Nhân 74 năm Ngày Thể thao Việt Nam, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng về những định hướng chính của thể thao Lâm Đồng trong thời gian đến.
Nhân 74 năm Ngày Thể thao Việt Nam, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng về những định hướng chính của thể thao Lâm Đồng trong thời gian đến.
Đội tuyển năng khiếu Khiêu vũ thể thao của tỉnh - bộ môn mới phát triển trong năm 2019 nhưng đã mang về huy chương cho thể thao Lâm Đồng |
PV:
Nhìn lại thể thao Lâm Đồng những năm qua ông ấn tượng nhất điều gì?
Ông Nguyễn Tiến Hải: Có thể khẳng định rằng Thể thao Lâm Đồng những năm qua đã từng bước hướng đến một nền thể thao đại chúng và toàn diện.
Trước nhất, phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển qua từng năm. Hiện nay, số người trong tỉnh tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35,2%, tăng 3,2% so với năm 2018; số gia đình thể thao đạt 28,3%, tăng 3,3% so với năm 2018. Trong tỉnh nhiều mô hình thể thao được khuyến khích phát triển như câu lạc bộ (CLB), liên đoàn, hội thể thao từ tỉnh đến xã; đến nay toàn tỉnh có 12 liên đoàn, 4 hội thể thao cấp tỉnh, 41 hội, chi hội thể thao cấp huyện và 1.115 câu lạc bộ TDTT cơ sở.
Phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang, trong học đường của tỉnh đều có bước phát triển mới. Toàn tỉnh trong năm 2019 vừa qua đã tổ chức trên 1.300 giải từ cấp tỉnh đến cơ sở với 25 môn thể thao, thu hút trên 100 nghìn lượt vận động viên (VĐV) tham dự. Điều đáng nói, giải được tổ chức cho hầu hết các đối tượng trong xã hội, từ thanh thiếu niên, nhi đồng, thanh niên dân tộc thiểu số đến người cao tuổi, người khuyết tật... cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu của mọi tầng lớp người dân.
Đặc biệt, công tác xã hội hóa TDTT những năm gần đây được tỉnh rất chú trọng. Đã có không ít cá nhân, tổ chức, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tài trợ cho các giải thi đấu thể thao, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và tổ chức các hoạt động TDTT. Các liên đoàn và các hội thể thao tỉnh được củng cố và dần hoàn thiện, hoạt động tương đối hiệu quả, số lượng các CLB TDTT cơ sở tăng lên nhanh, góp phần không nhỏ trong việc đa dạng hóa các loại hình, đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân; việc các cá nhân tổ chức tài trợ các giải đấu làm tăng thêm tính hấp dẫn của giải, tăng giải thưởng cho vận động viên, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển TDTT tỉnh nhà, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trong tỉnh.
Với thể thao thành tích cao, Lâm Đồng đã từng bước khẳng định vị thế trên toàn quốc. Trong năm 2019 vừa qua, tỉnh đã cử gần 500 lượt VĐV tranh tài 55 giải thể thao khu vực quốc gia và quốc tế của 14 bộ môn, giành được gần 300 huy chương các loại, trong đó có 91 Huy chương Vàng, đạt 175% so với kế hoạch (trong đó có 2 Huy chương Vàng quốc tế). Lâm Đồng hiện có 8 VĐV là kiện tướng quốc gia, có 11 VĐV triệu tập vào đội tuyển quốc gia và trẻ quốc gia. Hiện nay Lâm Đồng đang duy trì 13 lớp năng khiếu của các bộ môn với 175 VĐV.
PV:
Là một tỉnh với thế mạnh về du lịch, thể thao Lâm Đồng những năm qua đã làm gì để góp sức cho du lịch cùng phát triển thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Hải: Trong quá trình hoạt động chúng tôi luôn chú ý đến điều này. Với ưu thế về thiên nhiên, khí hậu, có thành phố Đà Lạt với du lịch phát triển nên tỉnh hằng năm đăng cai các giải khu vực, quốc gia về cho tỉnh, đặc biệt là những giải lớn, đông đảo VĐV tham gia.
