Một thế vận hội mùa hè không du khách nước ngoài

06:04, 01/04/2021

Dù đã bán vé vào cửa xem Thế vận hội mùa hè - Olympic Tokyo 2021 dự kiến diễn ra giữa năm nay, nhưng Ban tổ chức sẽ hoàn tiền vé cho người nước ngoài để không đến Nhật vì mối đe dọa của đại dịch COVID-19 vẫn hiện hữu.

Dù đã bán vé vào cửa xem Thế vận hội mùa hè - Olympic Tokyo 2021 dự kiến diễn ra giữa năm nay, nhưng Ban tổ chức sẽ hoàn tiền vé cho người nước ngoài để không đến Nhật vì mối đe dọa của đại dịch COVID-19 vẫn hiện hữu.
 
Olympic Tokyo 2021 tại Nhật đang đến với nỗi lo dịch bệnh. Ảnh: Internet
Olympic Tokyo 2021 tại Nhật đang đến với nỗi lo dịch bệnh. Ảnh: Internet
 
Rước đuốc phải mang khẩu trang
 
Sẽ có chút gì đó là lạ vì vận động viên (VĐV) khi chạy hay vận động mạnh cần hít thở lại phải mang khẩu trang. Nhưng với thời đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 hoành hành thì nhiều thứ bất khả thi đều có khả năng thành… khả thi. Như chuyện buộc mang khẩu trang khi chạy rước đuốc Thế vận hội mùa hè - Olympic Tokyo 2021 tại Nhật năm nay chẳng hạn.
 
Ngày 25/3 vừa qua, ngọn đuốc của Thế vận hội mùa hè - Olympic Tokyo 2021 đã được đốt lên tại tỉnh Fukushima bắt đầu cho hành trình vòng quanh trên 850 thành phố tại 47 tỉnh, thành của Nhật Bản trước khi về Tokyo thắp sáng tại sân vận động quốc gia trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 2021 vào ngày 23/7 sắp đến.
 
“Cũng giống như những nụ hoa anh đào sắp chớm nở khi xuân đến, ngọn đuốc của tinh thần Olympic cuối cùng cũng đã được thắp sáng” - bà Seiko Hashimoto - Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2021 vui mừng tại buổi lễ rước đuốc. “Năm vừa qua, thế giới tiếp tục chìm đắm trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, thế nhưng ngọn lửa Olympic vẫn luôn cháy âm thầm nhưng mạnh mẽ. Ngọn lửa nhỏ đã không làm mất đi hy vọng cho mọi người” - bà Seiko nói. 
 
Đúng ra Thế vận hội mùa hè Tokyo đã diễn ra từ năm ngoái (2020). Nước Nhật hùng mạnh đã chuẩn bị rất tốt cho ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh này, kể cả việc chi một số tiền rất lớn đến 25 tỷ USD để nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng các khu liên hợp thể thao, xây làng Olympic, nối kết giao thông trong thành phố Tokyo và các thành phố phụ cận nơi diễn ra các sự kiện thể thao. Thế nhưng cơn sóng thần đại dịch COVID-19 đã phủ bóng đen khắp 5 châu, Olympic Tokyo 2020 phải hoãn lại đến năm nay mới tổ chức được. 
 
Tại Fukushima, các thành viên trong đội tuyển bóng đá nữ của Nhật từng vô địch World Cup bóng đá nữ năm 2011 vinh dự là những VĐV chạy tiếp sức đầu tiên trong cuộc rước đuốc Olympic. Dự kiến sẽ có khoảng 10 nghìn người vinh dự tham gia vào lễ rước đuốc năm nay, trong đó có nhiều nhân vật có tên tuổi của nước Nhật. Theo yêu cầu của Ban tổ chức, những người tham gia rước đuốc phải mang khẩu trang trong suốt hành trình. Trước khi tham gia rước đuốc, họ cũng phải nộp hồ sơ kiểm tra sức khỏe trong vòng 15 ngày trước khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.
 
Không chỉ VĐV và người tham gia rước đuốc mà người dân những nơi ngọn đuốc đi qua cũng được yêu cầu mang khẩu trang khi đi đón đuốc dọc đường, không được tập trung đông, phải giữ khoảng cách xã hội, chỉ được cổ vũ bằng cách vỗ tay, không hò hét và chỉ tham dự các chặng rước đuốc gần nơi mình sinh sống. An toàn cộng đồng được Ban tổ chức Thế vận hội nhấn mạnh và coi đó là một “ưu tiên hàng đầu” cho mọi hoạt động của Olympic năm nay.
 
