Thách thức của ông Yoshihide Suga

06:09, 21/09/2020

Với tư cách là Thủ tướng, ông Yoshihide Suga đã mô tả nội các của mình là một nội các sẽ hoạt động vì người dân và cho biết việc chấm dứt đại dịch COVID-19 song song với trẻ hóa nền kinh tế là những ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền của ông.

Với tư cách là Thủ tướng, ông Yoshihide Suga đã mô tả nội các của mình là một nội các sẽ hoạt động vì người dân và cho biết việc chấm dứt đại dịch COVID-19 song song với trẻ hóa nền kinh tế là những ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền của ông.
 
Sau chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Nhật Bản, ông Suga đã nhận được thư bổ nhiệm chính thức làm Thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: AFP
Sau chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Nhật Bản, ông Suga đã nhận được thư bổ nhiệm chính thức làm Thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: AFP
 
Ngày 16/9 vừa qua, trong cuộc bỏ phiếu của Hạ viện, ông Yoshihide Suga (71 tuổi) từng giữ chức Tổng Thư ký Điều hành LDP (Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản) đã cúi đầu thật sâu khi các nhà lập pháp hoan nghênh chiến thắng của ông. Tại đây, ông đã không đưa ra bất cứ bình luận nào mà chỉ phát biểu khi ông có cuộc họp báo đầu tiên với tư cách là Thủ tướng.
 
Theo The Japan Times, ông Suga đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới được định hình bởi hàng loạt các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội đầy khó khăn và thách thức. Ông trở thành Thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản, nối gót chính quyền do người tiền nhiệm tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản hiện đại, ông Shinzo Abe. 
 
Gốc nhà nông thành người điều phối bậc thầy
 
Ông Yoshihide Suga sinh ngày 6/12/1948 tại làng Akinomiya, nay thuộc thành phố Yuzawa, tỉnh Akita thuộc miền Trung Nhật Bản. Ông từng có xuất phát rất thấp để bước vào hệ thống chính trị khi xuất thân là con trai của một người đàn ông là nông dân trồng dâu tây, mẹ là giáo viên. Không phải là “con nhà tông” trong giới chính trị mà lại là một người gốc gác nhà nông biết phấn đấu khiến ông khác biệt hoàn toàn với giới tinh hoa chính trị của Nhật Bản. Nhưng với một cú bứt tốc đầy ngoạn mục, cuối cùng ông Suga đã có thể trở thành Thủ tướng, mở ra một trang mới cho đất nước Nhật Bản mạnh giàu. Đó là một câu chuyện đẹp như mơ nhưng có thực tại đất nước này. 
 
Giới báo chí nhận định ông Suga là một người khéo léo trong việc điều phối và cả trong việc đưa ra những thông điệp trọng tâm. Với chủ trương thúc đẩy cải cách, ông đã giữ lại khoảng một nửa đội hình của người tiền nhiệm Shinzo Abe trong nội các của mình, hoặc chuyển những người có kinh nghiệm sang những chức vụ quan trọng, ưu tiên sự ổn định, cân bằng quyền lực phe phái bằng tính mới, đa dạng và linh hoạt. Đối với vị trí tân Chánh Văn phòng nội các, ông Suga đã bổ nhiệm ông Katsunobu Kato - đồng minh thân cận mà ông đã làm việc cùng từ năm 2012 đến 2015. Lúc đó ông Kato là Phó Chánh Văn phòng nội các. Trong một họp báo gần đây, ông Abe cũng nói với giọng tràn đầy sự tin tưởng, rằng: “Tôi sẽ tiếp tục hoạt động chính trị của mình và ủng hộ chính quyền mới với tư cách là một nhà lập pháp”.
 
Theo Hãng tin AP, ông Suga đã nhấn mạnh xuất thân của mình là con của một nông dân và ông là một chính trị gia tự lập, hứa sẽ phục vụ lợi ích của dân thường và cộng đồng nông thôn. Hãng tin AFP đưa tin rằng, với xuất thân của mình, các vấn đề về khu vực nông thôn được cho là một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông Suga. Có lẽ, trong thời gian tới, ông Suga sẽ tìm kiếm một nhiệm vụ công khai để xác lập mình như một nhà lãnh đạo lâu dài, chứ không chỉ là một thủ tướng được chọn ra để phục vụ phần còn lại của nhiệm kỳ ông Abe đến tháng 9 năm sau. Theo các nhà phân tích, quan điểm chính trị của ông tới nay vẫn là một điều bí ẩn.
 
