Quan hệ giữa Ukraine và châu Âu đối mặt bất ổn mới ngay trước cuộc phản công mùa xuân

05:58, 20/04/2023

Trong lúc đang dốc sức chuẩn bị cho cuộc phản công mùa xuân chống lại các lực lượng của Nga, các nhà lãnh đạo Ukraine lại rơi vào bất ổn mới với một số nước ủng hộ lớn nhất ở châu Âu.

Ngũ cốc được trồng trên cánh đồng tại Izmail, Ukraine
Ngũ cốc được trồng trên cánh đồng tại Izmail, Ukraine

Tạp chí Newsweek đưa tin ngày càng nhiều quốc gia Đông Âu đang tiến tới cấm nhập khẩu nông sản của Ukraine, viện dẫn lý do lo ngại rằng việc nhập khẩu hàng hóa nước ngoài có thể làm suy yếu nền kinh tế của chính họ. Ba quốc gia gồm Slovakia, Ba Lan và Hungary đã khởi xướng một lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine và những quốc gia khác có thể sớm làm theo, bất chấp phản ứng từ quốc tế.

Các lệnh cấm trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine, nơi có những vùng đất màu mỡ được mệnh danh là vựa lúa mì của châu Âu, đang phải hứng chịu những đòn giáng kinh tế sau khi nổ ra xung đột với Nga từ tháng 2/2022. Ngoài gây thương vong, cuộc chiến này còn làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, ngăn chặn các chuyến vận chuyển ngũ cốc và phá hủy cơ sở hạ tầng trên khắp đất nước. Hậu quả, năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GPD) của Ukraine đã giảm 30%.

Ngày 18/4, Bulgaria và Romania đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể trở thành những quốc gia tiếp theo cấm nhập khẩu nông sản của Ukraine. Điều này sẽ gây thêm áp lực cho nền kinh tế Ukraine khi nước này tìm cách phục hồi sau suy thoái kinh tế.

Và mối bất ổn trên đã báo hiệu sự rạn nứt hiếm hoi giữa các đồng minh châu Âu trong cuộc chiến ở Ukraine. Ngoại trừ Belarus, phần lớn châu Âu đều ủng hộ Ukraine, cung cấp hỗ trợ kinh tế và nguồn vũ khí khổng lồ để Kiev củng cố hệ thống phòng thủ chống lại Nga.

Nguồn cơn của căng thẳng

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Moskva đã phong tỏa các tuyến đường biển nối đến những bến cảng quan trọng trên Biển Đen, gây trở ngại cho tàu thuyền Ukraine vận chuyển ngũ cốc và nông sản khác ra thị trường thế giới. Do đó, hàng hóa từ Ukraine phải được vận chuyển bằng đường bộ qua Đông Âu.

Sau khi lệnh phong tỏa kết thúc vào tháng 8/2022 với thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian, Nga đã cho phép nối loại hoạt động vận chuyển ngũ cốc của Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ bỏ tất cả các loại thuế quan đối với mặt hàng ngũ cốc của Ukraine, cũng như đưa ra "các làn đường đoàn kết" để đảm bảo hoạt động xuất khẩu từ Ukraine ra thế giới được thông suốt. Một số quốc gia trong khu vực đã đề nghị giúp trung chuyển ngũ cốc Ukraine tới các thị trường thứ ba. Thực trạng này đã khiến các sản phẩm nông sản của Ukraine đổ vào Đông Âu nhiều hơn.

Bộ trưởng Nông nghiệp Bulgaria Yavor Gechev cho biết mặc dù đất nước của ông ủng hộ Ukraine, nhưng tình trạng dư thừa cục bộ đã xuất hiện trên thị trường nông sản. Bởi vì theo ông, thay vì hành lang xuất khẩu, các quốc gia Đông Âu đang trở thành nhà kho của ngũ cốc Ukraine - điều mà người nông dân địa phương lên án là khiến hàng hóa của họ bị mất sức cạnh tranh.  

Tại sao một số nước Đông Âu cấm nhập khẩu nông sản Ukraine?