Hoàn vé cho du khách nước ngoài
 
Theo kế hoạch, Thế vận hội Olympic Tokyo 2021 sẽ diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 8/8; tiếp sau đó là Thế vận hội người khuyết tật - Paralympic Tokyo 2021 diễn ra từ 24/8 đến 5/9. 
 
Là một đất nước có hệ thống y tế hàng đầu thế giới nên việc phòng, chống đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 tại Nhật lâu nay được tổ chức rất tốt, là nước có tỷ lệ tử vong thấp so với số ca mắc. Tuy nhiên, quốc gia này đã thống nhất với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) để đơn giản hóa nhiều hoạt động tại Thế vận hội nhằm đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đất nước mình.
 
Theo tờ Bưu điện Washington với đặc phái viên từ Nhật, Chính phủ nước Nhật gần đây đã quyết định không cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này để dự khán các trận đấu tại Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo năm nay. Nguyên do là vì đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, cùng đó là sự lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nếu để du khách nhập cảnh vào Nhật, chính quyền cho biết rất khó để kiểm soát cũng như tiến hành các biện pháp phòng ngừa triệt để.
 
“Rất đáng tiếc khi khán giả nước ngoài không thể đến sân dự khán các trận đấu được, nhưng chúng tôi buộc phải đi đến quyết định này vì sự an toàn chung cho mọi người” - bà Seiko Hashimoto chia sẻ.
 
Với các VĐV, HLV nước ngoài đến thi đấu tại Thế vận hội, Ban tổ chức yêu cầu họ phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo qui định nước sở tại. Riêng với khán giả trong nước, Ban tổ chức trong tháng 4 sẽ phối hợp với ngành chức năng để tính toán và quyết định về số lượng khán giả tối đa được phép dự khán ở các địa điểm thi đấu.
 
Trong trường hợp khán giả nước ngoài đã mua vé rồi, Ban tổ chức cho biết sẽ hoàn tiền lại cho người mua. Trong năm 2019, Ban tổ chức Olympic Tokyo đã đưa 7,8 triệu vé ra phát hành, phần lớn trong số này sau đó đã được bán ra rất nhanh; 70% trong đó được khán giả nội địa mua; còn người nước ngoài mua khoảng 630 nghìn vé, trong đó có 600 nghìn vé cho Thế vận hội và 30 nghìn vé cho Thế vận hội người khuyết tật. Toàn bộ số vé bán cho người nước ngoài sẽ được hoàn tiền lại.
 
Cho đến nay, nước Nhật đã tiêm chủng cho khoảng 700 nghìn người, phần lớn trong số này là nhân viên y tế. Chính phủ Nhật hy vọng sẽ có thêm 100 triệu liều vaccine trong mùa hè này, đủ để tiêm cho 5 triệu người làm việc trong lĩnh vực y tế và khoảng 38 triệu người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, với một quốc gia có dân số khoảng 126 triệu người, vẫn còn một lượng người rất lớn trong nước này phải chờ khá lâu mới được tiêm chủng.
 
Ủy ban Olympic Quốc tế - IOC hiện đang khuyến khích các quốc gia có cử các đoàn VĐV, HLV đến Nhật thi đấu trong mùa hè này nên thực hiện kiểm tra COVID-19, và nếu được nên tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trước khi nhập cảnh vào Nhật. Tại Nhật, IOC khuyến khích các VĐV, HLV thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa của Chính phủ Nhật. Chủ tịch IOC, ông Thomas Bach trong dịp này cũng bày tỏ sự đáng tiếc khi người hâm mộ thể thao khắp thế giới không thể đến Nhật trong mùa hè này để dự khán các trận đấu. “Nước Nhật và IOC đã đi đến quyết định này không dễ dàng chút nào” - ông nói.
 
Còn theo Chủ tịch Ủy ban Thế vận hội người khuyết tật Quốc tế - Andrew Parsons: “Trong một thế giới lý tưởng mọi người đều mong muốn khán giả khắp thế giới được đến sân, trong đó có gia đình, người thân, bạn bè của các VĐV, đến để cổ vũ tinh thần cho họ thi đấu. Tuy nhiên, trong thời điểm này, chúng ta buộc phải ghi nhận rằng do dịch bệnh xảy đến toàn cầu, thế giới chúng ta sống không phải là một thế giới lý tưởng như vậy”.
 
GIA KHÁNH