Các biện pháp chống nắng nóng giúp cải thiện sức khỏe và thành tích của VĐV

04:08, 31/08/2021

Nhiệt độ dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian diễn ra Paralympic Tokyo tại Nhật Bản, đòi hỏi phải có các biện pháp phòng chống nắng nóng để đảm bảo sức khỏe và cải thiện thành tích của các vận động viên.

Nhiệt độ dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian diễn ra Paralympic Tokyo tại Nhật Bản, đòi hỏi phải có các biện pháp phòng chống nắng nóng để đảm bảo sức khỏe và cải thiện thành tích của các vận động viên.
 
Nhiệt độ đo được ở thủ đô Tokyo thường xuyên vượt ngưỡng 30 độ C kể từ khi Olympic khai mạc
Nhiệt độ đo được ở thủ đô Tokyo thường xuyên vượt ngưỡng 30 độ C kể từ khi Olympic khai mạc
 
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, nhiệt độ đo được ở thủ đô Tokyo thường xuyên vượt ngưỡng 30 độ C kể từ khi Olympic khai mạc cách đây hơn một tháng, trong khi độ ẩm khá cao ở mức 70%. Thời tiết khắc nghiệt được dự báo sẽ kéo dài trong tuần tới.
 
Trong 17 ngày diễn ra Olympic Tokyo (23/7-8/8), có 59 vận động viên đã bị sốc nhiệt, trong đó 6 người phải nhập viện. Cùng với những lo ngại về sức khỏe liên quan đến đại dịch COVID-19, một số vận động viên Paralympic, chẳng hạn như những người bị chấn thương tủy sống, có nguy cơ bị sốc nhiệt cao hơn.
 
Một quan chức của Đoàn thể thao Paralympic Nhật Bản cho biết nếu nhiệt độ ngoài trời chạm ngưỡng 32 độ C, nhiệt độ trên sân có thể lên đến 40 độ C và đây là một điều kiện thi đấu khắc nghiệt đối với các vận động viên.
 
Nhà sinh lý học tại Đại học Khoa học Thể thao Nippon, ông Masaaki Sugita, khuyến cáo cần giữ cho nhiệt độ cơ thể của các vận động viên ở mức dưới 40 độ C trong khi luyện tập để họ có thể duy trì phong độ. Ông nhấn mạnh các phương pháp như làm mát cơ thể trước và trong khi thi đấu là rất quan trọng đối với các vận động viên Olympic và Paralympic.
 
Trong thời gian diễn ra Paralympic (24/8-5/9), Liên đoàn Quần vợt quốc tế đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn so với Olympic vì các vận động viên ngồi trên xe lăn nhạy cảm hơn với bức xạ nhiệt. Theo đó, đối với môn quần vợt xe lăn, tất cả các trận đấu ở 9 sân ngoài trời tại Công viên Quần vợt Ariake đã bị dời lịch muộn hơn 6 giờ trong ngày thi đấu đầu tiên 27/8 vì nhiệt độ lên tới 33 độ C và chỉ số căng thẳng do nhiệt vượt ngưỡng an toàn nếu thi đấu vào lúc 11 giờ trưa.
 
Ngoài các biện pháp phòng ngừa say nắng, việc kiểm soát nhiệt độ cơ thể đã trở thành “chìa khóa” để cải thiện kết quả thi đấu của các vận động viên. Bên cạnh đó, việc áp dụng các phương pháp khoa học để nâng cao sức khỏe thể chất đã mở ra một lĩnh vực cạnh tranh khác ở Olympic và Paralympic Tokyo.
 
Đoàn thể thao Nhật Bản khép lại Olympic với thành tích kỷ lục 27 huy chương vàng, vượt xa mức kỷ lục 16 huy chương thiết lập trước đó tại Olympic Tokyo 1964.
 
Theo giới phân tích, các thiết bị làm mát và nước uống thể thao được cung cấp cho các vận động viên Olympic - dựa trên nghiên cứu kể từ khi Nhật Bản giành quyền đăng cai tổ chức vào năm 2013 - đã đóng vai trò quan trọng giúp đoàn thể thao “đất nước Mặt trời mọc” đạt được số huy chương kỷ lục.
 
Ông Sugita, người phụ trách hỗ trợ khoa học tại Ủy ban Olympic Nhật Bản, đã phát triển loại nước uống đặc biệt có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng chuột rút do nhiệt độ cao. Ông cho biết nước uống này chứa nhiều khoáng chất khác nhau, trong đó có natri và kali, để bù lượng khoáng chất mất đi khi các vận động viên đổ mồ hôi. Các loại nước uống này được cung cấp cho các vận động viên tham gia thi đấu ở 15 môn thể thao, bao gồm quần vợt và 3 môn phối hợp. Trong khi đó, các thiết bị làm mát được sử dụng trong các cuộc thi chạy marathon, đua thuyền, ca nô và trượt ván. Những sản phẩm làm mát dự kiến sẽ được thương mại hóa và nước uống thể thao có thể được bán ra thị trường vào mùa Thu năm nay.
 
(Theo Baotintuc.vn)