Để lập lại trật tự an toàn giao thông tại các chợ, điểm họp chợ

05:09, 23/09/2020

Sở Giao thông vận tải vừa phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các chợ, điểm họp chợ trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng...

Sở Giao thông vận tải vừa phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) tại các chợ, điểm họp chợ trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Sau khi khảo sát tại 13 chợ và 4 điểm họp chợ trên địa bàn 6 huyện và thành phố Bảo Lộc, Sở Giao thông vận tải đã có một số đề xuất để chấn chỉnh và lập lại trật tự ATGT.
 
Buôn bán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ
Buôn bán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ
 
Nguyên nhân và thực trạng 
 
Quá trình khảo sát cho thấy, hầu hết các chợ và điểm họp chợ đều do nhiều cá nhân, hộ kinh doanh lấn chiếm khu vực phía trước chợ, cả trong và ngoài hành lang an toàn giao thông đường bộ, lề đường, vỉa hè và thậm chí dưới lòng đường để dựng dù bạt, kê quầy sạp, bày bán hàng... Các hộ gia đình xung quanh khu vực chợ thường cơi nới nhà cửa để làm nơi buôn bán, bày hàng ra cả lề đường, vỉa hè để bán. Phần lớn các chợ đều chưa quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí, tổ chức giao thông ra vào chợ, sân bãi đỗ xe trong khu vực chợ; chưa sắp xếp, bố trí cho những người buôn gánh bán bưng... nên tình trạng đi lại, đậu đỗ xe, buôn bán bên trong chợ rất mất trật tự, lộn xộn.
 
Về hệ thống hạ tầng giao thông đi qua khu vực chợ, một số nơi còn thiếu biển cảnh báo nguy hiểm “khu vực chợ”, biển giới hạn tốc độ, sơn kẻ gờ giảm tốc, biển báo cấm dừng, đỗ xe...
 
Thực trạng tổ chức buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường và tổ chức giao thông như trên cho thấy các chợ và điểm họp chợ có nguy cơ rất cao về mất ATGT và dễ xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, do lượng người và phương tiện tập trung hoạt động mua bán ở trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ (HLATĐB), trên vỉa hè, lòng, lề đường, phương tiện dừng đỗ không đúng quy định, mất trật tự. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bố trí, sắp xếp chợ không ngăn nắp, không tạo điều kiện cho lưu thông thông thoáng thì khi xảy ra sự cố, hỏa hoạn sẽ rất khó cho lực lượng chức năng ứng cứu, giải thoát...
 
Nguyên nhân được chỉ ra là do việc quy hoạch, đầu tư xây dựng một số chợ ở quá gần đường bộ, gần nút giao thông, ngay khu vực đường cong, đường dốc và chưa có thiết kế, thi công đấu nối đường ra, vào chợ với đường bộ theo quy định... là chưa đảm bảo yêu cầu về ATGT. 
 
Hầu hết các chợ do tư nhân đầu tư hoặc Nhà nước đầu tư và giao cho chính quyền cấp xã quản lý, các chủ đầu tư và chính quyền cấp xã có thành lập các ban, đội để quản lý; tuy nhiên, các đơn vị được giao trực tiếp quản lý còn chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, ATGT bên trong khu vực chợ. Thậm chí ở một số địa phương còn có tình trạng xây dựng chợ, điểm họp chợ không phép như các huyện Đơn Dương (điểm buôn bán tự phát Lạc Viên), Lâm Hà (điểm buôn bán tự phát Phú Sơn), Di Linh (điểm buôn bán tự phát Liên Đầm) và thành phố Bảo Lộc (điểm buôn bán tự phát Lộc Phát). Bên cạnh đó, ý thức của người dân còn hạn chế, chưa thấy được những tác động, ảnh hưởng của việc mua bán, lấn chiếm lòng, lề đường đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự và ATGT.
 
Nhiệm vụ, giải pháp để chấn chỉnh, lập lại trật tự ATGT
 
Nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên đó là phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, hộ kinh doanh không mua bán lấn chiếm HLATĐB, vỉa hè, lòng, lề đường bằng nhiều hình thức. Ngoài ra, các đơn vị quản lý đường bộ cần bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ tại các khu vực chợ để đảm bảo việc cảnh báo nguy hiểm, giảm tốc độ hoặc cưỡng bức giảm tốc độ xe qua khu vực chợ; cấm dừng, đỗ xe trước khu vực chợ và vạch đi bộ qua đường, vạch giảm tốc độ, nhằm hạn chế phương tiện lưu thông tốc độ cao tại khu vực chợ. Đối với một số chợ có quy mô lớn, lưu lượng người, phương tiện ra vào đông và khu vực mặt tiền rộng như Chợ Phi Nôm, Chợ Đinh Lạc,... đơn vị quản lý chợ cần phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ để bố trí, sắp xếp, tổ chức đường ra, vào riêng biệt. Việc này không chỉ giảm độ phức tạp của điểm giao cắt để đảm bảo ATGT mà còn thuận lợi cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống kiểm soát dịch bệnh cho khu vực chợ.
 
UBND các huyện, thành phố cần sớm quy hoạch đầu tư xây dựng chợ tại các điểm chợ tự phát và kiên quyết dẹp bỏ ngay các điểm chợ tự phát không đảm bảo ATGT và an ninh trật tự phòng chống cháy nổ. 
 
Thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý các chợ hiện đang do UBND cấp xã quản lý thành mô hình Hợp tác xã chợ quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh chợ. Các đơn vị quản lý chợ phải tổ chức, sắp xếp, bố trí lại quầy sạp, nơi buôn bán đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông trong chợ một cách thuận tiện, để hạn chế tình trạng tranh giành, dồn nơi buôn bán ra phía mặt tiền; không để người dân sử dụng HLATĐB làm nơi buôn bán; Bố trí nơi để xe ở khu vực phía trước, tạo thuận lợi cho người đi chợ bằng xe máy và hạn chế việc buôn bán, để phương tiện lấn chiếm ra vỉa hè, lòng, lề đường.
 
Nên bố trí cho những người buôn gánh bán bưng, bán nông sản tự sản tự tiêu ra khu vực phía sau chợ hoặc bố trí nơi riêng để đảm bảo quyền lợi cho những người thuê sạp, buôn bán phía trong. 
 
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng của cấp huyện, xã tăng cường công tác phối hợp với thanh tra giao thông, đơn vị quản lý đường bộ ra quân, kiểm tra xử lý vi phạm về cơi nới, dựng công trình lều bạt, để quầy sạp buôn bán, phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường và HLATĐB; đặc biệt là các chợ và khu vực trung tâm có hoạt động thương mại dịch vụ. Lực lượng cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông qua công tác tuần tra giao thông nếu phát hiện vi phạm thuộc thẩm quyền thì kiểm tra, xử lý; đồng thời có ý kiến bằng văn bản đôn đốc nhắc nhở các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý.
 
NGUYỄN NGHĨA