Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân phá rừng

06:09, 27/09/2019

Huyện Lâm Hà vừa đánh giá tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, trong đó tập trung phân tích những nguyên nhân tồn tại, hạn chế, làm cơ sở triển khai những giải pháp khắc phục thời gian tới. 

Huyện Lâm Hà vừa đánh giá tình hình quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, trong đó tập trung phân tích những nguyên nhân tồn tại, hạn chế, làm cơ sở triển khai những giải pháp khắc phục thời gian tới. 
 
Theo đó, từ đầu tháng 1/2017 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà đã phối hợp với cơ quan công an, các ban, ngành, đoàn thể, Ban Quản lý rừng trong huyện tổ chức tuần tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 313 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. 
 
Cụ thể xác định 282 vụ vi phạm hành chính và 31 vụ vi phạm hình sự. Hành vi vi phạm chiếm tỷ lệ nhiều nhất là phá rừng trái pháp luật (gần 61%); mua bán, tàng trữ và vận chuyển lâm sản trái phép (hơn 21,5%); khai thác rừng trái pháp luật (gần 14%); tỷ lệ 3,5% vi phạm phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý, bảo vệ động vật rừng…
 
Tuy nhiên về xử lý vi phạm hành chính mới thu nộp gần 313 triệu đồng trên tổng số hơn 1 tỷ đồng số tiền phạt. Đáng nói còn 180 vụ/282 vụ vi phạm vẫn  chưa xác định được chủ thể. Về vi phạm hình sự chỉ mới khởi tố 17 vụ án; 14 vụ tạm đình chỉ hoặc đình chỉ ở giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố…
 
Nguyên nhân thứ nhất, lực lượng chức năng rất khó khăn phát hiện chủ thể vi phạm bởi thủ đoạn tinh vi, có sự phân công cảnh giới, lợi dụng ban đêm, ngày nghỉ để phá rừng. Thêm nữa, đối tượng khi bị truy bắt thường bỏ lại phương tiện vận chuyển cũ kỹ, rẻ tiền để chạy thoát thân vào rừng xa. 
 
Thứ hai, nhiều đối tượng vi phạm hành chính bị xử phạt với số tiền nhỏ hơn nhiều so với giá trị tài sản đang sở hữu. Trong khi đó, theo quy định pháp luật hiện hành, tài sản kê biên cưỡng chế phải tương ứng với số tiền bị xử phạt. Vì vậy khi đối tượng cố tình không nộp phạt thì việc thi hành quyết định xử phạt hành chính buộc phải tồn đọng, kéo dài. 
 
Thứ ba, nhiều vụ việc vi phạm trong rừng xa, cách biệt khu dân cư, lúc lập biên bản ban đầu thường rất hạn chế thông tin về đối tượng vi phạm, chủ yếu ghi nhận ở tin báo nghi ngờ. Rồi qua thời gian xác minh vẫn không tìm thấy chứng cứ, nên cơ quan pháp luật huyện Lâm Hà phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra, đình chỉ giải quyết tin báo theo quy định pháp luật…
 
Như vậy những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân phá rừng ở huyện Lâm Hà từ tháng 1/2017 đến nay đã rõ. Vấn đề trọng tâm trong những năm tới với những bài học kinh nghiệm chỉ ra, các cơ quan chức năng ở huyện Lâm Hà phải áp dụng những biện pháp quyết liệt, hiệu quả và kịp thời hơn nữa mới mong giảm thiểu tối đa tình trạng phá rừng. Trong đó trước tiên cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng đã để tái diễn tình trạng phá rừng trên địa bàn của mình.
 
VĂN VIỆT