Việc ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn ngập thị trường một số quốc gia thành viên EU đã khiến nông dân biểu tình phản đối. Theo hãng tin AP, nông dân ở thành phố Ruse của Bulgaria đã chặn các cửa khẩu biên giới chính với Romania vào tuần trước. Họ dùng máy kéo để ngăn các xe tải đi qua cây cầu bắc qua sông Danube.

Với các biểu ngữ có nội dung “Chấm dứt nạn diệt chủng nông nghiệp” và “Chúng tôi muốn cạnh tranh”, nông dân Bulgaria cho biết họ vẫn chưa bán được khoảng 40% vụ mùa từ năm ngoái, chủ yếu là ngũ cốc và hạt hướng dương. Hàng tồn kho có nghĩa là họ không có chỗ chứa cho vụ thu hoạch năm nay.

Nông dân ở Ba Lan cũng biểu tình vì vấn đề này. Họ nói giá ngũ cốc giảm do một lượng lớn nông sản Ukraine đổ vào mà lẽ ra lượng sản phẩm này phải tới châu Phi và Trung Đông. Tại Romania, khoảng 100 nông dân đã tập trung ở thủ đô Bucharest, hàng trăm người khác đã lái máy kéo biểu tình khắp nước này.

Vì vậy, các nước Đông Âu đang chọn cách cấm nhập khẩu nông sản Ukraine để bảo vệ phúc lợi kinh tế của nông dân trong nước. Họ cho rằng việc nhập khẩu hàng hóa Ukraine rẻ hơn gần đây đã gây sức ép cho thị trường nội địa, tạo ra áp lực kinh tế mới.

Tạp chí Newsweek đã liên hệ Bộ Kinh tế Ukraine để xin bình luận về vấn đề này. 

Vào tháng 3, Thủ tướng của các quốc gia Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen để phản ánh việc tạm thời dừng đánh thuế đối với hàng nhập khẩu của Ukraine, trong bối cảnh xảy ra chiến tranh, cần phải được điều chỉnh lại để xử lý những khó khăn của thị trường nội địa.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki viết trên Twitter rằng: "Hãy ủng hộ Ukraine, nhưng hãy thực hiện một cách khôn ngoan và trên hết, hãy đặt lợi ích của đất nước và nông dân Ba Lan lên hàng đầu!".

Dự kiến trong ngày 19/4, Bulgaria sẽ quyết định có cấm một số sản phẩm nông nghiệp của Ukraine hay không. Bộ trưởng Nông nghiệp Bulgaria Yavor Gechev cho biết quyết định này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ để châu Âu nhằm đưa ra hành động để xoa dịu tình hình kinh tế.

"Nông dân Bulgaria nói rằng họ không muốn nhận trợ cấp, họ muốn thị trường của họ. Cạnh tranh không lành mạnh đang xảy ra từ phía Ukraine”, Bộ trưởng Gechev nói.

Ukraine, EU lên án lệnh cấm nhập khẩu nông sản

Những nỗ lực này đã vấp phải sự chỉ trích từ Ukraine. Trong một tuyên bố, Bộ Nông nghiệp Ukraine đã lên án quyết định của Ba Lan - một trong những quốc gia ủng hộ quốc tế nhiệt thành nhất của Ukraine. Bộ này cho rằng trong khi các nhà sản xuất nông nghiệp Ukraine hiểu rõ nhu cầu của người nông dân Ba Lan thì quyết định đơn phương của Ba Lan sẽ không đẩy nhanh quá trình giải quyết tình hình.

Bộ này viết: “Chúng tôi hiểu rằng nông dân Ba Lan có hoàn cảnh khó khăn, nhưng chúng tôi nhấn mạnh rằng hiện nay tình hình của nông dân Ukraine mới khó khăn nhất”.

EU cũng đã lên tiếng phản đối những lệnh cấm này.

"Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng chính sách thương mại thuộc thẩm quyền của EU và do đó, các hành động đơn phương là không thể chấp nhận được. Cần phải phối hợp và sắp xếp tất cả các quyết định trong nội bộ khối”, một phát ngôn viên của EC nói với Reuters.

(Theo Baotintuc.vn)