Ông Yoshihide Suga được các thành viên nội các ủng hộ và tin tưởng. Ảnh: Eugene Hoshiko
Ông Yoshihide Suga được các thành viên nội các ủng hộ và tin tưởng. Ảnh: Eugene Hoshiko
 
Thách thức từ mọi phía
 
Không “hoạt ngôn” như ông Abe - người đã từ chức vì vấn đề sức khỏe sau gần tám năm tại vị - ông Suga lại có điểm yếu về ngoại giao. Ông cho biết trụ cột trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông là giữ liên minh Nhật - Mỹ luôn bền vững. Và mới đây ông Trump mong muốn được sớm làm việc với tân Thủ tướng Nhật Bản Suga, để giúp cho mối quan hệ song phương ngày càng bền chặt hơn. Bên cạnh đó, ông Suga còn tuyên bố sẽ cố gắng duy trì mối thâm tình của Nhật Bản với Bắc Kinh, và tìm cách xây dựng mối quan hệ ổn định với các nước láng giềng bao gồm Trung Quốc và Nga.
 
Trong nước, tân Thủ tướng cũng phải đối mặt với vô số thách thức từ một xã hội đang già đi nhanh chóng đến đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Theo Hãng Reuters, dự định nối tiếp những điều mà ông Abe đang làm như thúc đẩy các cải cách bao gồm bãi bỏ quy định, kỹ thuật số hóa và phá bỏ chủ nghĩa quan liêu đang cản trở chính phủ sẽ được ông Suga thực hiện trong thời gian gần nhất, bao gồm cả “Abenomics” (chính sách kinh tế của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe). Ông Suga nói tại cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật: “Trong cuộc khủng hoảng quốc gia như hiện nay, khoảng trống chính trị cần phải được tránh bằng mọi giá. Để toàn bộ người dân khôi phục lại sự yên bình cho cuộc sống của họ, tôi sẽ tiếp tục và thúc đẩy các chính sách của chính quyền ông Abe. Tôi nhận ra đó là một sứ mệnh được giao cho tôi.” 
 
Hiện tại, gánh nặng trên vai ông Suga chính là ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19 và hồi sinh nền kinh tế đang bị vùi dập thảm hại bởi dịch. Ông Yasutoshi Nishimura, người tham mưu cho ông Abe về COVID-19, vẫn giữ nguyên chức vụ Bộ trưởng Kinh tế và hứa hẹn sẽ hỗ trợ ông Suga trong thời gian tới để sớm giải quyết ổn thỏa tình hình dịch bệnh tại nước này.
 
“Mong muốn hợp tác chặt chẽ với ngài Thủ tướng và Chính phủ mới của Nhật Bản”
 
Đó là thông điệp Chính phủ Việt Nam gửi đến tân Thủ tướng Yoshihide Suga và Chính phủ Nhật Bản sau lễ nhậm chức diễn ra ngày 16/9. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chúc mừng. 
 
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện chúc mừng ngài Motegi Toshimitsu được tái bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản. Liên quan đến việc Nhật Bản có Thủ tướng mới, bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói: “Việt Nam chúc mừng ngài Yoshihide Suga được bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Nhật Bản và mong muốn hợp tác chặt chẽ với Ngài Thủ tướng và Chính phủ mới của Nhật Bản để đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới, ngày càng toàn diện, thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.
 
Theo Văn phòng JETRO (Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản) tại TP Hồ Chí Minh nhận định, Lâm Đồng có số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nhiều nhất Việt Nam. Tính tới năm 2016, tại Lâm Đồng có 110 dự án FDI, riêng Nhật Bản có 11 doanh nghiệp đầu tư với giá trị 32 triệu USD. Theo thống kê từ Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, năm 2018, Lâm Đồng xuất khẩu sang Nhật đạt 661 triệu USD. Từ đầu năm 2016 đến nay Lâm Đồng đã tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến đầu tư Nhật Bản, tìm hướng đưa hàng hóa mang thương hiệu Lâm Đồng ra thị trường quốc tế.
 
TRÂM ANH