''Ác mộng'' của châu Âu: COVID-19 chưa qua, cúm mùa ập đến

12:09, 26/09/2020

(LĐ online) - Các nước châu Âu đang trong tình thế lưỡng nan khi COVID-19 chưa qua thì thời điểm cúm mùa quay lại đã đến gần. 

(LĐ online) - Các nước châu Âu đang trong tình thế lưỡng nan khi COVID-19 chưa qua thì thời điểm cúm mùa quay lại đã đến gần. 
 
Tưởng chừng như lệnh phong tỏa của chính phủ các nước châu Âu sẽ giúp giảm tải cơn khủng hoảng y tế vào mùa xuân sắp tới đây, nhưng người dân chưa kịp quen với nhịp sống bình thường thì COVID-19 lại bắt đầu rục rịch bùng phát. Nỗi lo càng gia tăng khi sắp đến thời điểm “ác mộng” cúm mùa quay trở lại. 
 
Canada được dự báo vào đầu tháng 10 tới, số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại nước này sẽ lên tới 155.795, với 9.300 trường hợp tử vong. Ảnh: Reuters
Canada được dự báo vào đầu tháng 10 tới, số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại nước này sẽ lên tới 155.795, với 9.300 trường hợp tử vong. Ảnh: Reuters
 
Nín thở chờ ác mộng
 
Hãng tin Reuters cho hay Vương quốc Anh đã có số người chết vì COVID-19 lớn nhất châu Âu với 41.825 người (cập nhật lúc 11 giờ ngày 23/9 giờ Việt Nam). Nước này đang ra sức vay một số tiền khổng lồ để bơm khẩn cấp vào nền kinh tế đang kiệt quệ vì dịch bệnh. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tái áp đặt các quy định đối với những quán bar, nhà hàng để ngăn nguy cơ từ dịch bệnh đang bùng phát trở lại mang sức tàn phá ghê gớm gấp nhiều lần so với trước đây, và những hạn chế mới này có thể kéo dài tận 6 tháng. Ông bày tỏ quan ngại sâu sắc: “Tôi rất lấy làm tiếc vì chuyện này sẽ gây tổn hại đến nhiều doanh nghiệp mới vừa đứng vững”.
 
Bên cạnh vấn đề đại dịch đang bùng phát trở lại trên diện rộng, các chuyên gia cũng lo ngại về những người mắc bệnh cúm và nghĩ rằng đó là COVID-19. Cả hai bệnh này đều có những triệu chứng tương đối giống nhau như sốt, ho, khó thở và mệt mỏi. Một khả năng đáng lo ngại khác là những người mắc cúm mùa dễ bị nhiễm COVID-19 hơn hoặc có thể bị nhiễm cùng lúc nhiều loại vi rút khiến cho các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn.
 
Theo tờ The New York Times, dịch cúm mùa những năm trước đây đã tạo nên một áp lực lớn cho hệ thống chăm sóc y tế. Giới chuyên môn lo ngại rằng khi hai căn bệnh này chạm nhau vào mùa đông sắp tới, có thể lấn át hệ thống chăm sóc sức khỏe và tạo ra tình trạng thiếu hụt giường bệnh lẫn thiết bị bảo vệ cá nhân ở mức vô cùng trầm trọng.
 
Tờ Science News dự đoán, SARS-CoV-2, vi rút gây ra COVID-19 sẽ sớm gặp mặt vi rút gây ra cúm mùa và các nhà khoa học hiện nay vẫn chưa mường tượng được cuộc gặp gỡ đó sẽ kết thúc như thế nào. Dự báo, bắt đầu từ tháng 10 khi châu Âu trở lạnh, “siêu đại dịch” với sự kết hợp của vi rút cúm mùa và SARS-CoV-2 ở bắc bán cầu sẽ bùng nổ. Chuyên gia y tế các nước đang kêu gọi mọi người phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Và nhấn mạnh rằng vắc xin cúm mùa đặc biệt quan trọng trong năm nay vì giảm số ca mắc cúm giúp bảo tồn nguồn lực y tế để điều trị bệnh nhân COVID-19. Các nhà nghiên cứu của Mỹ cho hay: “Nếu giãn cách xã hội và các biện pháp ngăn ngừa COVID-19 vẫn được thực hiện tốt, cúm mùa có thể giảm bớt hoặc bị trì hoãn”. Nhưng các chuyên gia dự đoán diễn biến của bệnh cúm đã thẳng thắn rằng: “Bệnh cúm là không thể đoán trước được”. 
 
Ông Richard Webby, nhà vi rút học tại Bệnh viện Nghiên cứu Trẻ em St. Jude ở Memphis, Tennessee (Mỹ) lại có một hướng suy nghĩ khác. Ông lập luận rằng: “Vi rút gây ra COVID-19 và vi rút cúm mùa sẽ cạnh tranh nhau tìm vật chủ để lây nhiễm, dẫn đến việc chủng vi rút này sẽ bài trừ chủng vi rút kia”. Ông nói rằng mình cảm thấy khó tin với viễn cảnh dịch cúm mùa lan rộng song song với COVID-19 trong cùng một lúc. “Tôi nghĩ một trong hai chủng sẽ chiếm ưu thế”, ông Webby nói thêm. Tuy nhiên ông cũng không chắc chắn với chính lập luận của mình khi suy đoán rằng: “Cả hai căn bệnh này có lẽ sẽ không cùng gộp lại để công phá chúng ta, hoặc là tôi đã phạm một sai lầm khủng khiếp khi nói vậy".
 
