Điểm sáng trong phong trào cầu lông Đức Trọng

06:10, 08/10/2020

Sân tập mới, đông người tập, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, thi đấu trong năm, vận động rất đông thành viên tham gia giải tỉnh hằng năm… Câu lạc bộ Cầu lông Đông Đô chính là một trong những điểm sáng trong phong trào luyện tập TDTT và phong trào cầu lông tại Đức Trọng hiện nay.

Sân tập mới, đông người tập, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, thi đấu trong năm, vận động rất đông thành viên tham gia giải tỉnh hằng năm… Câu lạc bộ Cầu lông Đông Đô chính là một trong những điểm sáng trong phong trào luyện tập TDTT và phong trào cầu lông tại Đức Trọng hiện nay.
 
Các thành viên CLB Cầu lông Đông Đô - Đức Trọng tại giải Quản lý và Trung cao tuổi Lâm Đồng 2020
Các thành viên CLB Cầu lông Đông Đô - Đức Trọng tại giải Quản lý và Trung cao tuổi Lâm Đồng 2020
 
Tiền thân của Câu lạc bộ (CLB) Cầu lông Đông Đô này chính là CLB Cầu lông Thống Nhất tại thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng. CLB này do một tư nhân yêu thể thao, yêu cầu lông tự bỏ tiền túi ra xây dựng trên đất nhà mình thành 2 sân cầu lông trong nhà như là một địa chỉ tập hợp mọi người đến chơi. Đây cũng chính là 2 sân cầu lông trong nhà đầu tiên tại thị trấn Liên Nghĩa. Gần đây, khi 2 sân cầu lông này đóng cửa, các thành viên trong CLB đã chuyển đến một địa điểm mới cũng ngay trong trung tâm thị trấn Liên Nghĩa, đó là CLB Cầu lông Đông Đô hiện nay.
 
CLB mới này cũng do một tư nhân tự bỏ tiền nhà xây dựng, đó là anh Lê Văn Hoàng, 40 tuổi, người Liên Nghĩa, Đức Trọng. Anh Hoàng hiện đang công tác trong ngành Điện lực tại thị trấn Liên Nghĩa, là một người yêu thể thao nhiệt thành, yêu cầu lông. “Trước đây, tôi chơi bóng đá, mê lắm, có dịp rảnh là ra sân, nhưng lớn tuổi chút lại chuyển sang chơi cầu lông, cũng do bạn bè rủ nhau đi chơi, chơi rồi đâm mê” - anh cười. Thế nên khi CLB cũ đóng cửa, anh đã quyết định xây sân cầu lông mới trên đất nhà mình. 
 
Nhưng anh không xây chỉ 2 sân như CLB Thống Nhất cũ trước đó mà anh xây một lúc đến 5 sân. Trong diện tích đất nhà khoảng 800 m2, anh Hoàng đã đầu tư nơi đây khoảng 1,5 tỷ đồng làm sân với mái che cao, rộng rãi, bên trong trang bị đèn chiếu sáng, có thảm lót sàn, có thể mở cửa phục vụ cả ngày cho mọi người đến chơi khi có nhu cầu. “Lấy tên CLB Đông Đô theo tên con đường trước nhà cho dễ nhớ” - anh Hoàng giải thích.
 
Sân rộng, đẹp, tiền hội phí cũng không nhiều, chỉ 250 nghìn đồng/tháng, khá rẻ, nên số người đến sân đăng ký thành hội viên CLB Đông Đô ngày càng đông. Vì CLB mở cửa cả ngày từ sáng sớm đến tối mịt, ai rảnh thời gian lúc nào có thể đăng ký chơi. Hiện CLB có khoảng 100 người.
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Bá, Phó Chủ nhiệm CLB Đông Đô, hầu hết những người chơi lâu năm từ CLB Thống Nhất cũ chuyển sang sinh hoạt tại đây nên CLB hoạt động rất nề nếp. Rất nhiều người trong số này đã gắn bó với cầu lông trên dưới 20 năm, có rất nhiều thành tích trong các giải huyện, giải tỉnh như ông Nguyễn Văn Bé, ông Hoàng Mạnh Dũng, bà Võ Thị Thanh Hằng, bà Nguyễn Thị Tình, anh Trương Công Thành, chị Sần Tiểu Loan… 
 
Hằng năm, theo ông Bá, CLB trước đây cũng như hiện nay vẫn thường tổ chức các hoạt động thi đấu nội bộ, tổ chức các chuyến giao lưu cùng các CLB cầu lông bạn trong huyện, đến các CLB cầu lông trong tỉnh. Khi có giải huyện hay giải tỉnh, nhờ CLB vận động nên số lượng VĐV tham gia các giải huyện, giải tỉnh đều rất đông.
 