Như trong năm 2019 vừa qua, Lâm Đồng đã đăng cai, phối hợp tổ chức 10 giải cấp quốc gia, quốc tế và giải khu vực, trong đó có 3 giải quốc tế mở rộng, 7 giải quốc gia và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đặc biệt, có những giải được tổ chức hằng năm, những năm gần đây rất đông người tham gia. Như giải cờ vua trẻ, thiếu niên nhi đồng toàn quốc tại Đà Lạt có đến trên 700 VĐV tham dự cùng hằng nghìn phụ huynh đi theo. Còn giải Siêu Marathon Quốc tế Dalat Ultra Trail và giải Xe đạp địa hình quốc tế mở rộng Dalat Victory Challenge thuộc hệ thống Cúp Vô địch quốc gia “Vietnam MTB Series” cũng rất đông người tham dự. Khi 2 giải này tổ chức trong năm 2019 đã có gần 5.000 VĐV trong và ngoài nước tham gia. Điều đáng nói, toàn bộ chi phí tổ chức giải hơn 5 tỷ đồng đều đến từ nguồn xã hội hóa.
Đến nay, bên cạnh giải Dalat Ultra Trail trên, Lâm Đồng đã thu hút thêm các giải Marathon thể thao mạo hiểm xã hội hóa khác, như giải “Chạy giữa Mai đào” do Cầu Đất Farm tổ chức trong đầu năm nay với trên 300 VĐV tham dự; giải Dalat Suffer Fest tổ chức tại Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm. Chúng tôi cũng đã làm việc với Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh về giải đua xe ô tô địa hình tại Lâm Đồng, thu hút rất đông đảo người tham dự trong năm nay, nhưng do tình hình dịch bệnh hiện nay nên một số giải phải tạm hoãn lại chờ thời gian thích hợp.
PV:
Định hướng chính của thể thao Lâm Đồng như thế nào trong thời gian đến, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Hải: Mặc dù phong trào TDTT quần chúng phát triển nhanh trong tỉnh nhưng vẫn chưa đồng đều; một số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn phong trào TDTT còn nhiều khó khăn, thiếu hướng dẫn viên, cộng tác viên ở cơ sở.
Cùng đó, nhiều nội dung và hình thức tổ chức hoạt động TDTT ở cơ sở chưa đa dạng, chưa khai thác được thế mạnh các môn thể thao dân tộc truyền thống của địa phương; một số liên đoàn, hội thể thao cấp tỉnh chưa thật sự năng động, chưa phát huy được vai trò trong công tác chuyên môn; hoạt động chưa thường xuyên, vận động xã hội hóa còn nhiều hạn chế, còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường tuy đã có nhiều chuyển biến, song chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, đặc biệt là việc duy trì và nâng cao sức khỏe cho học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục đào tạo còn thiếu sân bãi, phòng tập, dụng cụ phục vụ cho nhu cầu tập luyện và thi đấu.
Định hướng chính của ngành trong thời gian đến vẫn là việc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 40%; số gia đình thể thao đạt 32%; tăng số lượng CLB TDTT ở cơ sở cũng như có thêm nhiều hơn cộng tác viên TDTT hoạt động ở cơ sở.
Trong thể thao thành tích cao, tỉnh nỗ lực nâng thành tích tại các giải toàn quốc và quốc tế, đầu tư có trọng điểm các môn thể thao thế mạnh của địa phương lâu nay, đồng thời đầu tư vào các bộ môn mới có khả năng tranh chấp huy chương. Như trong năm 2019 vừa qua, trong số huy chương mang về cho tỉnh có sự đóng góp của 2 bộ môn mới là cử tạ và khiêu vũ thể thao.
Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn toàn tỉnh, tiếp tục vận động các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tài trợ tổ chức các hoạt động TDTT. Về phía tỉnh sẽ thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các trang thiết bị tập luyện và thi đấu các môn thể thao từ tỉnh đến cơ sở; củng cố các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở. Tỉnh cũng sẽ quan tâm công tác đào tạo cán bộ TDTT để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
PV:
Xin cảm ơn ông!
VIẾT TRỌNG