Một nghĩa trang tập thể ở thành phố Manaus (Amazonas, Brazil) đầy ám ảnh giữa dịch COVID-19 hồi tháng 4. Ảnh: Michael Dantas
Một nghĩa trang tập thể ở thành phố Manaus (Amazonas, Brazil) đầy ám ảnh giữa dịch COVID-19 hồi tháng 4. Ảnh: Michael Dantas
 
Số người chết do cúm và COVID-19 sẽ tiếp tục tăng
 
Cúm mùa là bệnh hô hấp cấp dễ bùng phát vào mùa Đông - Xuân. Theo thống kê tại Hoa Kỳ, hàng năm, cúm mùa đã giết chết 12.000 đến 61.000 người và mỗi năm khiến 140.000 đến 810.000 người nhập viện kể từ năm 2010. Nguồn tin của AFP nhận xét rằng so với ba mùa cúm trước, tỷ lệ người mắc cúm mùa đã giảm mạnh vào tháng 3 sau khi Mỹ tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tại châu Âu, các hạn chế đi lại và việc đóng cửa biên giới có thể đã ngăn bệnh cúm mùa du nhập từ nơi khác đến các nước trong khu vực.
 
Tính đến thời điểm hiện tại, phương thuốc chữa trị hiệu quả cho COVID-19 vẫn chưa thực sự khả quan như mong đợi của người dân toàn thế giới. Theo nguồn tin Reuters, trên cơ sở số người chết đang cao ngất ngưởng ở mức gần 42.000 người và số ca mắc là hơn 404.000 người, các nhà khoa học của chính phủ Anh cảnh báo nước này có thể đạt 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vào giữa tháng 10 tới đây, giáng đòn chí tử vào nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. 
 
Tại Cộng hòa Séc hiện có hơn 51.600 ca mắc COVID-19, trong đó 530 ca tử vong. Còn tại Canada, Cơ quan Y tế Công cộng tuyên bố rằng kịch bản xấu nhất là số ca bệnh có thể tăng hơn 1.000 ca mỗi ngày và lên đến 155.795 vào ngày 2/10, với số người chết lên tới 9.300 người. Nhưng ngay trong hôm thứ tư vừa qua theo giờ Việt Nam, Canada với tổng trường hợp mắc COVID-19 đã nhanh chóng đạt đến con số 147.000 và 9.234 trường hợp tử vong.
 
Song song đó, với gần 31.000 người chết, chính phủ Tây Ban Nha đã phải đồng ý để người lao động làm việc tại nhà nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. Theo hãng tin AP, thủ đô Madrid có thể mở rộng hơn các biện pháp chống COVID-19 bất chấp sự phản đối kịch liệt của người dân.
 
Tại bang Bavaria miền nam nước Đức, nơi có số ca tử vong vì COVID-19 đạt 2.644 người trên tổng số gần 9.500 người chết của cả nước, đã áp dụng các biện pháp mới vào hôm thứ ba bao gồm giới hạn số lượng người gặp gỡ, bắt buộc đeo khẩu trang và đóng cửa sớm hơn đối với các nhà hàng. Hãng tin AP cho biết tình trạng tử vong tại các viện dưỡng lão ở Pháp đang gia tăng trở lại. Gần một nửa trong số 31.416 người được xác nhận đã chết ở Pháp vì dịch bệnh là cư dân viện dưỡng lão. 
 
Số người chết mỗi lúc một tăng cao khiến chính phủ các nước đành phải mai táng những nạn nhân của đại dịch COVID-19 trong những khu chôn cất tập thể cách xa khu dân cư để tránh việc lây lan bệnh và phải chuẩn bị phương án để ứng phó trong trường hợp tình hình diễn biến xấu hơn.
 
Học sinh đi học bằng xe buýt ở Sydney hồi tháng 7 năm 2020, khi cúm mùa còn chưa lăm le đe dọa đến các nước châu Âu. Ảnh: Loren Elliott
Học sinh đi học bằng xe buýt ở Sydney hồi tháng 7 năm 2020, khi cúm mùa còn chưa lăm le đe dọa đến các nước châu Âu. Ảnh: Loren Elliott

 

SARS-CoV-2, vi rút gây ra COVID-19 (được hiển thị trong hình ảnh hiển vi điện tử, bên trái, màu cam) có thể sớm đối mặt với bệnh cúm (các phần tử vi rút cúm H1N1 bên phải, màu xanh lục), các nhà khoa học vẫn chưa biết cuộc chạm trán này sẽ kết thúc như thế nào. Ảnh: Science News
SARS-CoV-2, vi rút gây ra COVID-19 (được hiển thị trong hình ảnh hiển vi điện tử, bên trái, màu cam) có thể sớm đối mặt với bệnh cúm (các phần tử vi rút cúm H1N1 bên phải, màu xanh lục), các nhà khoa học vẫn chưa biết cuộc chạm trán này sẽ kết thúc như thế nào. Ảnh: Science News
 
TRÂM ANH