Một số nội dung mới về chế độ, chính sách

06:03, 01/03/2022
Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, tiếp tục điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo lộ trình hàng năm kể từ năm 2021. Thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028. Tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. 
 
Như vậy, năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện làm việc bình thường sẽ là 60 tuổi 6 tháng và lao động nữ là 55 tuổi 8 tháng, thay vì lần lượt 60 tuổi 3 tháng và 55 tuổi 4 tháng như quy định hiện hành.
 
Tùy trường hợp, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Người được nghỉ hưu sớm diện này gồm lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại nằm trong danh mục quy định. Người làm việc 15 năm trở lên ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Ngược lại, lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu muộn hơn, nếu đạt được thỏa thuận với người sử dụng lao động. 
 
Từ năm 2022, số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu của lao động nam có sự điều chỉnh, muốn hưởng mức tối thiểu 45% phải đóng đủ 20 năm BHXH trở lên thay vì 19 năm như hiện hành. Còn muốn hưởng tối đa 75%, lao động nam đóng đủ BHXN từ 35 năm, tăng thêm 01 năm so với năm 2021.
 
Quy định không áp dụng đối với lao động nữ. Người đóng đủ 15 năm BHXH hưởng mức lương hưu tối thiểu 45% và tối đa 75% với lao động nữ đóng đủ 30 năm. Mức hưởng tăng thêm 2% cho một năm đóng, ngược lại, nghỉ hưu sớm trước tuổi bị trừ 2% mức hưởng, áp dụng cho cả lao động nam và nữ.
 
Ngoài ra, quy định mới sẽ tăng lương hưu, trợ cấp BHXH từ ngày 01/01/2022. Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 108/2021/ NĐ - CP quy định: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 12 năm 2021 đối với các đối tượng quy định tại khoản Điều 1 Nghị định này. Theo đó, những ai đang nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng trước ngày 01/01/2022 sẽ được tăng 7,4% mức hưởng so với tháng 12/2021.
 
Ngoài ra, sau khi tăng 7,4% mà mức hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng của người nghỉ hưu trước năm 1995 vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng thì họ còn được tăng thêm với mức sau: Tăng 200.000 đồng/người/tháng đối với người có mức lương hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống. Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với người có mức lương từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.
 
Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhấn mạnh: Ngày 10/12/2020. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2020/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ - CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ - CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/ NĐ - CP. Theo đó, Nghị định số 143 có một số điểm mới nổi bật như: Thứ nhất, quy định các trường hợp tinh giản biên chế, bổ sung “có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Như vậy, Nghị định 143 đã sửa đổi tiêu chí xếp loại “bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao”của Nghị định số 113 “không hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
 
Nghị định 143 cũng bổ sung “có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ…”.
 
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm: kể từ ngày 01/8/2021, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức chuyên ngành hành chính thực hiện theo Thông tư 02/2021/TT - BNV. Theo quy định mới, rất nhiều chứng chỉ, văn bằng công chức chuyên ngành hành chính bị bãi bỏ, gồm: chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Tuy nhiên, trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thì trừ công chức ngạch nhân viên và cán sự, các ngạch khác phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản. Sử dụng ngoại ngữ ở trình độ tương đương với bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc tiếng dân tộc với công chức công tác tại vùng Dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
 
Chuyên viên cao cấp không cần bằng cử nhân chính trị mà bắt buộc chỉ còn một trong 3 loại giấy tờ về điều kiện lý luận chính trị: Bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị; bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính; giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp lý luận chính trị.
 
Ngạch chuyên viên chính và chuyên viên: không còn được sử dụng bằng Thạc sỹ quản lý hành chính công, tiến sĩ quản lý hành chính công thay cho chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch tương đương.
 
Ngạch cán sự: được bãi bỏ chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngạch cán sự.
 
Ngạch nhân viên: Chỉ cần bằng tốt nghiệp trung cấp mà không yêu cầu là ngành hoặc chuyên ngành phù hợp trở lên cũng như bỏ chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến nghiệp vụ. 
 
Trên đây là một số nội dung mới liên quan đến chế độ, chính sách và tiêu chuẩn văn bằng chứng chỉ chuyên ngành hành chính. Báo Lâm Đồng thông tin để bạn đọc và các đối tượng liên quan được biết.
 
 NGUYỆT THU