''Giải mã'' tội phạm mạng

05:09, 09/09/2020

Từ thủa nhỏ, anh ước mơ trở thành chiến sĩ Công an Nhân dân. Khi mơ ước đã thành hiện thực thì công nghệ thông tin lại cuốn lấy anh...

Từ thủa nhỏ, anh ước mơ trở thành chiến sĩ Công an Nhân dân. Khi mơ ước đã thành hiện thực thì công nghệ thông tin lại cuốn lấy anh. Hoàng Nguyễn Việt Tiến bắt đầu hành trình nuôi dưỡng đam mê ấy bằng việc đăng ký sinh hoạt Câu lạc bộ Tin học, Trường Đại học An ninh Nhân dân. Sau đó, anh cùng bạn bè xây dựng và tham gia quản trị nhiều trang mạng, diễn đàn tin học ở ngôi trường ước mơ ấy.
 
Giám đốc Công an tỉnh trao Giấy khen cho đồng chí Hoàng Nguyễn Việt Tiến có thành tích xuất sắc trong phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”
Giám đốc Công an tỉnh trao Giấy khen cho đồng chí Hoàng Nguyễn Việt Tiến có thành tích xuất sắc trong phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”
 
Thỏa mãn niềm đam mê
 
Việt Tiến bắt đầu làm công tác an ninh năm 2009 trên chính mảnh đất nơi anh sinh ra (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học An ninh Nhân dân. Anh kể, dù ngày đêm công tác trên chiến tuyến thầm lặng, nhiều khó khăn, gian khổ, có những đêm phải cùng đồng đội thức trắng để mật phục đối tượng vi phạm pháp luật; hay những lần vượt qua chặng đường dài, đồi núi cheo leo để đến từng thôn, buôn xác minh vụ việc, truy tìm đối tượng…; nhưng dù khó khăn, vất vả, anh vẫn luôn kiên định, giữ vững niềm tin, yêu ngành, yêu nghề và luôn duy trì niềm đam mê của mình trong suốt quá trình công tác. 
 
Thời gian “trống” của Tiến luôn được lấp đầy bởi sự tìm tòi tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức về công nghệ thông tin để phục vụ nghề. Trong thời đại kỷ nguyên số và bùng nổ internet, anh đã biết vận dụng, kết hợp hiệu quả sự hiểu biết, kỹ năng ấy của mình vào quá trình công tác và được các cấp chỉ huy ghi nhận, đánh giá cao. Nhờ giỏi tin học, hiểu biết và thành thục trong sử dụng công nghệ mạng, anh được các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng trưng tập tham gia đấu tranh, triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ việc liên quan đến không gian mạng ngay từ khi mới vào nghề, công tác tại Công an huyện Đức Trọng. Và niềm đam mê với công nghệ thông tin của anh chưa bao giờ ngưng nghỉ. Anh luôn chú tâm rèn luyện, nâng cao sự hiểu biết và kỹ năng tin học, nhất là khi nhận thấy rằng, internet và môi trường mạng ngày càng bùng nổ, đang len lỏi vào mọi ngõ ngách cuộc sống và các hoạt động của con người.
 
Sinh năm 1986, trong gia đình có truyền thống về giáo dục, bố và mẹ đều là giáo viên, ngay từ nhỏ, Tiến đã được gia đình quan tâm nuôi dưỡng, giáo dục về truyền thống yêu nước, thương nòi, về những giá trị của cuộc sống bình yên. Chính những điều ấy đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ, nhận thức và ước mơ của Tiến khi trở thành chiến sĩ an ninh. Tiến chia sẻ rằng, anh may mắn khi được bén duyên với công việc “an ninh mạng” để có thể vừa thỏa tình yêu nghề, vừa theo đuổi được đam mê. 
 
Suốt 5 năm hoạt động trong lĩnh vực này, anh đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong công việc. Được lãnh đạo đánh giá cao, đồng đội tin yêu, quý trọng. Anh hiện là Phó Đội trưởng Đội An ninh Văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông; Tổ trưởng Tổ An ninh mạng chuyên trách, thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Lâm Đồng. 
 