Như giải cầu lông các nhà Quản lý và Trung cao tuổi Lâm Đồng năm 2020 tại Đà Lạt trong đầu tháng 10 vừa qua, CLB Cầu lông Đông Đô đã huy động đến 34 thành viên, gồm 24 nam và 10 nữ, đông nhất tại giải đấu này, để tham gia tất cả các nội dung của giải Trung cao tuổi. 
 
Cũng cần biết là toàn bộ các thành viên của CLB này khi đấu giải đều phải tự bỏ tiền túi ra. Do giải kéo dài trong 4 ngày, từ ngày 1 - 4/10, chỉ thi đấu trong buổi sáng và buổi tối nên rất nhiều người trong CLB đã phải bỏ công di chuyển trong ngày trên dưới 30 km từ Đức Trọng lên Đà Lạt từ sáng đến tối để thi đấu. 
 
“Thành viên trong CLB tham gia giải ở nhiều ngành nghề, có người công chức nhà nước, có người giáo viên, có người buôn bán, kinh doanh…, đến với CLB và đăng ký thi đấu vì niềm vui và đam mê, nhiều người bận rộn công việc hằng ngày nên phải đi - về nhưng khi đến giải vẫn cố gắng thi đấu hết mình” - ông Bá tươi cười.
 
Với tinh thần thể thao và lực lượng hùng hậu, CLB Đông Đô đã rất thành công tại giải đấu này, nhất là trong giải Trung cao tuổi. Hầu hết các VĐV thi đấu xuất sắc, vượt qua các tay vợt rất mạnh của nhiều đơn vị, giành quyền vào bán kết, chung kết, giành huy chương trong hầu hết các nội dung thi đấu, từ đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ trong các nhóm tuổi.
 
Điển hình như trong nhóm tuổi 36-40 nội dung đôi nữ, giải Nhất và Cúp vô địch về tay cặp đôi thuộc thành viên của CLB Đông Đô là Lê Thị Thu Hằng và Bùi Thị Mai Anh. Đồng giải Ba nhóm tuổi này là cặp đôi Nguyễn Thị Xuân Hạnh - Phạm Mỹ Lan cũng của CLB Đông Đô. Năm ngoái VĐV Lê Thị Thu Hằng của CLB Đông Đô khi đánh cặp với 1 VĐV trong tỉnh đã giành Huy chương Vàng giải Trung cao tuổi toàn quốc trong nhóm tuổi này. 
 
Hay như trong nội dung đôi nam nữ từ 41-45 tuổi, 2 cặp đôi của CLB Đông Đô đã giành cả giải Nhất và Nhì. Đó là cặp đôi Diệp Minh Hoàng và Sầm Tiểu Loan, giải nhất Huy chương Vàng và cặp đôi Đỗ Thành Tín - Trần Thu Thủy, giải Nhì, Huy chương Bạc. 
 
Tổng cộng CLB Đông Đô đã giành được 15 huy chương trong 14 nội dung của giải Trung cao tuổi toàn tỉnh 2020, trong đó có 5 Huy  chương Vàng cùng Cúp vô địch.
 
Một điều cũng cần nói về CLB này chính là công tác đào tạo trẻ. Theo ông Diệp Minh Hoàng - Chủ nhiệm đồng thời cũng là một VĐV có nhiều thành tích cho biết, CLB Đông Đô trong 1 năm nay đã bắt đầu đứng ra đào tạo cầu lông trẻ tại huyện Đức Trọng. Lớp cầu lông trẻ này tại CLB hiện có khoảng 20 em từ 6 - 12 tuổi, lớp được mở các ngày trong tuần sau giờ học. Có giờ rảnh, các phụ huynh sẽ mang các cháu đến đây tập luyện, học phí đào tạo 400 nghìn đồng/tháng. 
 
“Đào tạo trẻ chính là niềm vui của chúng tôi vì nay CLB đã có đủ các lớp tuổi, có lớp lớn tuổi chơi, có lớp trung niên, nay có thêm lớp trẻ nên CLB phát triển bền vững. Nhiều phụ huynh rất muốn cho con em mình tập luyện TDTT nâng cao thể chất sau giờ học và chúng tôi luôn sẵn sàng” - ông Hoàng cho biết.
 
Chính những CLB cầu lông hoạt động theo phương thức xã hội hóa như CLB Đông Đô này đã làm cho Đức Trọng trở thành một trong những địa phương có phong trào cầu lông rất phát triển nếu không muốn nói là rất mạnh hiện nay tại Lâm Đồng.
 
GIA KHÁNH