một bộ phận nhân dân vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm khi rơi vào bẫy của tín dụng đen. Trung tá Phạm Hữu Hải - Cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Bảo Lộc thông tin: “Các đối tượng cho vay hiện nay không sử dụng sổ sách để ghi chép mà sử dụng bằng một phần mềm được cài đặt trên máy vi tính. Thế nên khi tiếp cận phải đấu tranh lấy được mật khẩu, chiếm quyền truy cập, nếu chậm trễ đối tượng sẽ xóa hết dữ liệu. Trước đây các đối tượng cho vay theo nhiều hình thức, cho vay trả góp theo ngày, trả lãi theo ngày nhưng hiện tại đa phần là trả lãi và gốc theo ngày, ấn định khoảng thời gian phải trả, thường là 25 ngày”.
 
Không chỉ cho vay với lãi suất cắt cổ mà chúng còn thu lệ phí 10% trên tổng số tiền vay và cấn trừ ngay từ đầu như nhóm cho vay lãi nặng vừa bị Công an TP Bảo Lộc khởi tố, bắt tạm giam. Trung tá Phạm Hữu Hải cho rằng: “Thứ nhất, người vay bị thiệt hại do phải trả 10% lệ phí, thứ hai là lãi suất quá cao, vượt từ 18 đến hơn 20 lần so với quy định”. Từ cuối tháng 7/2018 đến hết tháng 2/2019, cho vay với lãi suất từ 109% đến 365%/năm và thu 10% lệ phí, Nguyễn Đình Tuấn (SN 1996) hộ khẩu tại số 21 Tổ 15, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội vào TP Bảo Lộc thuê trọ cùng 2 đối tượng khác đã cho nhiều người ở TP Bảo Lộc và các huyện lân cận vay tiền với tổng số 4.770 lượt vay. Vậy nên, từ số vốn ban đầu 150 triệu đồng, sau 7 tháng cho vay nặng lãi, số tiền thể hiện trên hồ sơ quản lý cho vay của Tuấn tính đến ngày 28/2/2019 đã lên đến 2,5 tỷ đồng.
 
Trung tá Nguyễn Văn Giang - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Bảo Lộc đã chỉ ra thực tế là: “Khách hàng vay của đối tượng cho vay lãi nặng chủ yếu là những người lao động tự do, không có nghề nghiệp ổn định. Họ không có tài sản thế chấp để vay vốn ở các tổ chức tín dụng như ngân hàng hay quỹ tín dụng, nên khi cần một số tiền nhỏ thì người ta dễ dàng tiếp cận nhóm đối tượng tín dụng đen. Mặt khác, khi cần một khoản tiền nhỏ mà mang cả ngôi nhà đi thế chấp thì không đành nên họ mới vay của những người cho vay nặng lãi”.
 
Để ngăn chặn hoạt động của tội phạm tín dụng đen, không chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an mà còn cần sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải là “bà đỡ” của người nghèo. Và, quan trọng nhất là sự cảnh giác của người dân, không tin, không nghe và không vay tiền từ các tổ chức, cá nhân không minh bạch. Bởi đó là cái bẫy mà bất kỳ ai rơi vào cũng khó có đường thoát.
 
ÐỨC HUY