“Mắt thần” trên internet
 
Trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang bùng nổ, hoạt động tội phạm trên không gian mạng, hoạt động tội phạm công nghệ cao ngày càng hoạt động với những cách thức tinh vi, phức tạp hơn. Có thể nói, an ninh mạng vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ, vì vậy đây cũng là một lĩnh vực công việc mới, rất rộng và phức tạp, có những nét đặc thù nhất định. Nơi làm việc của những chiến sĩ công an trong lực lượng an ninh mạng thường được ví là nơi “những ánh đèn không bao giờ tắt”. Riêng tôi cảm nhận, họ dường như có những “mắt thần” có thể nhận diện, giải mã những đối tượng tội phạm ẩn danh trên internet. Mỗi ngày, họ đều phải thực hiện một khối lượng công việc không hề nhỏ, có những công việc thật khó có thể định tên, bởi các đối tượng trên không gian mạng là những đối tượng vô hình, ẩn danh và có nhận thức, hiểu biết về pháp luật, văn hóa khác nhau, hoạt động trên một thế giới phẳng với những cách thức luôn thay đổi và rất khó lường. Phải chăng, có bí quyết để tìm ra đối tượng vô hình trên không gian mạng, có trình độ công nghệ thông tin tốt và khi mọi dấu vết hoạt động đã bị xóa? - Tôi hỏi. “Người làm công tác an ninh, nhất là điều tra, xác minh về an ninh mạng như mình luôn phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ năng điều tra truyền thống đã được đào tạo và rèn giũa trong quá trình công tác, cần phải có trình độ và kỹ năng tốt về tin học, kiến thức mạng và đặc biệt là sự nhạy cảm trong quá trình phân tích, phán đoán tình huống, nhận diện vấn đề”, Tiến chia sẻ.
 
Minh chứng cho điều này, Tiến kể với tôi câu chuyện nghiệp vụ mới xảy ra trên địa bàn. Đó là lần truy tìm kẻ tung tin sai sự thật có người chết vì dịch bệnh COVID-19 tại Lâm Đồng, gây hoang mang dư luận. Mặc dù sau khi đối tượng đăng tin giả đã gỡ bỏ, xóa các hình ảnh, dấu vết cá nhân trên các trang mạng xã hội, nhưng Tiến và đồng đội đã “giải mã” thành công và đã tìm ra người thực hiện hành vi này. Đối tượng ban đầu không thừa nhận sự việc và tỏ ra tự tin vì rất am hiểu về công nghệ thông tin. Nhưng bằng những kiến thức về internet, kỹ năng tin học và qua công tác nghiệp vụ của những “mắt thần”, đối tượng phải cúi đầu nhận tội và bị khởi tố tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”. Đây là trường hợp đầu tiên tại Lâm Đồng và trên cả nước bị xử lý hình sự về hành vi đăng tin sai sự thật liên quan đến COVID-19. 
 
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, không gian mạng đã và đang mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội, cũng như làm thay đổi nhận thức, hành vi và lối sống của con người, nhưng cũng đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức về an ninh trên không gian mạng. Chủ trương của nhà nước là xây dựng một không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tiến nói, trên không gian mạng hiện nay có quá nhiều tiện ích, nhưng cũng đa dạng thông tin, người dân sẽ khó có thể tưởng tượng ra được hết những nguy cơ, rủi ro có thể xảy đến với mình nếu không cẩn trọng. Và thực tế, đã có rất nhiều cá nhân, tập thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Không ít cá nhân, tập thể mất tài sản, có người rơi vào vòng lao lý, hay do thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật, bởi mặt trái của không gian mạng và bọn tội phạm công nghệ cao gây ra… 
 
“Tôi mong muốn các tổ chức xã hội, cơ quan, doanh nghiệp và người dân, trong giai đoạn bùng nổ của cách mạng 4.0 này, sẽ nâng cao hơn nữa nhận thức và sự hiểu biết về Luật An ninh mạng, để có thể làm chủ các hoạt động của mình trên không gian mạng, cùng chung tay “phủ xanh” và tạo dựng một không gian mạng an toàn, thân thiện, hữu ích”, Việt Tiến chia sẻ.
 
Từ năm 2015 đến nay, Hoàng Nguyễn Việt Tiến và đồng đội đã phát hiện, tham gia đấu tranh với hơn 100 đối tượng sử dụng mạng internet xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tham mưu, đề xuất xử lý theo quy định gần 30 đối tượng. Cùng với tập thể phòng, cá nhân Việt Tiến được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở chín năm liền, từ 2010 - 2019. Giai đoạn 2015 - 2020, Việt Tiến được tặng 15 bằng khen, giấy khen của các cấp và vinh dự được Bộ Công an công nhận là một trong 45 gương thanh niên Công an tiêu biểu trên cả nước.
 
(Nguồn: Công an tỉnh Lâm Đồng)
 
NGUYỄN NGHĨA